Những Cựu Chiến Binh Tiên Phong Làm Giàu
Trở về với đời thường, dù mang trong mình nhiều thương tích, nhưng nhiều cựu chiến binh (CCB) ở Đức Phổ tiếp tục phát huy bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ. Họ không ngại khó, ngại khổ, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật làm giàu cho mình và giúp đồng đội, bà con hàng xóm cải thiện cuộc sống...
Lên mạng tìm giống mới
CCB, thương binh 2/4 Duy Thanh Hoàng ở thị trấn Đức Phổ là người đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ ở huyện Đức Phổ. Bây giờ, không phải là thời điểm chính vụ, nhưng ở vườn nhà ông cây vẫn ra hoa, trái vẫn chín đầy. Ông Hoàng kể: “Một nghìn mét vuông đất này, xưa trồng cỏ voi đủ cho ba con bò.
Cả ngày quần quật ngoài đám cỏ hết cắt rồi lại bón phân, bơm nước, rồi đi lùa bò, nhưng một năm chỉ kiếm được hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Thấy cha vất vả, mấy đứa con (làm công nghệ thông tin) bèn mua cho tôi chiếc máy tính và nối mạng Internet để xem tin tức thời sự, vui với tuổi già, chuyện đồng áng dừng bớt lại...”.
Nhưng với bản tính không chịu ngồi yên, ông “lên” mạng tìm hiểu những trang viết về kinh tế vườn. Say sưa với cây thanh long ruột đỏ, ông quyết định vào Bình Thuận tìm mua giống. “Một hom giống, chủ vườn bán đến 60 nghìn đồng là quá đắt, nhưng mê cây thanh long nên tôi bấm bụng bỏ 25 triệu đồng mua hom”- ông Hoàng cười nói.
Cây đem về trồng, nói như ông là “lên bờ xuống ruộng”, bởi có người bảo chỉ cần dựng hom trong trụ chăm bón, có người bảo đem cấy vào trong bao ni lông chăm bón rồi mới trồng.
Thấy phương pháp dựng đứng hom có vẻ sơ sài quá nên ông bỏ vào bịch ni lông chăm bón rồi mới đưa xuống đất. Ai ngờ cây không phát triển được, gặp phải trời nắng nóng nên cây thối rục. Thế là ông lại phải thay đổi cách trồng.
Có nhiều đêm ông Hoàng ở trong vườn một mình chăm bón, tưới cây, sau một năm dồn sức chăm bón, cây bắt đầu ra trái, ông hái bán được 40 nghìn đồng/kg.
Thấy bà con ưa chuộng, ông đã mở dần diện tích trồng hơn 100 trụ trên diện tích gần 3 sào. Tận dụng phân bò bón lót, trên phủ lưới, dưới tưới nước đều đặn nên vườn thanh long của ông quanh năm tươi tốt. Từ năm 2011 đến nay ông thu hoạch đều đặn 9 đợt trong năm.
Mỗi năm ông thu được từ 60 – 70 triệu đồng tiền bán trái. Đáp ứng nhu cầu của bà con, ông lại giâm hom giống trong vườn và bán 10 nghìn đồng một hom. Từ đầu năm 2014 đến giờ chỉ tính tiền bán hom giống ông Hoàng đã thu được 60 triệu đồng.
Trồng tiêu, trồng cỏ trên đất cát
Với CCB Lê Hồng Kiếm, ở thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh thì ông đã biến mảnh vườn đất cát của mình thành vườn tiêu quanh năm tươi tốt cho trái khá sai trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Ông Kiếm, tự hào: “Ở đất này, làm ra bạc triệu đã khó, nhưng nhờ trồng tiêu mà gia đình tôi đã có thu nhập cả trăm triệu đồng”.
Ông chia sẻ: “Tôi có người thân trên Tây Nguyên, lên đó chơi thấy họ trồng tiêu mà khá giả nên đưa giống về.” Lúc đầu ông chỉ trồng 30 gốc. Mùa hè về, trời nắng nóng, đất cát đi bỏng cả chân, nhưng để cho cây phát triển, ông phải đào giếng, tưới cây và bỏ cả ban trưa chặt lá dừa che gốc cho dây tiêu.
Nhờ chăm bón kỹ lưỡng nên dây tiêu bén rễ lên xanh và hai năm sau đã cho trái. Ông Kiếm vui mừng đầu tư, mở rộng lên đến 600 gốc tiêu. Bây giờ mỗi mùa tiêu, tính bình quân, ông thu mỗi gốc được 3 kg, giá bán 220 nghìn đồng/kg, đã mở ra hướng mới làm ăn trên vùng đất cát cho nhiều hộ dân trong vùng.
Ở cùng thôn với ông Kiếm là CCB Phạm Văn Đó. Ông Đó cho rằng: “Nếu không nuôi bò thì không có cuộc sống hôm nay”. Trên mảnh vườn đất cát ven biển gần nhà, ông Đó đã trồng cỏ voi, nhờ chăm bón kỹ lưỡng nên cỏ tốt bời bời. Trong nhà ông lúc nào cũng có 4 con bò lai.
Ngoài việc trồng cỏ, ông còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp và trồng bắp lấy hạt đem xay để thúc cho bò mau lớn. “Nhờ nuôi bò mà mình có thu nhập từ 38 – 40 triệu đồng/năm”, ông Đó cho biết. Số tiền này, cộng với tiền chính sách nên cuộc sống của ông giờ đủ đầy. Nhà cửa đã được xây dựng mới. Ông còn giúp các con một phần khi chúng có cuộc sống riêng tư.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị bộ này hỗ trợ cho tỉnh 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) tuýp O, A và 20.000 lít thuốc sát trùng Benkocide để phòng và chống dịch LMLM đang xảy ra trên địa bàn.
Bình Dương thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm, giai đoạn 2015 - 2020” với mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm tại các huyện của 5 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Cà Mau bắt đầu chú ý nuôi chim trĩ. Đây là mô hình mới, cho thu nhập kinh tế khá cao.
Vài tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán đây là thời điểm người chăn nuôi đang ráo riết chuẩn bị con giống, thức ăn vỗ béo đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm.
Đầu vụ năm nay, diện tích gừng tại Cà Mau tăng lên nhanh chóng để thay thế cây mía sau đợt sốt giá đột biến vào năm 2014. Chỉ với vài ba công đất gừng, nhiều người đã trở thành triệu phú.