Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhọc Nhằn Nuôi Vịt Chạy Đồng

Nhọc Nhằn Nuôi Vịt Chạy Đồng
Ngày đăng: 01/04/2014

Dẫu vất vả, cực nhọc, quanh năm “lấy ruộng đồng làm nhà” và đối mặt với nguy cơ trắng tay hay có thể nhiễm bệnh khi có dịch cúm gia cầm, song nhiều gia đình vẫn xem nghề chăn vịt là nghề chính, có người gắn bó với nghề này gần trọn cuộc đời…

Chạy theo vịt!

Đến cánh đồng Vạn Phú 3 (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vào những ngày lúa chưa thu hoạch rộ, chúng tôi bắt gặp nhiều trại nuôi vịt nằm dọc các tuyến đường chính hay bên những cái ao trên đồng. Họ đang chờ đến ngày đồng lúa thu hoạch hết để cho vịt chạy đồng.

Ông Trần Văn Mười (thôn Quynh Hòa) vừa đi mua thuốc tiêm phòng cho đàn vịt trở về, vội chui ngay vào lều dựng bên cái ao ven đường để trốn nắng buổi trưa. Chỉ mới 41 tuổi nhưng đã có 30 năm gắn bó với nghề chăn vịt, vậy nên ông Mười được người dân địa phương xem là người nuôi vịt kỳ cựu nhất thôn Quynh Hòa.

Người chăn vịt chạy đồng phải túc trực 24/24 giờ bên đàn vịt.

Ông Mười cho biết: “Cái vất vả của nghề này thật khó nói hết, nhưng việc ăn ở ngoài đồng với vịt suốt 2 - 3 tháng/lứa là điều bắt buộc.

Thời điểm ươm vịt chờ chạy đồng như hiện nay còn đỡ, vì được ở một chỗ. Khoảng nửa tháng nữa, khi đồng ruộng thu hoạch xong, tôi phải theo đàn vịt đi khắp 100ha ruộng đã “lạc túc đồng” (mua quyền thả vịt trên diện tích ruộng đã gặt lúa). Lúc đó, vịt ăn chỗ nào là tôi phải “đóng đô” chỗ đó. Vì những vất vả của nghề này mà tôi được một người bạn tặng hai câu thơ: Tưởng nghề nuôi vịt là chơi/Nào ngờ nuôi vịt phải phơi giữa đồng…”.

Ăn vội bữa trưa tự tay nấu lấy, ông Mười gọi điện kêu người nhà ra phụ tiêm phòng cho đàn vịt 4.000 con hơn 1,5 tháng tuổi, rồi thận trọng pha số thuốc phòng dịch ông vừa mua về. “Để hạn chế rủi ro, tôi luôn tuân thủ việc tiêm phòng dịch cho đàn vịt trong suốt thời gian nuôi, nhất là thời điểm đang có dịch cúm như hiện nay”, ông Mười nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đâu (57 tuổi, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) đã có hơn 25 năm trong nghề nuôi vịt. Mỗi lần di chuyển hơn 2.000 con vịt đẻ, ông Đâu phải mướn xe chở cả bầy đến cánh đồng mới. Sau đó, ông ở lại cho đến hết mùa rạ. Để lưu lại dài ngày, những người nuôi vịt phải cất chòi ở tạm ngoài đồng, trên bờ đê cao gần nơi vịt ở để tiện trông coi.

Vật dụng không thể thiếu của người nuôi vịt chạy đồng là cây diều, dùng để kiểm soát không cho vịt nhập đàn và điều khiển đàn vịt theo ý muốn. Mỗi lần vịt đi ăn về, người chăn phải kiểm tra “quân số”. Ông Đâu kể: “Sáng sớm là lúc vui nhất của người nuôi vịt đẻ chạy đồng, bởi đó là lúc thu hoạch trứng. Từ nửa đêm đã nghe tiếng vịt kêu ổ, 4 giờ sáng thức dậy đi gom trứng và chuẩn bị một ngày mới cho vịt đi ăn.

Đa số người nuôi vịt chạy đồng như chúng tôi là những nông dân không ruộng đất. Tuy đã gắn bó với con vịt gần nửa đời người nhưng gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn. Nghề nuôi vịt chạy đồng chỉ lấy công làm lời”. Tuy vậy, trong gia tộc ông Đâu cũng có 4 gia đình làm nghề chăn vịt, người lâu có đến 30 năm, người mới cũng đã 7 năm.

“Vịt giống mua với giá 10.000 đồng/con, nuôi đến khi sinh sản thì phải tốn chi phí hơn 80.000 đồng/con. Vào thời điểm lúa chưa thu hoạch, mỗi ngày, hơn 2.000 con vịt của tôi tiêu tốn hơn 3 triệu đồng tiền thức ăn. Bình quân mỗi ngày, tôi thu 1.500 quả trứng, bán với giá 2.500 đồng/quả. Nếu không gặp rủi ro dịch bệnh, trừ chi phí, mỗi tháng, tôi lời khoảng 10 - 15 triệu đồng”, ông Đâu nhẩm tính.

Trước đây, người nuôi vịt chạy đồng không phải bỏ tiền mua ruộng lúa để chăn vịt, còn giờ đây phải mua với giá từ 70.000 đến 100.000 đồng/ha. Ông Đâu cho biết: “Để có nơi thả vịt, hàng năm, tôi phải mua hơn 300ha ruộng với giá 100.000 đồng/ha.

Tuy nhiên, việc mua lạc túc đồng không phải dễ dàng bởi phải đấu giá, nếu ai trả giá cao thì mới có ruộng để thả vịt. Có nhiều năm, tôi phải mua lại của người khác với giá hơn 400.000 đồng/ha...”.

Nhiều nông dân trong tỉnh chọn nghề nuôi vịt chạy đồng là phương kế mưu sinh theo kiểu cha truyền con nối. Có lẽ không ai rành mùa vụ từng vùng bằng những người nuôi vịt chạy đồng, bởi họ cứ theo bầy vịt đi hết đồng này sang đồng khác, thậm chí phải di chuyển đàn vịt bằng ô tô để đến những cánh đồng ở một số tỉnh lân cận.

Ẩn chứa nhiều rủi ro

Nhiều năm qua, nghề nuôi vịt chạy đồng đã giúp không ít gia đình phát triển kinh tế. Tất cả mọi hy vọng của họ đều đổ dồn vào đàn vịt. Thế nhưng, dịch cúm gia cầm lây lan như một “cơn bão mạnh”, khiến hàng chục nghìn con vịt bị chết và tiêu hủy; bỗng chốc, đời sống của hàng chục hộ chăn nuôi rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần...

Ngồi thẫn thờ bên lều vịt trống hoác, ông Nguyễn Ngọc Quốc (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) nói trong tiếng thở dài: “Tôi coi như trắng tay. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm đều bỏ hết vào đàn vịt, bây giờ bị tiêu hủy hết rồi”. Ông Quốc vay của người thân, bạn bè, ngân hàng gần 50 triệu đồng cùng với khoản tiền tích cóp để đầu tư vào đàn vịt hơn 2.000 con. Khi đàn vịt đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, ở Ninh Hòa bùng phát dịch cúm gia cầm và đàn vịt của ông nhiễm bệnh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) cũng rơi vào tình cảnh nợ nần khi đàn vịt 2.000 con vừa bị chết và tiêu hủy vì dịch cúm H5N1. “Để có vốn nuôi vịt, tôi phải gom góp, vay mượn. Nhìn đàn vịt lớn nhanh, tôi hy vọng sẽ trả được nợ và có ít tiền lời để đầu tư cho lứa sau, nhưng bây giờ đã mất sạch”, bà Ngọc nghẹn ngào.

Dịch cúm gia cầm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, gây tổn thất nặng nề cho những hộ có vịt bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, mà những hộ có đàn vịt không nhiễm bệnh cũng lao đao không kém. Anh Trần Văn Triều (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) có hơn 10 năm nuôi vịt cho biết: “Đợt này, tuy đàn vịt hơn 1.500 con của tôi không bị nhiễm bệnh nhưng cũng chịu thua lỗ không kém.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thương lái ép giá xuống rất thấp. Nếu bán vào thời điểm này, tôi phải chịu lỗ 30.000 đồng/con. Nhưng nếu không bán, tôi như ngồi trên đống lửa; vì mỗi ngày, chúng tiêu tốn đến 1,5 triệu đồng tiền thức ăn”.

Theo nhiều người nuôi vịt chạy đồng, ngoài những vất vả, cực nhọc hay nguy cơ nhiễm bệnh từ vịt bị dịch cúm, họ còn nhiều phen phải chịu ấm ức khi trở thành nạn nhân của các đối tượng xin đểu, trộm cắp, thập chí cướp vịt về làm mồi nhậu, nhất là mỗi khi di chuyển đàn vịt đến những cánh đồng lạ. “Tôi chủ yếu đấu thầu ruộng lúa ở xã nhà để thả vịt, nhưng vẫn thường xuyên bị một số đối tượng đến xin vịt làm mồi nhậu.

Năm ngoái, có lần đang đêm khuya, 5 đối tượng choai choai xông vào lều xin vịt. Tôi không cho thì bị chúng hành hung và bắt đi hơn chục con. Kể từ đó, hễ gặp tình huống tương tự, tôi lại phải bấm bụng đưa mấy con để chúng mang đi cho xong chuyện”, ông Mười nói.

Được biết, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có hơn 6.000ha đất lúa. Gắn với nghề trồng lúa là nghề nuôi vịt chạy đồng. Hiện tại, trung bình mỗi xã, phường có gần chục hộ nuôi vịt chạy đồng, bình quân mỗi hộ nuôi từ 1.000 đến 7.000 con. Tuy nhiên, từ ngày công bố dịch (giữa tháng 2-2014) đến nay, trên địa bàn đã có gần 40.000 con gia cầm bị tiêu hủy do nhiễm dịch cúm H5N1, trong đó có hơn 33.000 con vịt.

Ông Lê Phú - cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trước đây, nghề nuôi vịt khá thuận lợi vì ít dịch bệnh; còn giờ đây, nhiều dịch bệnh phát sinh nên rủi ro càng nhiều, đã có không ít hộ phải bán nhà, bỏ nghề vì nợ nần. Đặc biệt, với dịch cúm gia cầm H5N1 phát sinh mấy năm gần đây, rủi ro về tính mạng đang treo lơ lửng trên đầu người nuôi vịt vì có nguy cơ lây bệnh rất cao...”.

Vất vả, cực nhọc và rủi ro là vậy, nhưng vẫn có không ít người dân gắn bó với nghề nuôi vịt thả đồng. Dọc con đường liên xã xuyên qua cánh đồng xã Vạn Phú, chúng tôi thấy thấp thoáng nhiều lều ươm vịt của người dân. Có lẽ, họ đã sẵn sàng chờ ngày đồng lúa thu hoạch xong để thả vịt và hy vọng thành công ở lứa vịt này.

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 2 triệu con gia cầm, trong đó có khoảng 900.000 con vịt. Thực hiện phòng, chống dịch, các địa phương đã tổ chức tiêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin; người dân tự tiêm hơn 3.000 liều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 điểm dịch cuối cùng là xã Ninh An và Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa) chưa qua 21 ngày. Những hộ có gia cầm bị tiêu hủy do nhiễm cúm H5N1 đều được UBND tỉnh hỗ trợ theo 7 mức từ 7.000 đến 50.000 đồng/con (tính theo trọng lượng).

Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo: Thời gian tới, các địa phương thu hoạch lúa rộ nên vịt sẽ chạy đồng. Đây là điều kiện dễ lây lan dịch bệnh nếu không được quản lý chặt chẽ. Do đó, các hộ nuôi vịt cần chọn con giống rõ ràng về nguồn gốc, có giấy kiểm dịch; tổ chức tiêm phòng cho đàn vịt theo đúng quy trình kỹ thuật, nên mua đúng loại vắc xin chống cúm để có hiệu quả cao; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng…


Có thể bạn quan tâm

Khan Hiếm Tôm Giống Khan Hiếm Tôm Giống

Bước vào nuôi tôm vụ 1 năm nay, người nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hệ thống ao đầm bị ô nhiễm, hư hỏng sau đợt lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho con tôm phát triển. Và đặc biệt là khan hiếm nguồn tôm giống, khiến cho việc thả tôm hiện nay đang diễn ra khá chậm và tiềm ẩn không ít rủi ro.

02/05/2014
Hải Phòng Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng VietGAP Hải Phòng Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng VietGAP

Từ ngày 12 - 16/5/2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Hải Phòng tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP” nhằm cung cấp kỹ năng, kiến thức cho khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông về quy phạm VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

15/05/2014
Mùa Xoài Lắm Nỗi Rắc Rối Mùa Xoài Lắm Nỗi Rắc Rối

“Hiện nay, Trung Quốc mua cả xoài chín, xoài sống, trúng tâm lý nhà vườn sợ giá tụt xuống nữa nên hái cả những trái chưa chín độn vào lô hàng bán tại vựa”...

15/05/2014
Nông Sản An Toàn Nông Sản An Toàn

“Đối với thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa hiện nay, tôi cho rằng, đây là “thời” của những sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý là tiêu chí lựa chọn của thị trường và người tiêu dùng. Bà con nông dân cần nhận thức rõ vấn đề này”- ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tỉnh An Giang, nói.

02/05/2014
Cà Phê Liên Tiếp Mất Mùa Cà Phê Liên Tiếp Mất Mùa

Tây Nguyên được xác định là vùng cà phê trọng điểm về diện tích trồng cũng như năng suất, sản lượng cà phê của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sản lượng cà phê của vùng liên tục giảm mạnh theo từng niên vụ, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.

15/05/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.