Nhà giàu treo thưởng 500.000 đồng tìm thịt lợn sạch ăn Tết
Thay vì ra chợ, vào siêu thị, một số gia đình có điều kiện ở Hà Nội bỏ tiền thuê người quen ở quê tìm mua thịt lợn sạch để gói bánh chưng, gói giò…và chuẩn bị làm cỗ cho ngày Tết.
Trong ảnh: Thịt lợn không an toàn đang là nỗi lo của nhiều người. Ảnh minh họa: Lê Quân.
Gần chục năm nay, chị Huệ (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) không còn ra chợ hay vào siêu thị mua thịt lợn về ăn như trước.
“Thịt lợn ở siêu thị có tiếng thì là hàng đông lạnh, không thể tươi ngon được, hơn nữa lại ít loại thịt để chọn. Trong khi ở chợ đầy hiểm họa không lường trước được”, chị nói.
Theo bà nội trợ này, giá thịt lợn sạch được chọn mua ở quê đôi lúc còn rẻ hơn so với ở chợ, siêu thị Hà Nội.
Chị phân tích ở siêu thị người ta mất phí vận chuyển, các công đoạn làm tem bảo hành, giấy chứng nhận, thuê nhân viên bán hàng, thuê mặt bằng…nên không thể rẻ được. Giá thịt đang bán ở các nơi này dao động 90.000-140.000 đồng/kg (tùy loại), cao hơn 10.000-20.000 đồng/kg so với ở chợ.
“Thịt lợn sạch ở quê có lúc giá chỉ 70.000-90.000 đồng/kg, thêm chút phí nhờ người tìm mua, tiền thuê người sơ chế và phí vận chuyển. Nếu mua với số lượng lớn tính ra vẫn rẻ hơn ở chợ vài nghìn đồng/kg, nên tôi hay rủ hàng xóm mua cùng cho rẻ”, chị Huệ chia sẻ.
Dịp Tết, chị Huệ đặt mua thịt quê qua mối quen. Chị bỏ ra 500.000 đồng thuê người quen đi khắp quê lúa Thái Bình tìm mua lợn sạch.
“Lợn sạch thường chỉ ăn rau, bèo và cám gạo thay vì cám tăng trọng nên ở xa về rất khó biết quá trình họ nuôi ra sao. Tôi phải treo thưởng từ 500.000 đồng trở lên nhờ người quen săn lùng giúp, vì họ hiểu về hàng xóm hơn mình. Dịp này tôi cũng không dám nhận đặt mua giúp hàng xóm”, chị kể.
Tìm được mối mua thịt lợn sạch đã khó, để đưa hàng ra Hà Nội còn khó hơn. Chị Huệ cho hay ngày thường tiền sơ chế chỉ vài chục nghìn cả con lợn, ngày Tết tăng lên tiền trăm. Cũng không thể gửi xe khách nên chồng chị phải tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về quê chở lợn, rau sạch ra Hà Nội.
Rộ mốt mua cả con lợn đen làm quà Tết. Ảnh: Mạnh Thắng.
Khác với chị Huệ, anh Sỹ (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần cận Tết để về quê tìm lợn sạch. Anh cho hay kinh nghiệm là nên đi thăm họ hàng, trò chuyện với họ để hỏi dò mối thực phẩm sạch, trong đó bao gồm cả thịt lợn.
“Giờ biếu sếp, đối tác thịt lợn sạch là 'sang chảnh' nhất. Ở quê cái gì cũng rẻ, tranh thủ một ngày về quê thu mua thực phẩm sạch làm quà Tết còn tiết kiệm được nhiều tiền”, anh Sỹ cho biết.
Tặng sếp, đối tác cả con lợn đặc sản vùng cao đang là mốt trong vài năm trở lại đây. Nắm bắt được tâm lý này, từ trước Tết vài tháng, hai chàng cử nhân Mạnh Thắng và Ngọc Thắng (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) đã lặn lội tới Na Hang, huyện vùng cao xa nhất của tỉnh Tuyên Quang, để tìm mua lợn đen đưa về thủ đô bán.
Lợn đen (lợn mán) được bà con nông dân nuôi thả tự nhiên nên thớ thịt rắn chắc, màu thịt tươi, khi chế biến bì dày, nạc dai, mỡ không ngán, có vị thơm ngon. Mạnh Thắng cho hay vào dịp này, mỗi ngày cửa hàng bán ra hàng trăm kg thịt lợn tươi, giò, ruốc, lạp sườn…
“Không ít khách đặt mua cả con để biếu sếp, đối tác. Mỗi con lợn có giá vài triệu đồng”, Mạnh Thắng tiết lộ.
Trong khi đó, nhiều người lại chọn mua thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan… với giá 100.000-200.000 đồng/kg để ăn Tết. Loại thịt nhập ngoại này đang rất hút khách, do nhiều người tin rằng chúng đảm bảo chất lượng hơn thịt lợn trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Với diện tích lên đến hơn 100ha, cùng 351 xã viên, mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội mang lại hiệu quả cao cho hộ nông dân
Là một trong những con át chủ bài của Cty CP Đại Thành, giống ngô lai đơn F1- GS 9989 được mệnh danh là giống ngô “nồi đồng cối đá”.
Để đảm bảo thu nhập, nhiều hộ gia đình ở Đăk Nông đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn dưới tán cà phê, từ đó thu lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.