Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất

Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất
Ngày đăng: 09/07/2013

Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, trong đó mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã được khẳng định với nhiều ưu điểm như năng suất tăng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện nay, mô hình này đang được nông dân các địa phương trong huyện áp dụng và nhân rộng qua từng năm.

Từ vụ mùa năm 2006, Cty TNHH Syngenta Việt Nam đã tổ chức thử nghiệm mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất tại gia đình ông Hoàng Văn Mạnh, đội sản xuất số 6, HTX Nam Hải, xã Hải Phong. Vốn quen theo kinh nghiệm ông cha để lại "cày sâu tốt lúa" nên ban đầu khi nhìn những dảnh mạ ngả nghiêng dựa vào gốc rạ, không ít người đã cho rằng việc cấy lúa mà không cần cày, bừa, làm đất chỉ là "chuyện tầm phào". Theo dõi sát sao mô hình này, ông Mạnh nhận thấy giai đoạn ban đầu ở ruộng lúa không làm đất, mặt ruộng không nhũn bằng ruộng làm đất. Tuy nhiên khi lúa từ giai đoạn “con gái” trở đi thì đất ở ruộng không làm đất lại nhũn hơn ruộng được cày, bừa.

Lúa của mô hình tốt hơn hẳn và đẻ nhánh nhanh, làm đòng sớm, trỗ bông trước và cho thu hoạch trước 5 ngày so với các ruộng lúa cấy cùng ngày theo cách truyền thống. Kết quả thật bất ngờ khi năng suất 1 sào cấy thử nghiệm theo phương thức không làm đất của gia đình ông Mạnh đạt 205kg, trong khi các ruộng khác cấy theo phương thức truyền thống chỉ đạt từ 170 - 190 kg/sào. Từ thành công của mô hình, vụ mùa năm 2007 nhiều hộ nông dân ở đội 6 đã áp dụng phương thức này. Vụ mùa năm 2008, diện tích cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất ở HTX Nam Hải đã lên đến 16ha.

Nhiều xã trong huyện đã tổ chức cho nông dân đến tham quan và học tập kinh nghiệm để áp dụng tại địa phương. Đến vụ mùa năm 2012, đã có 35/45 HTX trong huyện triển khai phương thức canh tác này. Những địa phương có kinh nghiệm, diện tích đang được mở rộng, như HTX Nam Hải cấy 85% diện tích, HTX Hùng Cường xã Hải Giang cấy 50% diện tích, HTX Phú Văn Nam xã Hải Châu cấy 43% diện tích, Hải Đông cấy 50% diện tích, Hải Tây cấy 32% diện tích, nâng diện tích cấy lúa theo phương thức không làm đất toàn huyện lên 1.054ha, chiếm 10% tổng diện tích gieo cấy vụ mùa của huyện.

Toàn bộ diện tích lúa mùa cấy theo phương thức không làm đất đều thu hoạch trước khi cơn bão số 8 đổ bộ vào (cuối tháng 10-2012) góp phần đảm bảo năng suất vụ mùa năm 2012 của huyện đạt 48,51 tạ/ha, tăng 0,95 tạ/ha so với vụ mùa năm 2011. Về hạch toán kinh tế, theo đồng chí Lê Văn Định, Phó phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu thì suốt 7 vụ mùa đã qua, những diện tích cấy theo phương thức không làm đất do đẩy sớm thời vụ, lúa trỗ bông trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất thực thu (cùng giống lúa) cao hơn 10 - 15% và giảm 100 - 120 nghìn đồng/sào công cày, bừa so với phương thức cấy truyền thống.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là rút ngắn thời gian đưa cây mạ xuống ruộng do không mất thời gian làm đất, có thể cấy được lúa mùa ngay sau khi gặt lúa xuân từ 8 - 10 ngày, rất phù hợp với điều kiện gieo cấy hiện nay khi thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa ngắn. Do lúa được cấy giữa 2 hàng gốc rạ nên không phải chăng dây, tiết kiệm được lao động cấy. Từ kinh nghiệm đúc rút qua các vụ, để cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất, khi thu hoạch lúa xuân, bà con nông dân cần gặt lúa sát gốc, càng sát mặt ruộng càng tốt, để lúa chín già mới gặt sẽ hạn chế mọc lúa chét.

Khi gặt xong phải giữ nước mặt ruộng ngập gốc rạ để gốc rạ phân hủy nhanh, không cho lúa chét mọc và làm mềm đất trước khi cấy; thu dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ và tàn dư thực vật trên đồng ruộng trước khi cấy. Khi gieo mạ cấy, cần bảo đảm đất làm nền gieo mạ phải dày từ 2 - 3cm, để khi tách mạ cấy vẫn còn một lượng bùn nhỏ giúp mạ sau khi cấy dễ bám được trên nền ruộng cứng. Mật độ cấy đối với các giống lúa lai 32 - 36 khóm/m2, mỗi khóm cấy 1 - 2 dảnh; đối với các giống lúa thuần 35 - 38 khóm/m2, mỗi khóm cấy 3 - 4 dảnh.

Do khả năng giữ phân của đất không cày, bừa kém hơn nên phải tăng thêm 1 lần bón thúc so với phương thức cấy truyền thống. Trong quá trình canh tác của mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giống như phương thức làm đất truyền thống. Vụ mùa năm 2011, HTX Liên Minh, xã Hải Minh đã tổ chức cho gần 100 nông dân tham quan cách cấy theo phương thức không làm đất ở xã Hải Phong.

Sau đó, Ban quản trị HTX đã xây dựng 13 mô hình cấy lúa bằng phương pháp không làm đất tại 13 đội sản xuất, mỗi mô hình có diện tích từ 1 - 2 mẫu, được cấy bằng giống Bắc Thơm số 7 và Kinh Sở ưu 1588. Kết quả, năng suất trung bình của giống Bắc Thơm số 7 và Kinh Sở ưu 1588 của mô hình cấy lúa bằng phương pháp không làm đất lần lượt đạt 220 kg/sào và 280 kg/sào, cao hơn 10% so với các ruộng cùng giống cấy theo phương pháp truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Văn Đán, Chủ nhiệm HTX Liên Minh cho biết: “Hiệu quả cấy lúa mùa bằng phương pháp không làm đất đã cho thấy rõ rệt, nhất là tăng được diện tích cấy trà mùa sớm. Mấy năm gần đây năng suất lúa trà mùa sớm bao giờ cũng đạt cao nhất, đồng thời cũng là một hướng giải quyết tình trạng thiếu lao động, khắc phục tình trạng làm đất chậm và giúp các địa phương giải phóng đất sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho nông dân”. Vụ mùa năm nay, diện tích cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất của HTX Liên Minh đã lên tới trên 90% tổng diện tích gieo cấy. Nhờ thực hiện cấy theo phương thức này, HTX đã hoàn thành kế hoạch cấy vụ mùa trước ngày 5 - 7, sớm hơn các vụ trước 10 - 15 ngày.

Vụ mùa năm 2013, huyện Hải Hậu gieo cấy trên 10 nghìn ha lúa. Hầu hết trà mùa sớm, chiếm 15 - 20% tổng diện tích gieo, cấy được cấy theo phương thức không làm đất, hoàn thành cấy ngay trong tháng 6 với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn như Thiên Trường 750, Nam Định 5, CNR02, RVT và Khang Dân 18.

Trà mùa trung chiếm 70 - 75% tổng diện tích gieo cấy, hoàn thành cấy trước ngày 10 - 7 với các giống lúa Q5, RVT, Thiên Trường 750, Hương Thơm số 1, Nếp 97, Khang Dân 18, Nam Định 5; trong đó diện tích cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất chiếm 20% tổng diện tích. Như vậy, tổng diện tích cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất toàn huyện đạt 3.500 - 4.000ha, chiếm 35 - 40% tổng diện tích lúa mùa, tập trung nhiều nhất ở các xã như: Hải Phong, Hải Minh, Hải Anh, Hải Giang, Hải Đông, Hải Tây…

Mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã góp phần đẩy nhanh thời vụ, giúp nông dân huyện Hải Hậu có quỹ đất mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Đây là tiền đề để huyện hoàn thành kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông năm 2013 lên trên 3.200ha, trong đó diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất hai vụ lúa đạt trên 1.650ha.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Tôm Sú Kết Hợp Với Tôm Thẻ Chân Trắng Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Tôm Sú Kết Hợp Với Tôm Thẻ Chân Trắng

Qua nhiều năm thất bại với con tôm thẻ chân trắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú kết hợp với tôm thẻ chân trắng và mô hình này đã phát triển tốt, thoát được dịch bệnh, lợi nhuận đạt được khá cao ngay trong vụ nuôi đầu tiên.

27/01/2015
Ngành Chăn Nuôi Ở Tư Nghĩa Hướng Đến Mục Tiêu Hiện Đại, Chất Lượng Ngành Chăn Nuôi Ở Tư Nghĩa Hướng Đến Mục Tiêu Hiện Đại, Chất Lượng

Theo ông Thanh, hiện nay bò là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định nên ít gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Các giống bò được nuôi phổ biến ở Tư Nghĩa trong những năm qua chủ yếu là bò vàng địa phương, bò lai sind và bò lai Zêbu. Trong đó, giống bò lai sind đã được người dân lựa chọn nuôi ngày một nhiều với quy mô hộ gia đình, trang trại, chăn nuôi tập trung theo kiểu bán công nghiệp.

27/01/2015
Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Giảm Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Giảm

Tuy nhiên, do mức giảm còn khiêm tốn nên nhìn chung giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn còn ở mức cao. Tại TP Cần Thơ, hiện giá nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm (loại hỗn hợp dạng viên) của nhiều hãng như: Con cò, Hi-Gro, Cargill... từ 260.000 - 290.000 đồng/bao 25kg; thức ăn đậm đặc dạng cám (loại 35 - 46% đạm) ở mức 450.000 - 500.000 đồng/bao 25kg.

27/01/2015
Xanh Um Những Vườn Tiêu Hội Phú (Bình Định) Xanh Um Những Vườn Tiêu Hội Phú (Bình Định)

Ðến đất Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ, tôi dễ dàng cảm nhận ngay màu xanh mướt của những vườn tiêu. Màu xanh của những vườn tiêu ở đây thật dễ chịu. Có ấn tượng này là bởi ngày xưa, có nhà báo đàn anh, nhiều lần than thở chuyện “mặn ngọt vùng đất chua” khi nhắc về Hoài Hảo.

27/01/2015
Nhân Giống Cây Thủy Tùng Hành Trình Nhiều Gian Khó Nhân Giống Cây Thủy Tùng Hành Trình Nhiều Gian Khó

Theo ghi nhận trong gần 40 năm qua, không có cây sinh trưởng mới khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn và phát triển loài cây này thì việc nhân giống để trồng bổ sung là hết sức cần thiết; tuy nhiên việc nhân giống thủy tùng trong những năm qua vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

27/01/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.