Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Lạc che phủ nilon năng suất cao

Lạc che phủ nilon năng suất cao
Tác giả: Nguyễn Mạnh Tường
Ngày đăng: 23/04/2019

Huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây lạc.

Tham quan mô hình trồng lạc che phủ nilon tại xã Phúc Sơn

Cây lạc đã được người dân nơi đây trồng từ nhiều năm nay, tuy nhiên đa số diện tích lạc được trồng thường theo kiểu rạch hàng, gieo hạt… nên năng suất chưa cao.

Vụ Đông 2018, huyện Chiêm Hóa đã triển khai mô hình trồng lạc che phủ nilon, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ bằng biện pháp canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Mô hình trồng lạc theo phương pháp tiên tiến bằng giống L14 nguyên chủng với diện tích trên 53 ha tại 4 xã: Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang và Yên Nguyên. Các hộ thực hiện được hỗ trợ tiền mua nilon và một phần tiền giống, thuê máy làm đất và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.

Kết quả cho thấy, việc che phủ nilon cho lạc làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất, tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau; hạn chế cỏ dại, sự rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Quan Vân Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình cho biết, vụ Đông 2018, gia đình ông thực hiện che phủ nilon cho 2.300 m2 đất trồng lạc. Qua thực hiện cho thấy so với trồng lạc theo phương pháp thông thường thì trồng lạc che phủ nilon có ưu thế vượt trội như tỷ lệ mọc cao, giảm được công làm cỏ, chăm sóc, cây phát triển tốt, củ lạc chắc, không bị thối… năng suất cũng cao hơn từ 20 - 30% so với  trồng lạc theo cách truyền thống trước đây.

Chị Quan Thị Hằng - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện cho biết, qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lạc tại các hộ dân tại xã Phúc Sơn cho thấy, các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của diện tích lạc che phủ nilon ngắn hơn so với không che phủ nilon từ thời gian mọc, giai đoạn cây con, thời kỳ ra hoa... Theo đó, cũng hạn chế được những rủi ro như sâu bệnh nhiều, thối rễ, chết cây do mưa, còn nắng thì làm cây héo rũ, kém phát triển.

Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, vụ lạc này cho năng suất 4 tấn củ tươi/ha. Với giá thu mua của Hợp tác xã Phúc Sơn là 12.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí, người trồng lạc lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Ngay sau khi thu hoạch, huyện tiếp tục hỗ trợ nilon để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng lạc che phủ ni lon nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng giá trị trên một đơn vị đất canh tác, tăng thêm thu nhập.


Có thể bạn quan tâm

Phòng bệnh cho cây ổi Phòng bệnh cho cây ổi

Theo tài liệu Cây ăn trái đồng bằng sông Cửu Long (Sở KHCNMT An Giang) thì cây ổi thường có các loại sâu bệnh sau đây:

22/04/2019
Có giống lúa chịu mặn đến 5‰ tại Trà Vinh Có giống lúa chịu mặn đến 5‰ tại Trà Vinh

Đây là giống lúa đầu tiên ở Việt Nam có thân và lá màu tím còn hạt thì dài, vàng ươm óng ánh, bóc vỏ hạt rất trắng.

22/04/2019
Gương sáng thanh niên khởi nghiệp Gương sáng thanh niên khởi nghiệp

Thanh niên Bùi Văn Hiền, ở ấp Rẫy, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm là tấm gương sáng về khởi nghiệp.

23/04/2019