Nhiều ruộng lúa chết bất thường

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều diện tích lúa ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đang xanh tốt, bỗng dưng chuyển sang héo úa rồi chết. Cho rằng, lúa bị chết do nguồn nước ô nhiễm, rất nhiều nông dân đã làm đơn kiến nghị gửi các nơi, song cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc giải quyết.
Lúa chết vàng cả một cánh đồng
Ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này lúa tại các cánh đồng Cổng Minh, Khe Sanh, Đường Mả ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo đang bị chết hàng loạt. Tất cả diện tích gieo cấy lúa này đều lấy nước từ kênh C5. Chỉ vào ruộng lúa đang héo úa của nhà mình, bà Đinh Thị Chấn ở thôn Đông Mai nói: “Cả cánh đồng xa hay gần, anh chị cứ thấy chỗ nào trắng là chỗ đó lúa chết. Kênh C5 dẫn nước tưới tiêu vào ruộng, nước thải cũng theo tuyến kênh chảy vào ruộng. Ruộng nhà tôi lấy nước từ kênh vào, hơn một mẫu lúa đã chết hết”.
Quan sát các ruộng lúa ở khu vực Cổng Minh, Khe Sanh, chúng tôi nhận thấy nước trong ruộng đục đen và có mùi hắc khó chịu, gây buồn nôn. Nhiều hộ dân cho biết, khi đi san ruộng cấy lúa, chỉ lội nước cũng tê hết hai chân và mẩn ngứa. Từ trong vụ chiêm xuân, đã có lúa của 4-5 hộ chết nhưng bà con chỉ nghi ngờ là do nước từ trại nuôi vịt. Tuy nhiên, kể từ ngày 10.8, nhiều người đi thăm đồng mới phát hiện ra lúa chết hàng loạt, mỗi cánh đồng vài sào rồi lan rộng đến cả vài chục mẫu ruộng.
Ông Lê Viết Duẩn (thôn Đông Mai) cho biết: “Riêng nhà tôi, 2 sào rưỡi của vụ chiêm không thu được một hạt nào. Xã đã xuống tận nơi xem xét nhưng đến nay vẫn nói là chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Còn vụ này, dưới cánh đồng Khe Sanh, nhà tôi cũng mất 8 sào rưỡi lúa. Ruộng lúa nào cũng vàng ươm như bị phun thuốc cỏ”.
Đi sâu vào vùng ruộng trũng thì mức độ thiệt hại càng thấy rõ rệt, lúa chết cháy chỉ còn trơ lại lớp bùn nổi váng bên trên. Lão nông Trinh Đình Bướng khẳng định: “Không thể do ô nhiễm thuốc sâu được, bao nhiêu năm nay dùng thuốc nhưng lúa không chết mà năm nay lại chết hết, như vậy thì chỉ có ô nhiễm nước thôi”. Không chỉ lúa chết, các ao thả cá cạnh đó cũng bị thiệt hại nặng khi cá chết hàng loạt, nước ao nổi váng, bèo tây và cỏ cũng héo úa, chết dần.
Do nhà máy xả thải gây ô nhiễm?
Hiện tại trên vùng cánh đồng ở xã Chỉ Đạo chỉ có duy nhất trụ sở một doanh nghiệp là Công ty TNHH Tuấn Cường chuyên sản xuất bao bì, nên người dân đã nghi ngờ nguồn nước ở kênh C5 bị ô nhiễm là do công ty này gây ra. Ông Lê Văn Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho hay, đến nay đã có ít nhất 2,3ha lúa của bà con bị thối chết, xã đã báo cáo sự việc này lên huyện. Diện tích lúa thiệt hại có thể sẽ còn tăng lên vì ảnh hưởng từ nguồn nước. Trước mắt, xã vẫn chỉ nghi ngờ là do nguồn nước thải trong sản xuất của Công ty Tuấn Cường. Tuy nhiên, do công ty này nằm trên địa bàn xã Minh Hải, nên chính quyền xã Chỉ Đạo không thể kiểm tra, xử lý được.
“Đoàn thanh tra của huyện đã tới kiểm tra nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả nên chưa thể khẳng định lúa chết do ô nhiễm nguồn nước hay do đâu...”- ông Lệ nói.
Khi chúng tôi đến Công ty Tuấn Cường đề nghị trao đổi thông tin thì nhân viên của công ty cho biết giám đốc đang đi vắng. Ông Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Minh Hải cho hay: “UBND xã vẫn đang đợi kết quả kiểm tra, kết quả chính xác vẫn chưa biết là ngày nào có. Tại xã Minh Hải cũng có khoảng 2ha lúa của bà con bị chết nằm ở gần khu vực Công ty Tuấn Cường và Công ty Tân Thành”.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, bắt đầu từ năm 2005, Công ty Tuấn Cường sản xuất bao bì cũng có ký kết với xã trong việc xử lý nước thải bảo vệ môi trường. Nhưng từ năm 2014 họ chuyển sang làm tái chế đồ nhựa, có thể trong những thùng nhựa họ mua về có chất hóa học nên khi rửa và thải ra sẽ gây ô nhiễm nước.
“Năm ngoái cũng xảy ra sự việc Công ty TNHH Tuấn Cường xả thải làm chết lúa của dân. Họ đã có cam kết sẽ xây dựng công trình xử lý nước thải, nhưng đến nay lúa ở cánh đồng xã Chỉ Đạo lại chết nhiều hơn ở cánh đồng của xã Minh Hải” - ông Nguyễn Đức Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Đắk D’rông đã có thu nhập cao từ việc đưa giống đậu nành DT 26 mà Trạm Khuyến nông huyện giới thiệu.

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn thì toàn xã hiện có 646 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội. Thời gian qua, để nâng cao kiến thức cho hội viên trong quá trình sản xuất, Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề theo nhu cầu của nông dân.

Gần một năm nay, ông Lê Công Chiến (SN 1951) ngụ ở ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông thành công với việc nuôi thỏ. Với 4 dãy chuồng, mỗi dãy dài trên 2,5m, ngang hơn 1,5m và cao 0,5m, vào tháng 10/2013, ông nuôi 20 con thỏ giống (17 con thỏ cái và 3 con thỏ đực). Thỏ nuôi khoảng 3 tháng là đẻ.

Nông dân Nguyễn Văn Đực cho biết: “Nước tràn vào ruộng thu hoạch gặp nhiều khó khăn, lúa chỉ mới trên 70 ngày tuổi, lúa chín được nửa bông, thu hoạch được khoảng 6 bao/công. Thương lái mua giá 3.500 đồng/kg, nếu không thu hoạch thì lỗ nhiều chi phí sản xuất”.

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ. Khác với thời điểm cách nay khoảng một tháng, hiện tình hình tiêu thụ lúa rất thuận lợi khi giá tăng, thương lái đẩy mạnh thu mua.