Nhà nông đam mê sáng chế máy 5 trong 1
Với kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm trồng điều, cao su và sau một thời gian “học lỏm” nghề cơ khí từ bạn bè, anh em, nhà nông Nguyễn Văn Lĩnh (40 tuổi, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) đã sáng chế ra máy phun xịt “5 trong 1” với nhiều chức năng hữu ích, góp phần giảm sức lao động.
Đặt trên chiếc xe tải nhỏ, máy phun “5 trong 1” của anh Nguyễn Văn Lĩnh vừa cơ động, vừa có thể di chuyển dễ dàng trong các vườn điều, cao su
TỪ NHU CẦU THỰC TIỄN
Sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, từ nhỏ anh Lĩnh đã quen thuộc với các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Với hơn 10 ha trồng điều, cao su của gia đình, hằng năm phải thuê hàng chục nhân công từ cạo mủ cao su, lượm điều, phun thuốc, bón phân, thổi lá... tốn nhiều chi phí sản xuất. Hơn nữa, việc thiếu nhân công thường xuyên xảy ra.
Anh Lĩnh luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm gì để chuyển từ lao động chân tay sang cơ giới hóa, vừa giúp nông dân cắt giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian. Với kinh nghiệm từng làm thợ cơ khí, năm 2013, nhận thấy đặc điểm chung của cây điều, cao su đều được trồng với khoảng cách khá rộng, anh đã mua các bộ phận riêng lẻ của các loại máy nông nghiệp như máy phát, ống sắt, quạt gió, dây điện... về tự mày mò, lắp ráp thành máy 2 chức năng với quyết tâm cơ giới hóa thay sức người. Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với nhiều lần thất bại, nhiều đêm không ngủ, anh nảy ra ý tưởng liền bật dậy để ứng dụng luôn. Bằng sự kiên trì của mình, sản phẩm máy phun “2 trong 1” đầu tiên của anh đã ra đời với 2 chức năng là phun thuốc cỏ và phun cao (phun trừ sâu trên cây cao su, điều).
Sản phẩm của anh từng bước được tối ưu hóa bằng những nút xoay, cần gạt điều khiển đặt phía trước xe cạnh ghế ngồi. Chỉ cần thao tác đơn giản là anh có thể điều chỉnh được độ cao, độ mạnh, lượng thuốc, nước khi phun mà chất lượng, năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm thông thường. Ông Lê Viết Đức, khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 20 ha điều, cao su, thường phun thuốc trừ sâu phải mất 2-3 tiếng đồng hồ mới xong 1 ha dù dùng bằng các loại máy phun thông thường cũng 1 bồn 1.000 lít cùng với thuốc và tiền công hết khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/ha tùy loại thuốc. Nhưng máy cũng chỉ phun được lớp lá dưới của cây do lực phun không mạnh. Tuy nhiên, khi sử dụng máy anh Lĩnh sáng chế thì 1 bồn 1.000 lít cùng với lượng thuốc đó nhưng có thể phun đến 2 thậm chí 3 ha và chất lượng cao hơn. Lưu lượng thuốc được phun lên cây hấp thụ triệt để tránh lãng phí. Cùng với đó, thuốc phun cũng có thể tiếp xúc cả 2 mặt lá mà chi phí nhân công, thuốc, nước giảm một nửa so với cách làm hiện nay”.
Chiếc máy “2 trong 1” của anh Lĩnh nhanh chóng được các hộ dân ở ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (nơi có vườn rẫy của gia đình anh Lĩnh) tin dùng. Bình quân thời điểm 2014-2016, chiếc máy của anh phục vụ được từ 500-800 ha. Đây là động lực giúp anh tiếp tục sáng chế thêm những tính năng mới trên cùng một máy của mình.
ĐẾN MÁY PHUN “5 TRONG 1”
Song song với việc đưa máy phun “2 trong 1” sử dụng phục vụ nông dân trong vùng, anh Lĩnh tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, sáng chế ra chiếc máy thứ 2 được lắp đặt trên chiếc xe tải để tối ưu hóa hoạt động. Anh Lĩnh chia sẻ: “Sau khi thành công với chiếc máy 2 trong 1, tôi tiếp tục thiết kế, sáng chế ra các chức năng khác và hiện chiếc xe đã có đến 5 chức năng như phun cao (phun thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân). Những chức năng này phục vụ chủ yếu cây cao su và điều, đưa vào sử dụng được nhiều nông dân đón nhận”.
Anh Trần Quốc Tuấn, ấp Thuận Phú, huyện Đồng Phú, có gần 10 ha cao su và điều cho biết, đã sử dụng chiếc máy của anh Lĩnh hơn 3 năm nay. “Mới đầu còn lo lắng do lượng thuốc, lượng nước ít hơn hẳn các cách phun hiện nay, nhưng qua 1 năm sử dụng tôi thấy hiệu quả khác biệt. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí vài triệu đồng mỗi năm mà chiếc máy “5 trong 1” còn có hiệu quả cao khi tầm phun xa và mạnh hơn rất nhiều, có thể sử dụng cả ở khu vực có độ dốc”.
“Dù muốn nhân rộng để phục vụ nhu cầu của nông dân nhiều hơn nhưng chiếc máy của tôi hiện chưa có bản vẽ chi tiết và nếu sản xuất thương mại thì rất lo bị mất bản quyền. Tôi mong Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh quan tâm, hỗ trợ để sáng chế của tôi có thể được đăng ký sở hữu trí tuệ với “thương hiệu” máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đa năng có xuất xứ từ Bình Phước. Từ đó có thể nhân rộng hơn nữa để phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh”. Anh NGUYỄN VĂN LĨNH nói
Anh Lĩnh cho biết, hiện nay với ứng dụng phun cao su, chiếc máy này trong 1 giờ có thể phun được 3 ha điều hoặc cao su. Việc phun dạng phun sương không chỉ giúp người dân tiết kiệm nước, thuốc mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hơn so với các loại máy khác. Trung bình 1 năm, chiếc máy của anh Lĩnh phục vụ hơn 1.000 ha điều, cao su...
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng cho biết: Ấp Pa Pếch hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống với khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó không ít diện tích đất của người dân Đồng Xoài vào mua để thâm canh, sản xuất với các loại cây chủ yếu là điều, cao su và cà phê, hồ tiêu. Khoảng 4 năm trở lại đây, chiếc máy phun “2 trong 1”, rồi mới đây là máy “5 trong 1” của anh Lĩnh đã dần quen thuộc và được nhiều nông dân sử dụng, đánh giá cao. Tuy nhiên, với diện tích lớn, chỉ với 1 chiếc máy cũng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân trong những lúc cao điểm”.
Anh Lĩnh cho biết, hiện các chức năng của máy cơ bản hoàn thiện. Từ hiệu quả kinh tế mang lại từ chiếc máy “5 trong 1”, anh đã đầu tư mua thêm các loại máy móc để tiếp tục sáng chế thêm 1 máy bón phân tự động cũng như làm mới thêm từ 2-4 máy phun “5 trong 1” để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Hiện nay, máy phun “5 trong 1” do anh Lĩnh sáng chế đã có không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến hợp tác để thương mại hóa. Tuy nhiên, điều anh lo lắng là các doanh nghiệp đến đặt vấn đề đều yêu cầu phải có đội ngũ kỹ sư cùng giám sát trong quá trình thực hiện. Bởi anh trăn trở khi sản phẩm chưa được đăng ký bản quyền, sáng chế và cũng chưa có một bản vẽ cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây lạc.
Rượu vang, nước ép, trà, kẹo sô-cô-la... làm từ trái phúc bồn tử được trồng theo phương pháp hữu cơ có giá trị kinh tế cao và tiềm năng lớn, mở rộng xuất khẩu
Mỗi năm hộ anh Nam thu hơn 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng