Nhân Rộng Mô Hình Dưa Hấu VietGAP
Sau 2 năm trồng thí điểm, mô hình trồng dưa an toàn theo hướng VietGAP tại thôn Thành Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã đem lại kết quả khả quan. Mô hình này đang được nhân rộng ở địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi, cán bộ Phòng Kỹ thuật thông tin (Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh), Phú Ninh có tiềm năng lớn để phát triển vùng dưa hấu tập trung nhưng đa số người dân nơi đây sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng để triển khai xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây dưa hấu tại đây.
Mô hình trồng dưa hấu VietGAP đặt trọng tâm trong việc hướng dẫn người dân về kỹ thuật ngâm ủ giống, sử dụng bạt, liều lượng phân bón hợp lý, cân đối cho từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của dưa hấu, theo dõi phát hiện kịp thời dịch bệnh để phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại…
Sau 2 năm triển khai thí điểm với 12 hộ dân tham gia, năng suất dưa hấu của mô hình tăng lên đáng kể, bình quân đạt từ 30 - 33 tấn/ha, cao hơn diện tích đối chứng của nông dân 4 - 5 tấn/ha. “Một sào ruộng dưa có thể đạt tối đa đến 1,5 tấn thì người dân có thể thu về 6 triệu đồng.
So với cách trồng theo truyền thống trước đây, trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP giảm bớt chi phí về phân bón, công chăm sóc nhiều lần. Nếu tính ra thì chênh lệch về chi phí bỏ ra phải là 500 nghìn đồng/sào” - ông Phạm Văn Nhân, một người trồng thí điểm cho biết.
Sau 3 mùa vụ thực hiện thí điểm, mô hình trồng dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả cao, ổn định và nâng mức thu nhập cho các hộ dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Thành Mỹ) cho biết, gia đình ông trồng thử nghiệm 4 sào dưa. Vụ hè thu vừa rồi lãi khoảng 4,5 triệu đồng/sào trong khi chỉ mất 2 tháng cho mỗi vụ.
Bà Nguyễn Thị Bích Lợi cho biết, hiện nay một số hộ dân dù không nằm trong chương trình thử nghiệm nhưng thấy được hiệu quả kinh tế cũng tự học hỏi kinh nghiệm và quy trình gieo trồng để làm theo, nâng các hộ trồng dưa theo mô hình VietGAP lên 19 hộ.
Việc người dân tự học tập làm theo cho thấy hiệu quả của mô hình VietGAP, mở ra hướng sản xuất dưa hấu mới cho nông dân địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sản xuất nông nghiệp bền vững. “Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến cho nông dân về mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP và sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh” - bà Lợi nói.
Theo đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 2 (TP.Đà Nẵng), sản phẩm dưa hấu theo hướng VietGAP đạt yêu cầu an toàn, các chỉ tiêu đánh giá (gồm 11 chỉ tiêu của một số vi sinh vật và hóa chất gây hại trong sản phẩm rau quả) đều dưới mức giới hạn tối đa hoặc không phát hiện.
Có thể bạn quan tâm
Được hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu về môi trường, phân tích sản phẩm rau an toàn, ứng dụng công nghệ sinh học và canh tác theo hướng sinh thái nên sản phẩm rau màu của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Đang làm cho một chi nhánh ngân hàng với mức thu nhập ổn định, chàng trai ấy quyết định bỏ phố về quê nuôi gà chín cựa, loài gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trải qua không ít gian nan, cuối cùng, anh đã thành công trong sự khâm phục của nhiều người.
Nhờ đề án phát triển cà phê bền vững nên hiện Việt Nam đã có 200.000 héc ta cà phê được chứng nhận theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như 4C, UTZ, trong đó, có 150.000 héc ta theo tiêu chuẩn 4C. Diện tích này sẽ tăng lên 300.000 héc ta vào năm 2015.
Cây trồng biến đổi gene đang là một trong những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm nhất hiện nay và thực phẩm biến đổi gene chủ yếu là ngô, đậu tương.
Ông Y Tớ Byă (tên thường gọi là Ama H Nga) ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong (Krông Bông - Đắk Lắk) là điển hình vượt khó, làm giàu, được bà con trong xóm ngoài làng thán phục.