Nhiều nông hộ áp dụng thành công mô hình nuôi gà an toàn sinh học bằng đệm lót sinh thái
Hiện nay, nghề nuôi gà thả vườn tại huyện Mỏ Cày Nam đang phát triển mạnh, tổng đàn gà trong huyện hiện lên đến trên 800.000 con. Để phát triển đàn gà hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam áp dụng quy trình đệm lót sinh thái trong nuôi gà thả vườn an toàn sinh học với nhiều lợi ích thiết thực vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học sử dụng đêm lót sinh thái của một số hộ dân trong huyện.
Mô hình nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh thái được Tổ Tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp huyện Mỏ Cày Nam bắt đầu thực hiện từ tháng 6 năm 2011. Qua 6 tháng thử nghiệm với quy mô 1.000 con tại 5 nông hộ ở xã Bình Khánh Tây, Minh Đức và Cẩm Sơn. Nhờ áp dụng biện pháp nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học sử dụng đệm lót sinh thái giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt. Giảm tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh CRD
Về hiệu quả kinh tế tính trên 1 con gà, người nuôi thu lợi nhuận trung bình 15.500 đồng/con. Nếu tính thêm phần hỗ trợ: 15.450 đồng/con thì hộ tham gia mô hình thu được 30.950 đồng/con. Việc sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N-01, giúp người nuôi giảm công lao động, giảm chi phí thay chất độn chuồng 1.600 đồng/con. Với sự thành công của mô hình thử nghiệm này, nhiều hộ nông dân đầu tư nuôi gà thả vườn với quy mô lớn có hộ nuôi đến trên 10.000 con, phần lớn người nuôi thu lợi nhuận cao từ áp dụng mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh thái. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng đối với nhiều hộ nuôi gia cầm trong và ngoài huyện. Áp dụng thành công mô hình này ông Võ Văn Quới ở ấp Bình Đông xã Cẩm Sơn đã sử dụng đệm lót sinh thái và sử dụng chế phẩm Balasa- N01 trong nuôi gà thả vườn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Quới sử dụng chế phẩm Balasa- N01 rải lên nền chuồng nhằm tiêu hủy mùi hôi và phân chuồng khô nên không phải tốn công dọn quét chuồng thường xuyên như nuôi trên nền đất như trước đây nữa. Nhờ chế phẩm này khi phân chuồng khô ráo không bị dính lên lông gà, lông lúc nào cũng sáng và sạch, gà phát triển nhanh và khỏe mạnh.
Khi nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh thái, cứ mỗi khi xuất bán lứa gà cũ và tiếp tục phát triển lứa gà mới ông Quới không phải tốn công để dọn chuồng và sử dụng nền cũ để phát triển lứa gà mới mà không phải di chuyển sang nền mới như nuôi với biện pháp thông thường. Quy trình ứng dụng đệm lót sinh thái khá đơn giản, ban đầu ông Quới thực hiện làm đệm lót dày khoảng 1 tấc. Rải trấu lên nền chuồng sau đó thả gà con vào nuôi. Thả gà con sau khoảng 2 tuần phân gà đã phủ lớp bề mặt, sau đó tiến hành cào lớp phân và tiến hành rải đều chế phẩm men Balasa- N01 được pha trộn và ủ sẵn với bột bắp hoặc cám gạo lên bề lớp đệm lót
Ngoài ra, việc nuôi gà bằng đệm lót sinh thái sử dụng chế phẩm Balasa- N01 phân chuồng có thể bón cho vườn cây đều không có mùi hôi. Sử dụng đệm lót sinh thái nền chuồng lúc nào cũng khô ráo, gà phát triển khỏe, ít nảy sinh dịch bệnh, người nuôi nhanh xuất chuồng và ít rủi ro. Với mô hình đệm lót sinh thái nhiều năm qua gia đình ông Quới phát triển đàn gà từ 500- 1.000 con mà không phải tốn nhiều công dọn phân và dọn chuồng như trước nữa. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,7 – 1,8 kg, trừ đi mọi chi phí đầu tư với 500 con gà sau mỗi lứa bán ông Qưới lãi gần 20 triệu đồng.
Theo ông Quới: “để đạt hiệu quả thành công trong nhiều năm nuôi gà thả vườn, tôi thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, quy trình xử lý chất thải trong quá trình nuôi. Trong đó, tôi luôn thực hiện tốt việc chọn mua con giống khỏe mạnh, biết rõ nguồn gốc và tôi thường xuyên áp dụng quy trình vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, quy trình chủng ngừa vắc- xin, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải trong quá trình nuôi nhờ đó đàn gà lớn nhanh, khỏe mạnh, nhiều năm liên tiếp tôi nuôi gà luôn có lãi”.
Hiện quy trình chăn nuôi áp dụng đệm lót sinh thái của nhiều hộ nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo đảm môi trường tránh bị ô nhiễm đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi đang được nhân rộng ở nhiều hộ nuôi gia cầm trong huyện. Theo ông Nguyễn Chánh Bình- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam cho biết: việc chuyển giao cho người chăn nuôi về kiến thức chăn nuôi gà an toàn sinh học, biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi sẽ từng bước thay đổi quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học kết hợp bảo vệ môi trường. Đồng thời mô hình sẽ góp phần định hướng ngành chăn nuôi huyện nhà theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Trước diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh, nhiều người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thịt gà, vịt khiến giá cả liên tục tăng cao.
Sử dụng các chế phẩm thảo dược tự nhiên như gừng, tỏi và nghệ khi trộn vào thức ăn không những giúp gà nuôi tăng sức đề kháng mà còn làm tăng tỷ lệ đẻ trứng
Việc xử lí nền chuồng sạch và thông thoáng là một yếu tố rất quan trọng đem lại hiệu quả thiết thực trong chăn nuôi.