Hiệu quả cao từ mô hình chuyên canh rau an toàn
Với diện tích lên đến hơn 100ha, cùng 351 xã viên, mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đã mang lại hiệu quả cao cho các hộ nông dân.
Trong ảnh: Mô hình canh tác rau của HTX Đông Cao
Không chỉ đảm bảo chất lượng rau đủ tiêu chuẩn mà các xã viên của HTX còn có nhiều cách làm mới nhằm tiết kiệm chi phí, công lao động.
Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, trước đây các hộ nông dân điều phải dùng máy chạy xăng để bơm nước lên ruộng, tốn nhiều công sức lao động, chi phí cao mà lượng nước phân bố không đều.
Từ đó, ông cùng một số xã viên đã nghiên cứu, học hỏi mô hình tưới tiêu ở Đà Lạt - Lâm Đồng và áp dụng trên diện rộng tại địa phương. Hệ thống tưới này được làm bằng các ống nhựa, trên cùng là các đầu phun sương cỡ lớn có thể điều chỉnh. Chi phí đầu tư khoảng 1,3 triệu đồng/sào (sào Bắc bộ) cho hệ thống này.
Mô hình này giúp một người trung bình trong ngày có thể tưới được 2 mẫu ruộng (mẫu Bắc bộ) thời gian bơm nước giảm và độ đồng đều rất cao. Từ khi lắp dàn tưới mới, sản lượng, chất lượng rau của HTX tăng lên rõ rệt.
Trong sản xuất, HTX còn sử dụng phân hữu cơ vi sinh được làm bằng bột đậu tương thay thế các loại phân chuồng để giảm chi phí cũng như bảo vệ môi trường. Một phương pháp khác cũng mang lại hiệu quả cao và đang được áp dụng gần đây đó là bẫy côn trùng, sâu bệnh bằng bả protein, bả dẫn dụ, bả chua ngọt… mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2016 HTX được Chi cục BVTV hỗ trợ thành lập 15 tổ PGS (tự giám sát lẫn nhau), mỗi tổ 25 - 30 xã viên. Theo đó có sự tham gia giám sát của người sản xuất, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Các hộ nông dân thường xuyên giám sát chéo lẫn nhau nên về kỹ thuật, quá trình sản xuất đảm bảo an toàn.
Hệ thống tưới tiêu được áp dụng trên diện rộng
Trong quá trình sản xuất, những quy trình kỹ thuật sản xuất đều được xây dựng thành những quy chế riêng và tập huấn cho toàn bộ xã viên. HTX đã phát cho mỗi hộ một quyển nhật ký ghi chép cẩn thận thông tin từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch. Việc sử dụng sử dụng thuốc BVTV sao cho đúng với quy định, thời gian cách ly đúng theo hướng dẫn được chú trọng đặc biệt.
Năm 2013, 2014 HTX Đông Cao đã thí điểm mô hình VietGAP trên 20ha nhưng diện tích quá lớn. Theo ông Kỳ, VietGAP có chi phí làm thủ tục quá cao và cần ghi chép rất vất vả, vì thế các xã viên làm được 2 năm thì bỏ. Thay vào đó, HTX tập huấn cho các xã viên ý thức được trách nhiệm trong quá trình sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chất lượng của Chi cục BVTV. Không làm VietGAP nhưng tháng 11/2016, Phòng Quản lý chất lượng nông sản của Chi cục đã về kiểm tra đột xuất 4 mẫu rau của HTX thì cả 4 mẫu đều đạt đủ quy chuẩn quy định. Dư lượng thuốc BVTV đều dưới ngưỡng cho phép. Sở NN-PTNT đã khen thưởng về mô hình sản xuất rau an toàn của HTX.
Phòng Kinh tế huyện, UBND xã đã kết hợp với Chi cục BVTV cũng đã tổ chức các lớp tập huấn dài hạn, ngắn hạn cũng như các mô hình thiết bị kỹ thuật mới nhất để áp dụng sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Các xã viên thu hoạch rau tại ruộng
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thực hiện công tác tập huấn, đôn đốc kiểm tra, giám sát chéo để đạt được hiệu quả cao nhất, an toàn nhất. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, hỗ trợ lắp đặt thùng chứa rác thải và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn. Phòng Kinh tế cũng đang tiến hành đề xuất xây dựng nhãn hiệu riêng cho rau củ quả của Đông Cao lên Sở KH-CN Hà Nội”.
"Hiện các loại rau của HTX đều đạt tiêu chuẩn nhưng khó có thể vào được các siêu thị tại nội thành là do HTX chưa có thương hiệu rõ ràng. Hơn nữa, nhà nước cũng chưa có hỗ trợ, hướng dẫn để nông dân dễ dàng tiếp cận hơn với các doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính khiến các loại rau an toàn có giá cả không ổn định, thường xuyên bị đánh đồng với các loại rau kém chất lượng, rau nguồn gốc Trung Quốc", ông Vũ Văn Kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Công ty Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sẽ xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường khó tính nhất thế giới vào giữa năm 2017.
Những “cánh đồng vàng” là tên gọi những cánh đồng chuyển đổi cây trồng, canh tác với mô hình “2 lúa + 1 màu”, “2 màu + 1 lúa”… cho giá trị từ 100 triệu đồng/ha/
Các tên tuổi lớn đã và tuyên bố sẽ đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, TH true Milk, Hòa Phát, Trường Hải Auto, FPT và mới nhất là Công ty CP Thế giới di động