Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển

Nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển
Tác giả: Tuyết Xuân
Ngày đăng: 19/01/2019

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển. Mô hình đã mở ra cho người nông dân hướng chăn nuôi mới, với hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn sinh học.

Đàn vịt biển của ông Nguyễn Ngọc Cung phát triển tốt và cho lợi nhuận cao hơn so với nuôi vịt thường.

Mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng và kiêm dụng có kiểm soát tại các tỉnh Nam bộ” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova. Kỹ sư Lưu Thành Long - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng (cũng là cán bộ phụ trách thực hiện mô hình) cho biết: “Năm nay, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm tiếp tục thực hiện tại huyện Mỹ Tú và Trần Đề với quy mô 8.000 con (800 con/hộ). Khi tham gia mô hình, bà con chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng thuốc thú y, men sinh học, cách tiêm phòng vắc-xin (viêm gan, dịch tả, H5N1…) và hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng vịt biển đến khi xuất bán”.

Huyện Mỹ Tú là một trong những điểm thực hiện mô hình được đánh giá cao, nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường. Đặc biệt là khâu tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt nuôi theo hướng an toàn sinh học ở các điểm thực hiện mô hình đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Vịt biển nuôi mau lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với nuôi giống vịt ở địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Cung ở ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) cho biết: “Vịt biển nuôi của gia đình tôi phát triển tốt. Hơn 2 tháng nuôi, mỗi con vịt cân nặng trung bình 2,5kg, với giá bán 45.000 đồng/kg nên có lãi nhiều hơn so với nuôi vịt giống địa phương”. Cũng là hộ tham gia thực hiện mô hình, bà Võ Thị Dệ ở xã Mỹ Phước góp lời: “Giống vịt biển này dễ nuôi và có thể tận dụng nguồn thức ăn trong thiên nhiên. Khi vịt còn nhỏ được cho ăn thức ăn công nghiệp, giai đoạn vịt 21 ngày tuổi đến khi xuất chuồng có thể cho ăn lúa, cây chuối, cá...”.

Bà Võ Thị Dệ cho vịt ăn từ nguồn thức ăn tự nhiên.

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, vịt biển thích nghi tốt với môi trường nước lợ, mặn, nhiễm phèn, tỷ lệ nuôi sống cao, bình quân khoảng 95%. So với các giống vịt địa phương cùng thời gian nuôi thì vịt biển tăng trọng nhanh hơn khoảng 10% trọng lượng, có thể tận dụng được các loại thức ăn địa phương như cá, ốc… để giảm chi phí. Ngoài ra, vịt biển có sức đề kháng cao, ít xảy ra dịch bệnh, nhất là bệnh bại huyết, tụ huyết trùng… Sau hơn 2 tháng nuôi, trọng lượng trung bình đạt khoảng 2,5 - 2,7kg/con.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Lê Vũ Phương cho biết: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc chọn nuôi gia cầm nào phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết. Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình nuôi vịt biển thích nghi với điều kiện môi trường ở địa phương, thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động để bà con nhân rộng mô hình nuôi vịt biển, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương”.

Kỹ sư Lưu Thành Long cho rằng: “Vịt biển là giống thủy cầm có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở nhiều môi trường từ nước ngọt, nước lợ đến nước mặn nên có thể nuôi tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Thành công của việc thử nghiệm mô hình nuôi vịt biển đã giới thiệu được đối tượng nuôi mới vào ngành chăn nuôi của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và tạo sinh kế ổn định cho các hộ nông dân”.

Mô hình nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học là một phương thức nuôi tiên tiến. Đây là đối tượng nuôi mới, đòi hỏi bà con nông dân phải xây chuồng phù hợp, chọn mua con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật. Với khả năng thích nghi cao ở vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ khan hiếm vào mùa khô, thì việc nuôi vịt biển sẽ giúp cho bà con nông dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Ủ rơm bằng urê – Vừa cải thiện được chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu thức ăn thô Ủ rơm bằng urê – Vừa cải thiện được chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu thức ăn thô

Áp dụng phương pháp ủ rơm với urê (phương pháp kiềm hóa rơm) sẽ giúp cho người chăn nuôi khai thác tốt nguồn phụ phẩm này là rất cần thiết.

18/01/2019
Trồng nấm VietGAP Trồng nấm VietGAP

Thuộc lớp nông dân đầu tiên đưa cây nấm về trồng tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), ông Lê Hữu Chuyên đã có gần 30 năm gắn bó với nghề trồng nấm.

19/01/2019
Phát triển kinh tế từ nhãn Ido Phát triển kinh tế từ nhãn Ido

Mô hình trồng nhãn Ido đang mang về nguồn thu ổn định cho người dân xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và được xem là giải pháp phát triển kinh tế

19/01/2019