Nhập nhằng sản phẩm làng nghề cạnh tranh với hàng ngoại
Tràn lan sản phẩm ngoại nhập
Dạo quanh các shop hàng lưu niệm tại Đô thị cổ Hội An hay Khu di tích Mỹ Sơn dễ dàng bắt gặp sản phẩm ngoại nhập được bày bán tràn lan.
Ngay tại làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà hay đồng Phước Kiều… bên cạnh sản phẩm của làng là nhiều mẫu sản phẩm lưu niệm “lạ” được bày bán xen kẽ.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Viết Sơn - chủ cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy (làng gốm Thanh Hà, Hội An) cho rằng, việc trưng bày sản phẩm ngoại nhập là điều bình thường nhằm tạo sự đa dạng cho khách lựa chọn.
Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng đều được giới thiệu rõ ràng cho khách.
“Ngày xưa do mình không có men nên phải lấy hàng ngoài về bán, dù mẫu mã đẹp hơn nhưng thật tình không thích lắm.
Bây giờ thì đã làm được men rồi nên tự mình làm hết, cách làm này cũng mang lại lợi nhuận cao hơn, sản phẩm cũng độc quyền, lạ hơn” - ông Sơn nói.
Hiện tại, cơ sở gốm của ông Sơn không chỉ chú trọng về sản phẩm truyền thống của làng mà còn tự sản xuất riêng con dấu khắc trực tiếp trên sản phẩm để xác thực sản phẩm gia đình, tránh nhầm lẫn với sản phẩm các cơ sở khác trong làng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều này.
Theo ông Huỳnh Sướng – nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, trong số các shop bán hàng lưu niệm tại làng, phần lớn là sản phẩm nhập từ nơi khác về vì truyền thống của làng chỉ làm hàng dân dụng (nhà, cửa, bàn, ghế, tủ…).
“Khách nào hỏi thì mình nói còn không hỏi thì thôi, mà thường thì không ai thắc mắc chuyện này vì cứ nghĩ là sản phẩm của làng” - ông Sướng thừa nhận.
Sản phẩm lụa Mã Châu rất khó cạnh tranh về giá cả với hàng nhập từ nơi khác về
Theo thống kê, đến cuối năm 2013 toàn tỉnh có 89 làng nghề đang hoạt động (vùng ven biển 13 làng nghề; đồng bằng, trung du 67 làng nghề; miền núi 9 làng nghề).
Trong đó có 25 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề và làng nghề truyền thống.
Không ít sản phẩm thủ công truyền thống làng nghề đã ghi dấu ấn văn hóa của các cộng đồng cư dân và được lưu truyền từ đời này sang đời khác như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, đèn lồng Hội An, đúc đồng Phước Kiều, tơ lụa Mã Châu, chiếu cói Bàn Thạch, mây tre An Thanh, trống Lâm Yên, bàn gỗ xoay Văn Hà, thổ cẩm Cơ Tu.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các sản phẩm mới xuất hiện gần đây như gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, Âu Lạc; đất nung Lê Đức Hạ, gỗ dó mỹ nghệ Trung Phước…
Tuy vậy, việc định dạng sản phẩm đặc trưng làng nghề dường như rất ít, nhất là với các sản phẩm trước đây vẫn chuyên về dân dụng, điều đó đã tạo điều kiện cho sản phẩm bên ngoài chiếm lĩnh thị trường, nhất là thị trường hàng lưu niệm du lịch.
Ngay trong phố cổ Hội An, nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như gỗ mộc, túi xách, gốm men… có nguồn gốc từ bên ngoài hiện diện khá nhiều khiến du khách không thể phân biệt được đâu là sản phẩm địa phương và ngoại nhập do không có nhãn hiệu, logo xác định, điều này dẫn đến sự ngộ nhận và nhầm lẫn cho du khách về sản phẩm lưu niệm Quảng Nam.
Sản phẩm lưu niệm có xuất xứ bên ngoài được bày bán tràn lan trong phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, đây là thực trạng phổ biến ở Hội An hiện nay, dù biết vậy nhưng chính quyền cũng khó can thiệp vì phần lớn hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chủ yếu tuyên truyền vận động các chủ shop ưu tiên bán hàng địa phương.
“Khi nào sản phẩm địa phương khẳng định được chất lượng, mẫu mã, giá cả với hàng ngoại nhập thì lúc đó hàng ngoại nhập tức khắc sẽ bị đẩy lùi” - ông Sơn phân tích.
Nghịch lý sản phẩm làng nghề
"Khi nào sản phẩm địa phương khẳng định được chất lượng, mẫu mã, giá cả với hàng ngoại nhập thì lúc đó hàng ngoại nhập tức khắc sẽ bị đẩy lùi".
Thời gian qua, dù có nhiều cuộc thi tìm mẫu sản phẩm thủ công làm quà tặng lưu niệm cho khách hay các chương trình khuyến công đã được triển khai nhưng hầu hết không đạt được kết quả mong muốn.
Tại làng Trà Nhiêu, sau những chộn rộn với các lớp hướng dẫn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm du lịch, kết quả còn lại chỉ là sự đìu hiu khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Theo ông Nguyễn Tấn Thuật - Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ Trà Nhiêu, xã Duy Vinh (Duy Xuyên), trong 2 năm (2012 - 2013), thông qua sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL và dự án WAP đã có 2 lớp với hơn 40 phụ nữ trong làng được hướng dẫn cách làm sản phẩm thủ công như túi xách tay, mũ, dép…
Bằng cây cói với kỳ vọng khách du lịch đến làng không chỉ được xem trình diễn nghề dệt chiếu, đan lưới mà còn có thêm sự lựa chọn là mua sản phẩm thủ công làng nghề về làm quà hoặc chí ít cũng có thể bỏ mối cho các shop lưu niệm tại Hội An.
Tuy vậy, thị trường đầu ra vẫn là bài toán khó cho làng.
“Sản phẩm làm ra giá bán rẻ quá, thị trường lại eo hẹp nên chủ yếu ký gửi các shop bên Hội An và Mỹ Sơn, khi nào bán xong họ mới đưa tiền mà bà con thì làm ra sản phẩm chỉ mong có đồng bạc liền nên ai cũng nản, bây giờ thì người làm cũng thưa thớt rồi” - ông Thuật cho biết.
Ông Trần Hưng Nghĩa – Trưởng ban Quản trị HTX tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) khẳng định, với sự nhập nhằng nhãn hiệu như hiện nay rất khó để sản phẩm làng nghề cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập do sự chênh lệch giá.
Về lâu dài sẽ làm mai một nghề do người dân không đủ sức duy trì để tồn tại.
"Nếu khăn lụa Mã Châu bán tại làng có giá vài trăm ngàn thì khăn quàng cổ Trung Quốc tại Hội An giá chỉ vài chục ngàn đồng, du khách nếu thắc mắc sẽ được trả lời lấp lửng là tơ lụa Quảng Nam.
Như vậy thì sản phẩm Mã Châu sao cạnh tranh lại nên đóng cửa là tất yếu" - ông Nghĩa phản ánh.
Làng Trà Nhiêu chỉ là một trong số làng nghề trên địa bàn tỉnh lúng túng với đầu ra sản phẩm và hướng đi mới.
Sự lép vế về mẫu mã, chất lượng do hạn chế kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư đã khiến sản phẩm các làng nghề không thể cạnh tranh lại với bên ngoài, điều này đã tạo điều kiện cho sản phẩm ngoại nhập với mẫu mã đẹp, giá cả rẻ xuất hiện tràn lan chiếm lĩnh thị trường.
Ông Dương Quốc Thuần, làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) xác nhận, sản phẩm đúc đồng Phước Kiều hiện nay ngoài chuông, cồng chiêng… thì hầu hết nhập nơi khác về, kể cả lư đồng.
“Khách hàng bây giờ mua chỉ nghĩ là của Phước Kiều thôi miễn rẻ là được, nên mới có chuyện sản phẩm đúc tại Huế nhưng khách không mua mà vô Phước Kiều mua vì nghĩ đó là của Phước Kiều.
Vẫn biết cái sự nhập nhằng này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của làng nhưng mà người mua cứ đòi rẻ nên phải chấp nhận.
Nói thẳng ra chứ với cái giá 2 triệu đồng một bộ lư thì hàng Phước Kiều không thể bán được nên đành nhập về thôi.
Còn muốn hạ giá thành sản phẩm Phước Kiều xuống thì phải đầu tư mà số tiền thì quá lớn, chưa nói cũng phải đúc với số lượng nhiều vì bây giờ ở các nơi khác người ta làm hàng thủ công theo bán công nghệ hết rồi nên tiền công hạ xuống là dễ hiểu” - ông Thuần phân trần.
Có thể nhận thấy, phát huy giá trị sản phẩm đặc trưng, tạo điều kiện để bảo tồn làng nghề truyền thống là điều mà các ngành chức năng đang hướng đến nhằm xây dựng một thương hiệu sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn Quảng Nam, giúp khách có nhiều sự lựa chọn hơn khi đi du lịch đến vùng đất này.
Có thể bạn quan tâm
Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Hội Thú y Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam.
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều cơ sở chế biến cá cơm ở một vài địa bàn ven biển phát triển nghề cá của tỉnh (TP. Phan Thiết, TX. La Gi, huyện Tuy Phong) ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của những người dân quanh vùng.
Trong số 256 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, có đến 119 cơ sở, doanh nghiệp - tương đương 45%, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (bị xếp loại C). Điều này đặt ngành điều nước ta trước những thách thức trong thời gian tới.
Hiện nước ta chỉ có 2 cơ sở chiếu xạ ở miền Nam. Trong khi đó, theo yêu cầu của Mỹ, Úc, vải xuất sang những nước này buộc phải chiếu xạ để diệt côn trùng, nấm. Như vậy, nếu vận chuyển vải từ Bắc vào Nam chất lượng sẽ bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn.
Tiếp sau sự kiện trái vải tươi được Mỹ và Australia mở cửa, mới đây, Nhật Bản cũng chính thức cấp phép cho các DN nước này nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam.