Nhọc Nhằn Cảnh Ruộng Cằn Khô
Gần 10 năm nay, hơn 120ha lúa ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh luôn rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng từ vụ hè thu sang vụ đông xuân. Làm nông không đạt, nhiều gia đình phải tha phương kiếm sống. Những người già, trẻ em còn bám trụ lại vẫn nhọc nhằn với mảnh ruộng khô cằn, thiếu nước quanh năm.
Kênh sông Giang được Nhà nước đầu tư từ năm 1980 bằng kênh đất, với tổng chiều dài 8 km, phục vụ nước tưới cho trên 350ha đất nông nghiệp tại 3 xã: Tịnh Giang, Tịnh Đông và Tịnh Minh. Đến nay, kênh chỉ mới được bê tông hóa đoạn dài 3km.
Chiều dài còn lại do chưa được kiên cố hóa nên thường xuyên bị bồi lấp quanh năm. Ảnh hưởng nặng nề nhất là gần 300 hộ dân ở thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nhưng thu nhập thấp vì thiếu nước.
Bỏ ruộng cằn, tha phương để mưu sinh
“Vụ vừa rồi mót hết chỉ được vài bao lúa thôi. Còn tiền phân bón thì chờ con nó về trả cho mình chứ có đủ tiền trả đâu”- Giọng bà Nguyễn Thuận ngụ ở đội 15, thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông nghèn nghẹn khi nhắc đến kết quả vụ hè thu vừa qua. Gia đình bà vốn neo người, hai vợ chồng người con trai vừa mới cưới xong đã phải vào nam làm ăn, bỏ lại mẹ già ở quê.
“Bọn nó bảo ở đây bám vào mảnh ruộng cằn chỉ có chết đói. Thôi thì tôi để hai đứa dắt nhau vô thành phố làm ăn. Còn bà già này ở nhà thuê người ta làm giùm 7 sào lúa vậy. Nhưng vụ nào cũng thất bát vì ruộng khô quá lại thiếu nước nữa, ngay cả tiền phân bón ruộng cũng phải nợ lại.”- bà Thuận bộc bạch về gia cảnh.
Bà Thuận kể, con kênh sông Giang trước nhà vốn là nguồn cung cấp nước dồi dào cho cánh đồng Tân Phước- nơi có 7 sào ruộng của gia đình. Nhưng gần 10 năm nay, vụ hè thu nào bà con ở đây cũng không có nước tưới cho cây lúa vì con kênh vốn bằng đất cứ bị bồi lấp hết lần này đến lần khác.
Những người dân thuần nông vẫn nuôi hy vọng làm vụ đông xuân để gỡ lại, với ý nghĩ vụ lúa vào đúng mùa mưa về sẽ khá hơn. Nhưng cuối vụ, tình trạng thiếu nước vì con kênh chủ lực bị tắc nghẽn vẫn là nguyên nhân gây ra việc năng suất lúa giảm sút.
Không riêng gia đình bà Thuận, mà gần 300 hộ ở thôn Tân Phước đã chịu cảnh thiếu nước sản xuất từ nhiều năm nay. Ông Trương Quang Đức ngụ ở đội 15 cho hay: Ngày trước, lúc con kênh Sông Giang còn chưa bị bồi lấp thì năng suất cũng được 60-70 tạ/ha.
Chứ giờ thì chỉ còn non nửa, khoảng 20-30 tạ/ha. Với năng suất như vậy thì bà con ở đây lấy tiền đâu lo trang trải cuộc sống.
Nỗi băn khoăn về cơm áo gạo tiền của người dân thôn Tân Phước cứ lởn vởn trong đầu họ. Những mảnh ruộng rộng hơn 50ha vốn là nguồn sống của những người nông dân cần cù giờ trơ ra vì khô cằn. Túng thiếu, họ quyết định Nam tiến với đủ mọi ngành nghề. Cả thôn có gần 300 hộ thì đã có 70% gia đình có người phải rời quê đi làm ăn xa.
Ruộng đồng kêu cứu
Vừa qua vụ hè thu thất bát, các gia đình ở thôn Tân Phước lại chần chừ với nỗi lo thiếu nước vụ Đông Xuân. “Tới mùa này rồi mà trời vẫn nắng chang chang, có khi vụ này, bà con lại đói”- Ông Hồ Quý Ly, trưởng thôn Tân Phước lo ngại.
Theo ông Ly, dù là thôn thuần nông, với cánh đồng rộng hơn 50ha, là vựa lúa chủ lực của xã Tịnh Đông, nhưng tới mùa mưa, bà con ở đây vẫn phải gồng mình đi mua rạ ở nơi khác về chăn nuôi. “Lúa do không đủ nước nên chỉ thấp tè tè. Người không đủ gạo ăn, huống chi trâu bò có đủ rạ để nhai. Nếu kênh sông Giang không được nâng cấp để hạn chế tình trạng bị bồi lấp gây nghẽn cục bộ thì chắc vụ này cũng chẳng khác những vụ trước”- ông Ly bộc bạch.
Ngoài thôn Tân Phước, đời sống sản xuất của người dân ở các khu vực lân cận cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự “tê liệt” của kênh sông Giang. Ông Hồng Văn Thi- Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho hay: Hàng năm diện tích sản xuất nông nghiệp do tuyến kênh này đảm nhận bị thiếu nước tưới phải gieo sạ muộn là 58ha, diện tích bị hạn khoảng 70ha, hạn cục bộ là 12 ha.
Để cứu lúa, chính quyền và nhân dân xã Tịnh Đông đã tích cực huy động hơn 1.000 công lao động để ra quân nạo vét, duy tu bảo dưỡng, và khởi động trạm bơm nhưng không đạt kết quả. Dòng kênh đến vụ cần nước vẫn tắt nghẽn. Trong khi đó, trạm bơm của xã chỉ giải quyết nước cho 20-30ha lúa.
Ngay lúc này, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp đoạn kênh nói trên là hết sức cần thiết và cấp bách để đảm bảo phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Vừa qua, UBND huyện Sơn Tịnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi để đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa kênh sông Giang. “Sắp bước vào vụ hè thu, chúng tôi chỉ mong tỉnh hỗ trợ kịp thời. Có như vậy thì đời sống nhân dân ở đây mới đỡ khổ”- ông Thi kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nhập khẩu dừa của Việt Nam vào Đài Loan chiếm tới 85% tổng giá trị nhập khẩu dừa của thị trường này trong năm 2013 và 2014.
Ngày 29.6, Bộ Tài chính đã thông báo: Gần đây, Bộ Tài chính có nhận được công văn kiến nghị của một số doanh nghiệp và qua thông tin trên một số báo phản ánh khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện áp dụng chính sách thuế xuất khẩu sắn lát 5%.
Nhu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm ca cao đang rất cao, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Đây là cơ hội lớn cho ngành ca cao Việt Nam, cần đầu tư cải thiện về “chất” từ sản xuất cho đến chế biến để gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, mặc dù đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới do hạn hán kéo dài nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn kịp thời của ngành chức năng và chính quyền địa phương nên nông dân huyện Mang Yang vẫn đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, hướng tới hoàn tất công tác gieo trồng vụ mùa năm 2015 đúng thời vụ.
Theo kế hoạch, năm 2015 huyện Bắc Mê triển khai trồng mới 7.500 ha rừng lâm nghiệp xã hội nhưng đến thời điểm này, tổng diện tích các hộ gia đình đã đăng ký trồng rừng chỉ mới đạt hơn 50% kế hoạch (gần 4 nghìn ha); diện tích trồng rừng mới được trên 1.125 ha. Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Bắc Mê đang tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết tâm thực thiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.