Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nhập gà trung quốc nguy cơ dân ăn thịt rác, người nuôi mất nghiệp

Nhập gà trung quốc nguy cơ dân ăn thịt rác, người nuôi mất nghiệp
Tác giả: Như Băng
Ngày đăng: 08/04/2016

Sau “dẹp loạn” nhập lậu sang nhập chính ngạch?

Năm 2015, cả nước lo lắng trước thực trạng thịt gà Mỹ giá siêu rẻ 17.000-19.000 đồng/kg bày bán tràn lan khiến 2015 trở thành năm khủng hoảng, không thể quên của người chăn nuôi gia cầm. Bởi, gà nội không tiêu thụ được, kéo theo người nuôi phải chịu cảnh thua lỗ cả ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng, các hiệp hội vẫn còn loay hoay đi tìm nguyên nhân vì sao giá gà Mỹ lại rẻ đến vậy. Tất cả câu hỏi như: “Gà Mỹ có bán phá giá tại thị trường Việt Nam?”, “Liệu gà Mỹ giá rẻ có phải là hàng hết “đát” được tuồn vào thị trường Việt Nam?” hay “Có chuyện gian lận thương mại trong vấn đề gà Mỹ giá rẻ?”... đã được đặt ra nhưng rồi cũng bỏ đấy.

Khi câu chuyện gà Mỹ vì sao lại có giá rẻ, giá rẻ có tỷ lệ thuận với chất lượng hay không còn bỏ ngỏ thì mới đây, tại “Hội nghị song phương Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới”, nội dung đàm phán lại đề cập đến vấn đề nhập khẩu gia cầm, gia cầm một ngày tuổi của Trung Quốc vào Việt Nam.

Đại diện của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) còn cho hay, không phải đến Hội nghị song phương trên mà chủ trương nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc đã được Bộ NN-PTNT thôn phối hợp, thống nhất với Tổ chức FAO trong Dự án “Giảm thiểu rủi ro và Quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật”, ký kết hồi tháng 9/2015.

Theo đó, ngoài thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Trung Quốc vào Việt Nam, hai bên còn đàm phán về việc xuất khẩu vịt đẻ thải loại của Việt Nam sang thị trường này.

Theo lý giải của Cục Thú y, phối hợp về chuỗi giá trị, vận chuyển gia cầm qua biên giới được là để... phòng chống và quản lý cúm gia cầm động lực cao H5N1 và các mối đe dọa mới nổi khác.

Tuy nhiên, trước các thông tin này, nhiều chuyên gia lo lắng đặt vấn đề, sau bao năm năm cố gắp “dẹp loạn” gà nhập lậu Trung Quốc, thậm chí, vào thời điểm cao điểm năm 2012, lãnh đạo Chính phủ còn phải đích thân thị sát vùng biên giới kiểm tra việc ngăn chặn gà lậu Trung Quốc thì nay, gà Trung Quốc sẽ có cơ hội đường đường chính chính về Việt Nam?.

Mối nguy thịt “rác”

Trao đổi về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho rằng đó là chủ trương hết sức phi lý.

Theo ông Ngọc, giá gà thịt và gà con giống của Trung Quốc hiện nay đang cao hơn thị trường Việt Nam 30%. Cụ thể, gà thịt loại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung Quốc đang có giá 33.500 đồng/kg trên thị trường tự do và 37.000 đồng/kg tại trại gia công. Trong khi đó, ở Đông Nam Bộ, giá gà thịt xuất chuồng chỉ từ 20.000-25.000 đồng/kg.


Loại gà đẻ thải loại này sẽ "đội lốt" gà ta thả vườn lừa người tiêu dùng.

Ông Ngọc cũng khẳng định, Trung Quốc không có gà thịt để xuất khẩu bởi, năm 2016, sản lượng gà thịt của nước này ước tính đạt 12,7 triệu tấn. Con số này giảm kỷ lục kể từ năm 2012 khiến Trung Quốc phải liên tục nhập khẩu để có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Mặc dù giá gà thịt trong nước cao song gà đẻ thải loại, phụ phẩm là các mặt hàng không được ưa chuộng tại Trung Quốc nên có mức giá rẻ như “đổ bỏ”. Từ thực tế này, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm lo ngại, thay vì các sản phẩm thông thường, gia cầm kém chất lượng từ Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam”, ông Ngọc lo lắng.

Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, hiện nay, khi gia cầm từ Trung Quốc chưa được phép nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam, gà thải loại Trung Quốc đã ồ ạt tràn về tận chợ đầu mối Hà Vĩ (Hà Nội). Việc kiểm soát gà nhập lậu còn chưa làm nổi thì khi cho phép nhập khẩu gia cầm chính ngạch chỉ sợ mọi việc còn trầm trọng hơn.

Theo ông Khanh, gà Trung Quốc tràn vào Việt Nam chủ yếu là loại gà đẻ thải loại với chất lượng không đảm bảo vì được tiêm đủ loại kháng sinh, chất tăng trưởng... Loại gà này được bán với mức giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg và tại nhiều nước trên thế giới chủ yếu dùng để làm thức ăn cho động vật như chó, mèo chứ không dùng làm thực phẩm cho người.

Điều chúng ta lo ngại chính là tình trạng gian lận thương mại có thể xảy ra. Bởi, một khi được phép nhập khẩu chính ngạch gia cầm từ Trung Quốc, gà thải loại Trung Quốc sẽ dễ dàng “đội lốt”, trà trộn giả danh gà thịt trong nước, thậm chí được “tuồn” vào bán trong cả các siêu thị.

Ngoài ra, khi gà thải loại Trung Quốc có cơ hội khoác “mác” nhập khẩu chính ngạch “tuồn” vào Việt Nam, đi cùng với đó sẽ là những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kéo theo cả khả năng lây lan bệnh cúm gia cầm. Vô hình chung, cho phép nhập khẩu chính ngạch gia cầm từ Trung Quốc có thể biến Việt Nam trở thành “bãi rác” chứa những sản phẩm thực phẩm độc hại, ông Khanh cho hay.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành cũng lo ngại, nếu được thông quan, gà Trung Quốc sẽ gây hại đến ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Và rất có thể, người chăn nuôi gia cầm sẽ lại tiếp tục gặp “đại hoạ” giống như năm 2015 khi đối diện với tình trạng gà Mỹ giá rẻ tràn ngập thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi chim trĩ đỏ cho hiệu quả cao Nuôi chim trĩ đỏ cho hiệu quả cao

Qua tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, năm 2013, anh Trần Văn Rinh (khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) quyết định chọn nuôi giống chim trĩ đỏ. Ban đầu, anh mua 4 con chim trĩ giống (Hà Nội) về nuôi (350.000 đồng/con). Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm qua sách và những người đi trước, việc nuôi chim trĩ đỏ của anh Rinh diễn ra thuận lợi và cho hiệu quả khá cao.

07/04/2016
Sợ gà Trung Quốc, gà nội giảm giá sâu Sợ gà Trung Quốc, gà nội giảm giá sâu

Nhu cầu tiêu thụ thấp cùng với tâm lý lo ngại sau thông tin cho nhập khẩu gà từ Trung Quốc với giá rẻ, đã khiến giá thịt gà tại các trại chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ những ngày qua giảm sâu, ảnh hưởng tới thu nhập của nhà nông.

08/04/2016
Nghe ngóng, cân nhắc kỹ khi xuống giống hè thu Nghe ngóng, cân nhắc kỹ khi xuống giống hè thu

Một vài ngày gần đây, nhờ triều cường lên, độ mặn của nước ở một số địa phương vùng ĐBSCL có chiều hướng giảm, cùng với đó là nước ở thượng nguồn sông Mekong sắp sửa về tới nơi.

08/04/2016