Nhật Muốn Chuyển Giao Kỹ Thuật Nuôi Gà Đẻ Trứng Cho Thành Phố Hồ Chí Minh

Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM vào chiều tối ngày 9-2, đại diện của ISE Food, tập đoàn nuôi gà đẻ trứng lớn nhất Nhật Bản, cho biết muốn hợp tác và chuyển giao kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng hiệu quả cho TPHCM.
Ông Shuntaro Ise, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ISE Food, cho biết Tập đoàn ISE Food tại Nhật đã hình thành được hơn 100 năm qua và hiện là tập đoàn có lượng gà đẻ trứng lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, ISE Food có các trang trại với khoảng 120 triệu con gà đẻ trứng, và ở Mỹ có trang trại được thành lập vào năm 1980 với 12 triệu con gà đẻ trứng.
Trao đổi với Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trong buổi gặp gỡ chiều nay, ông Shuntaro Ise cho biết mục đích đến TPHCM trong ba ngày của ông là nhằm tìm kiếm nhà chăn nuôi và doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực tại Việt Nam để bàn bạc chia sẻ thông tin hợp tác kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ trứng cũng như giới thiệu sản phẩm trứng gà do tập đoàn sản xuất ra.
Ngoài ra, ISE Food cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với người chăn nuôi TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tập đoàn ISE Food cũng mong muốn lãnh đạo TPHCM giới thiệu những doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gà quan tâm để có thể hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo ông Shuntaro Ise, trong tháng 8 tới sẽ có một cuộc triển lãm về trứng gà ở Nhật và ông hy vọng sẽ tìm được một số nhà chăn nuôi, doanh nghiệp TPHCM tham gia triển lãm này để cùng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà đẻ trứng.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết hiện TPHCM có hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản trong các lĩnh vực đầu tư thương mại, phát triển hạ tầng, nông, ngư nghiệp... TPHCM cũng quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm để phục vụ cho tiêu dùng và phục vụ cho xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Phó chủ tịch cho biết TPHCM mỗi ngày tiêu thụ gần 3 triệu quả trứng; mỗi năm tiêu thụ từ 1 tỉ - 1,5 tỉ quả trứng các loại nên thành phố sẵn sàng hợp tác khai thác thế mạnh của Tập đoàn ISE Food để đáp ứng nhu cầu của người dân. Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM bàn bạc cụ thể để có thể hợp tác trong thời gian tới... Ông Liêm cũng hi vọng qua việc hợp tác này ISE Food sẽ trở thành một nhà đầu tư mới trên địa bàn thành phố.
Việc ISE Food đến TPHCM lần này cũng nằm trong chương trình hợp tác nông nghiệp giữa TPHCM và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản.
Vào ngày 20-1 rồi, TPHCM và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã ký kết thoả thuận về hợp tác nông nghiệp; theo đó phía Nhật Bản sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư vào TPHCM.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm giống của tỉnh đã hỗ trợ sản xuất thí điểm khoảng 60 ha giống lúa nguyên chủng ST5 và OM 4900. Đối với các diện tích lúa đặc sản, cánh đồng mẫu, huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, né rầy, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Theo ông Phan Văn Khổng - Trưởng Ban điều hành Dự án ca cao, năm 2014 sẽ thực hiện theo phương thức “phối hợp với các cấp Hội Cựu chiến binh phát triển 450ha ca cao trồng xen trong vườn dừa cho những nông hộ có điều kiện, có quyết tâm, có đăng ký tự đầu tư trồng mới với UBND xã.

Chất lượng tôm giống luôn là vấn đề khó đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, để chuẩn bị cho vụ nuôi mới 2015, ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng đang tập trung mọi biện pháp để khống chế tôm giống chất lượng kém nhập về địa phương, do Sóc Trăng lệ thuộc giống tôm các tỉnh nhập về trên 85%.

Trái măng cụt ở Chợ Lách có vị ngọt, ngon, đặc biệt là ở các xã Vĩnh Hòa, Long Thới, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành và Phú Sơn. Trái măng cụt vùng này từng giúp nhiều nông dân đoạt giải cao trong các cuộc thi trái ngon ở Suối Tiên, Ngày hội Cây trái ngon - an toàn của tỉnh. Măng cụt còn được xem là loại trái ngon độc quyền của vùng Chợ Lách.

Hiện tại thời tiết đang chuyển mùa lạnh, nhiều sương vào buổi sáng, buổi trưa nắng nóng đang tạo điều kiện để bệnh đạo ôn phát triển. Đặc biệt ở những ruộng lúa đang bón phân đợt 2, bệnh đạo ôn có xu hướng gia tăng, do đó bà con cần thăm đồng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh lây lan.