Nhiều Mô Hình Nuôi Tôm Nước Lợ Thành Công Ở Quảng Nam

Nhờ đầu tư khoa học, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, nhiều mô hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều năm qua gia đình anh Trần Đăng Tùng ở thôn Đông Trì, xã Bình Hải (Thăng Bình) đều có nguồn thu nhập ổn định bằng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2012, với 3 vụ nuôi trên 10.000m2 ao nuôi lót bạt trên cát, gia đình anh thu được tổng cộng 50 tấn tôm, bán được 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng. Theo anh Tùng, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vùng ven biển có nhiều thuận lợi. Nguồn nước lấy từ biển vào nên không bị ô nhiễm. Nếu nuôi đúng quy trình, rủi ro do tôm nuôi bị bệnh chết sẽ ít. Anh Tùng cho biết thêm: “Nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đễ tích luỹ kinh nghiệm, cùng với việc tìm tòi đọc sách báo, tham quan học hỏi cách nuôi tiến bộ ở các địa phương khác, gia đình tôi cũng thường xuyên cập nhật các hướng dẫn nuôi tôm nước lợ từ ngành nông nghiệp tỉnh”.
Ở vùng triều ven sông, gia đình ông Huỳnh Thu ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa (Thăng Bình) cũng có được những vụ nuôi tôm thẻ chân trắng thành công. Năm 2008, gia đình ông Thu đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao nuôi ven sông với tổng diện tích 4.000m2. Sau 2 vụ nuôi thành công, ông thu được tổng cộng 10 tấn tôm, lãi gần 400 triệu đồng. Năm 2009, gia đình ông quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng để mở rộng diện tích thêm 4.000m2. Để chuẩn bị tốt điều kiện nuôi, ông chú trọng cải tạo đầm, sử dụng thêm máy móc hiện đại.
Năm năm nay, ông đều thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở 4 ao nuôi ven sông có tổng diện tích 8.000m2, mỗi năm thu nhập không dưới 800 triệu đồng. Ông Thu cho biết, tôm thẻ chân trắng là loài rất mẫn cảm với môi trường sống. Bởi vậy, để tôm nuôi phát triển tốt, nhất là tại các vùng triều ven sông, người nuôi tôm phải cần cù, chịu khó, luôn luôn “túc trực” bên ao nuôi để quan sát sự phát triển và mọi thay đổi của nó. Việc nuôi tôm, phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh, vì thế rất cần đề phòng các biến chứng của tôm nuôi. Cùng với việc khép kín nguồn nước ao nuôi với bên ngoài, nếu thấy có hiện tượng khác thường xảy ra với tôm nuôi, người nuôi phải nhanh chóng điều tiết lại môi trường nước bằng men vi sinh…
Theo kinh nghiệm của anh Tùng, để có được hiệu quả sản xuất, vấn đề đầu tiên mà các nông hộ cần quan tâm là tôm giống. Muốn tôm nuôi phát triển tốt thì con giống phải chất lượng. Để mua được tôm giống tốt, các nông hộ nên ưu tiên chọn mua tại các thương hiệu lớn như Việt Úc, CP, UP… dù giá bán có cao hơn so với các giống tôm chợ. Anh Tùng cũng cho rằng tôm giống tốt là điều kiện tối ưu, tuy nhiên, để con giống phát triển tốt cũng cần tạo cho nó một môi trường sống thích hợp. Bởi vậy, cải tạo ao nuôi tốt, chăm sóc đúng quy trình là rất cần thiết. “Để thâm canh tốt khi nuôi tôm thẻ chân trắng, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi đều vét bùn đáy ao kỹ lưỡng, phơi đáy ao nhiều ngày rồi dùng vôi sạch để “rửa” đáy ao thêm một lần nữa. Trước khi thả giống, tôi cũng diệt tạp bằng hóa chất cho phép sử dụng và bón phân gây màu nước bằng các chế phẩm sinh học. Việc chăm sóc tôm nuôi và theo dõi môi trường nước liên tục cũng được chú trọng. Các vụ nuôi thành công của có được có lẽ nhờ nuôi đúng quy trình như vậy” - anh Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm

Giá cả hấp dẫn, thị trường tiêu thụ ổn định nên cả cam sành lẫn bưởi Năm Roi đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số cây ăn trái khác. Tuy nhiên, để 2 loại trái cây có múi này trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới là vấn đề cần phải bàn.

Ngay từ cuối vụ Đông Xuân, khi các cánh đồng lúa tại 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) gặt xong đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, trong đó có nhiều đàn vịt từ các địa phương khác đến. Việc di chuyển của những đàn vịt chạy đồng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lan truyền dịch cúm gia cầm.

Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tuần vừa qua (từ 18-24/8/2013), dịch bệnh đốm trắng (WSSV) đã xảy ra ở các địa phương: Tp Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau, với 434,33 ha bị ảnh hưởng; dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) đa xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau, với 285,8 ha bị ảnh hưởng.

Ở huyện Trực Ninh số đầu lợn nuôi cũng giảm, cụ thể: xã Trực Đại hiện tổng đàn chỉ còn gần 1.000 con, giảm trên 1.000 con so với tháng 4-2013, xã Trực Thắng hiện tổng đàn còn 5.384 con lợn, giảm 2.316 con so với tháng 4-2013…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương vừa có buổi tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Kanematsu (Nhật Bản) và các chuyên gia Nhật Bản về việc trồng thử nghiệm giống lúa Hikarisinseki trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.