Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Điển Hình Nông Dân Sản Xuất Giỏi

Những Điển Hình Nông Dân Sản Xuất Giỏi
Ngày đăng: 24/01/2015

Mới gặp tôi, ông Vương Khánh Hùng ở xã Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) đã chia sẻ: “Sống ở vùng úng trũng, chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng quanh năm lại thường xuyên bị lũ lụt nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng với gia đình tôi. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi nghĩ phải “tích tụ” ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng giải quyết nhanh khâu làm đất, đặc biệt là khâu thu hoạch tránh lũ mới có được thu nhập ổn định...”.

Từ suy nghĩ đến bắt tay thực hiện, ông Hùng đã thuê 2,5 đất “đầu thừa đuôi thẹo” để trồng lúa, áp dụng kiến thức thâm canh, năng suất tăng lên bình quân 50 tạ/ha/vụ; tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Hội Nông dân tổ chức, sau đó vay vốn ưu đãi của nhà nước đầu tư 240 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ bà con trong xã. Với mô hình sản xuất khép kín này, hàng năm trừ chi phí gia đình ông thu nhập trên 180 triệu đồng, từ năm 2010 gia đình ông đã thoát nghèo vàvươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trang trại cam của ông Trần Ngọc Nhơn nằm trên vùng đồi K4 thuộc địa bàn xã Hải Phú. Đây là vùng chuyên canh cây cam “sạch” đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong chăm bón, thu hoạch, bảo quản. Ông Nhơn cho biết: “Bắt đầu cũng gian nan lắm. Hơn 20 năm trước, vợ chồng tôi ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú ngày đêm bám lấy ruộng vườn cật lực làm ăn nhưng chỉ đủ gạo nuôi con chứ không dám mơ đến làm giàu. Sau những lần lên rừng chặt củi, lấy mây qua lại vùng đồi K4 thấy địa thế đẹp, lại có khe suối để tận dụng nguồn nước nên tôi nảy ra ý định lên đây lập nghiệp. Được chính quyền địa phương đồng ý và tạo điều kiện nhiều mặt, vậy là vợ chồng tôi lên đây mở trang trại..."

Từ đó ông Nhơn bắt tay vào khai hoang trong sự thiếu thốn đủ bề, từ vốn liếng, nhân lực, công cụ sản xuất, điện thắp sáng, nước sạch đến cả hiểm nguy ẩn trong lòng đất do đạn bom còn sót lại. Nhưng bằng sự cần mẫn khai phá, chắt chiu từng ngày, từ 8 ha ban đầu, đến nay trang trại của ông được mở rộng lên đến 12 ha, trong đó có 2 ha trồng cam, 1 ha trồng cây ăn quả, còn lại là chè, sắn, cao su, táo, mít, sả, tre Bát Độ, hồ thả cá...

Khi được hỏi về những nguyên tắc để thành công, ông Nhơn cho rằng giống là yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng. Do vậy, khi đã quyết định trồng cam, ông đã ra tận Tây Hiếu, Nghĩa Đàn, vùng chuyên canh cam nổi tiếng của Nghệ An để tự tay chọn cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở đây. Giống đảm bảo, đầu tư đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật nên ở trang trại của ông, nhiều cây thu được trên 150 kg quả. Bình quân mỗi năm, ông thu được 10 tấn quả, bán trên 100 triệu đồng.

Không chỉ có ông Hùng, ông Nhơn, ở huyện Hải Lăng còn có rất nhiều nông dân với những cách làm khác nhau đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Vùng đồng bằng trọng điểm sản xuất lúa, nhiều hộ đã đưa những loại giống lúa có năng suất cao vào gieo trồng, thâm canh, xây dựng mô hình lúa-cá, sen-cá, lợn-cá, nhiều hộ lập trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn, nhiều hộ mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy xay xát và làm dịch vụ vật tư nông nghiệp, xây dựng, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân, đem lại lợi nhuận cao.

Ở vùng cát, nông dân đã tập trung cải tạo đất, lập vườn ươm cây giống lâm nghiệp, trồng các loại rau màu thực phẩm theo hình thức luân canh, xen canh, gối vụ, cải tạo mặt nước, đào hồ nuôi các loại cá nước ngọt. Ở vùng biển cũng có nhiều hộ giàu lên từ nghề khai thác, chế biến thủy hải sản kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ, đặc biệt nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng từ nuôi tôm thẻ chân trắng... Nhờ vậy đến nay ở huyện Hải Lăng có 3.211 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 11,4% tổng số hộ nông dân trên địa bàn. Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của các hộ gia đình phải kể đến vai trò của các cấp Hội nông dân. Tùy theo đặc điểm của từng vùng, miền mà hội có những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.

Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Hải Lăng, với phương châm vận động đi đôi với hỗ trợ, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các ngân hàng cho 4.524 hộ vay với tổng dư nợ trên 90 tỷ đồng, tranh thủ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh được hơn 1,2 tỷ đồng cho vay 3 dự án và 36 mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 31 lớp dạy nghề, 107 lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, để ngày càng xuất hiện nhiều hơn các điển hình nông dân sản xuất giỏi, ngoài nỗ lực của người dân cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của tổ chức hội và các ngành liên quan. Trước hết là sớm có chính sách thúc đẩy quá trình dồn điển, đổi thửa gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các HTX, các tổ chức, cá nhân có vốn, có kinh nghiệm quản lý và nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có chính sách ưu tiên phù hợp cho các mô hình phát triển kinh tế, bao tiêu sản phẩm nông dân làm ra; quan tâm chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân...


Có thể bạn quan tâm

Khoai lang xuất khẩu tăng giá Khoai lang xuất khẩu tăng giá

Mấy ngày qua, giá khoai lang tím Nhật ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ… lên cơn “sốt”. Hiện thương lái tìm mua khoai lang tím Nhật với giá 800.000 - 850.000 đồng/tạ (tính 60kg/tạ), tăng gấp nhiều lần so với thời điểm quý 2-2015 giá chỉ 100.000 - 150.000 đồng/tạ.

25/11/2015
Vụ mùa năm 2015 đạt năng suất cao nhờ cơ cấu giống, thời vụ hợp lý Vụ mùa năm 2015 đạt năng suất cao nhờ cơ cấu giống, thời vụ hợp lý

Các địa phương ở Hải Phòng hiện cơ bản thu hoạch xong lúa mùa với năng suất trung bình 57,2 tạ/ha, cao hơn mùa trước chút ít (56,8 tạ/ha), sau bao nỗi lo về điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến động thất thường trong suốt quá trình canh tác.

25/11/2015
Nông dân lo mía khô hạn Nông dân lo mía khô hạn

Vụ thu hoạch mía đang tới gần. Trước diễn biến thời tiết khô hạn như năm nay, nhiều hộ dân trồng mía tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai cầm chắc nguy cơ mía tụt giảm năng suất…

25/11/2015
Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường.

25/11/2015
Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản

UBND tỉnh Bình Dương vừa cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 (Quyết định số 45).

25/11/2015