Nhà nông miền Tây khóc, cười với cây mía
Trên thực tế, giá mía nguyên liệu liên tục giảm trong các năm qua đã khiến diện tích trồng mía ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… bị thu hẹp dần, dẫn tới cung không đủ cầu.
Khóc cười với cây mía
Huyện Thới Bình (Cà Mau) và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được xem là vùng mía nguyên liệu của Xí nghiệp Đường Cà Mau, tuy nhiên hiện nay, lượng mía nguyên liệu cung cấp cho xí nghiệp này giảm đến 50%.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình cho biết, trên địa bàn chỉ còn khoảng 700ha đất trồng mía trong tổng số hơn 2.600ha theo quy hoạch.
“Giá mía năm 2014 và các năm trước quá thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người đã chuyển sang mô hình lúa – tôm hoặc trồng gừng.
Năm nay, mới đầu vụ giá mía đã cao ngất ngưởng, khiến không ít người đã phá bỏ cây mía tiếc nuối” – ông Lâm nói.
Thương lái tranh nhau mua mía nguyên liệu để bán cho Xí nghiệp Đường Cà Mau.
Dọc Quốc lộ 63 từ Cà Mau đi Kiên Giang những ngày này, đến đâu cũng thấy bà con nhộn nhịp thu hoạch mía.
Ông Đỗ Văn Thắng ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình phấn khởi nói: “Hiện thương lái vào tận ruộng tranh nhau đặt cọc tiền thu mua.
Mía loại 10 chữ đường có giá 1.080 đồng/kg, loại thấp nhất cũng 800 đồng/kg, cao hơn 300 – 500 đồng/kg so với cùng kỳ”.
Đứng trước hơn 3.600m2 đất từng là ruộng mía của gia đình, bà Dương Thị Ráng ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình thở dài nói: “Giá mía tăng cao khiến tôi tiếc đứt ruột.
Nhớ năm trước, mía chỉ được 200 đồng/kg mà không có người mua, tôi và nhiều người đốt bỏ mía chuyển sang trồng cây khác.Đúng là khóc cười với cây mía”.
Giải quyết “điểm nghẽn” trong tiêu thụ
Để “giữ chân” người trồng mía, tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng kế hoạch, nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà máy đường với nông dân, đồng thời phân chia lại vùng nguyên liệu hợp lý.
Trao đổi với PV, ông Vưu Văn Út - Giám đốc Xí nghiệp Đường Cà Mau cho biết: “Nhà máy có công suất 1.000 tấn mía/ngày, nhưng mía nguyên liệu hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% nên chúng tôi chỉ chạy 2 ngày rồi ngừng lại nhiều ngày để chờ nguyên liệu”.
Tại Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, hiện tỉnh có khoảng 9.000ha mía, giảm gần 2.000ha so với năm trước, chủ yếu là do giá mía nguyên liệu những năm qua quá thấp, nông dân chịu lỗ liên miên nên không theo nổi.
“Ở các vùng quy hoạch, người dân đã tự chuyển đổi sang trồng quýt hoặc trồng lúa.
Để “giữ chân” người trồng mía, tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng kế hoạch, nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà máy đường với nông dân.
Chúng tôi cũng đang tổng hợp lại số liệu, phân chia lại vùng nguyên liệu hợp lý.
Phải giải quyết được triệt để “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ, thì nông dân mới sống được bằng cây mía” – ông Vân nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho rằng:
“Cần phân vùng mía nguyên liệu cụ thể cho từng nhà máy đường nhằm giúp nông dân yên tâm về đầu ra, cũng như hạn chế bị thương lái ép giá.
Trong năm 2015, tỉnh Hậu Giang còn 11.500ha mía (giảm khoảng 4.000ha so với cùng kỳ).
Ngành đã xây dựng được 3 cánh đồng lớn trồng mía, ước sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đường”.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến hết tháng 5/2015, giá trị XK cá tra sang thị trường EU đạt 118,9 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 thị trường XK đơn lẻ hàng đầu trong khối, duy nhất giá trị XK sang Anh tăng 44,9%, các thị trường còn lại: Hà Lan giảm 1,8%; Tây Ban Nha giảm 45,3% và Đức giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2014.
QI/2015 XK cá ngừ của Việt Nam giảm mạnh phần lớn do giá thế giới xuống thấp cộng với nhu cầu thị trường yếu. Sang đến QII, XK sang một số thị trường có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tổng XK cá ngừ tính đến hết tháng 5 vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị đạt trên 187,2 triệu USD.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (gọi tắt là EEU) đã được Thủ tướng 5 nước thành viên ký kết ngày 29-5-2015. Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, EEU sẽ mở đường cho cá tra của tỉnh vào thị trường các nước này ngày một nhiều hơn.
Sau 3 năm thực hiện, dự án “Chăn nuôi bò thịt bán chăn thả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Hồ Văn Sơn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phụng Hiệp, làm chủ nhiệm đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Tham gia dự án, từ 64 con bò giống, các hộ chăn nuôi đã cung cấp cho thị trường 144 con bò thịt thương phẩm và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác từ mô hình này.
Xuất phát từ Chương trình khuyến lâm, khoảng 10 năm trước, Chi cục Kiểm lâm An Giang khởi xướng cách làm này và mô hình trở nên quen thuộc với cư dân vùng Bảy Núi, trong đó anh Đỗ Văn Tài (đồi 3 núi Phú Cường, xã An Nông) là người tiêu biểu, thực hiện hiệu quả mô hình nuôi nai dưới tán rừng.