Nhộn Nhịp Tàu Cá Vươn Ra Trường Sa

Sáng 5.2 (tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ), hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đã mở biển, bắt đầu cho mùa khai thác năm mới trên ngư trường Trường Sa.
Theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) - ước nguyện năm mới của ngư dân là vừa liên kết khai thác được “cá nặng đầy khoang”, vừa kết hợp bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Vượt khó vươn khơi đầu năm
Bình minh cũng là lúc bến cá phường 6 tấp nập tàu thuyền chuẩn bị vật tư, ngư lưới cụ để tàu nhổ neo ra khơi. Ngư dân Trần Văn Đông - chủ tàu PY-96579TS - cho biết, bắt đầu từ mùng 6 tháng giêng, ngư dân mở biển và cầu mong tàu “thuận buồm, xuôi gió” để đi khai thác cá ngừ, cá chuồn và các loại cá nổi khác ở ngư trường Trường Sa đạt kết quả.
“Tàu của tôi vào cập bến ngày 30 tháng chạp, chỉ bán cá ngừ được hơn 100 triệu đồng, lỗ khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ chương trình hỗ trợ dầu của Chính phủ bù đắp một phần chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt ở Trường Sa, nên tôi cố gắng vượt khó vươn khơi đầu năm mới”.
Theo những người đi bạn của tàu PY-92639TS của ông Trần Kim Hoa (phường 6), hiện hoạt động tàu cá gặp nhiều khó khăn, do tất cả các loại vật tư đều tăng giá nên chi phí mở biển cũng tăng từ 15 - 20%, ở mức 120 triệu đến 200 triệu đồng/chuyến. Một chuyến biển “ngốn” hơn 6.000 lít dầu, khoảng 320 cây đá và chuẩn bị 2 tạ gạo, 4 bình gas, các nhu yếu phẩm cho bữa ăn hằng ngày của 10 bạn thuyền,...
Chi phí cao như vậy nhưng giá cá lại bấp bênh, riêng giá cá ngừ chỉ 145.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa cá và cá ngừ xuất hiện nhiều, một số tàu khai thác đạt sản lượng và thu lãi cao, như tàu của ông Lê Đức Tuyến (phường Phú Đông) đi 2 lèo (chuyến biển) chia bạn được 14 triệu đồng; tàu PY96194TS đã câu được 45 con cá ngừ vây vàng đạt sản lượng hơn 2 tấn, thu lãi hơn 100 triệu và chia bạn thuyền từ 5 đến 10 triệu đồng...
“Riêng tàu của chúng tôi cập bến 29 tháng chạp, bán được 13 tấn cá chuồn, chia bạn hơn 5 triệu đồng/người. Đây là tín hiệu vui, là động lực để “tiếp sức” cho chúng tôi tiếp tục bám biển khai thác đạt kết quả cao” - một người đi bạn tàu PY-92639TS nói.
Liên kết khai thác và bảo vệ ngư trường
Đại úy Nguyễn Ngọc Ry - Đội phó Đội Kiểm soát hành chính Đà Rằng (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên) - cho biết: Trong ngày mùng 6 tết đã có gần 100 tàu cá có công suất lớn ở TP.Tuy Hòa đăng ký ra khơi đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa, trong đó có 35 chiếc trong tổng số gần 200 chiếc tàu của ngư phường 6.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Trung Hiệp - Trưởng ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) - từ mùng 4 tết, hàng chục tàu cá “trúng đậm” cá cơm về cảng; một số tàu câu cá ngừ đại dương cũng đạt sản lượng. Do vậy, đa số bà con phấn khởi mở biển liên kết khai thác và bảo vệ ngư trường ở Trường Sa...
Theo Sở NNPTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ trong tổng số 7.228 tàu thuyền khai thác hải sản, thu hút khoảng 25.750 lao động. Ngư dân Trần Văn Tú -thuyền trưởng tàu PY-92709TS, ở phường 6 - tâm sự: “Trong quá trình khai thác khơi thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân thường gặp tàu nước ngoài “lấn sân”, cản trở hoạt động. Nhưng chúng tôi không sợ, sẽ tiếp tục liên kết vừa đánh bắt ở vùng biển truyền thống từ 7 - 9 độ vĩ bắc, 110 -113 độ kinh đông, vừa kết hợp bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển thiêng liêng của tổ quốc”.
Ngư dân Phú Yên đã thành lập được 103 tổ tàu thuyền an toàn với hơn 910 phương tiện và hơn 6.890 lao động tham gia, phát huy vai trò liên kết làm ăn, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn và bảo vệ ngư trường Việt Nam.
Theo đại úy Nguyễn Ngọc Ry - Đội phó Đội Kiểm soát hành chính Đà Rằng - trước khi ngư dân xuất bến, lực lượng biên phòng đã tuyên truyền cho bà con hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông, công ước về luật biển, các vùng biển ngư dân cần liên kết đánh bắt, những vùng cần tránh và những điều ngư dân cần làm để bảo vệ chủ quyền vùng biển trong điều kiện hiện nay...
Có thể bạn quan tâm

Theo phản ánh của người nuôi cua, hiện nay thương lái đến tận ruộng mua cua y với giá dao động từ 170 - 190 ngàn đồng/kg, cua gạch có giá từ 280 - 300 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 70.000 đồng/kg so với thời kỳ rớt giá.

Ngày 30-9, tại huyện Phú Lương, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Dự án xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể dinh dưỡng để trồng rau, hoa trong chậu.

Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, số cá tra giống này được thuần hóa giống bố mẹ lấy từ đồng bằng sông Cửu Long, cho sinh sản tại cơ sở nuôi trồng của trung tâm cách đây 3 tháng. Cá tra là loại thủy sản được nuôi thả phổ biến ở miền Nam và trong những năm gần đây đã được nuôi thành công tại Quảng Nam. Đợt thả cá này mang tính chất thử nghiệm với mục đích qua sự chọn lọc của tự nhiên có thể lưu giữ nguồn gien giống cá tra, góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Nuôi ong mật lâu nay là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) bởi chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề. Để duy trì nghề nuôi ong mật, Hội Nông dân xã Động Đạt đã thành lập Chi hội Nuôi ong với 26 hội viên. Hàng năm, 500 đàn ong mật của các hội viên Chi hội đã cung ứng ra thị trường từ 10 đến 12 tấn mật.