Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nguyên tắc khi nuôi ghép tôm với các đối tượng khác

Nguyên tắc khi nuôi ghép tôm với các đối tượng khác
Tác giả: Hoàng Ngân
Ngày đăng: 05/07/2021

Việc nuôi ghép tôm với các đối tượng thủy sản khác, không chỉ mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường nuôi, cũng như sự thích nghi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để các mô hình nuôi ghép này thành công, cần lưu ý và nắm vững những nguyên tắc kỹ thuật trong khi nuôi.

Tôm – cá

Một số hình thức ghép như:

+ Nuôi cá rô phi trực tiếp trong ao tôm: Sử dụng cá đực để nuôi ghép, hạn chế việc sinh sản của cá và khi tôm đạt cỡ 3 – 6 g/con với mật độ tôm nuôi là 30 – 40 con/m2, thì mật độ thả cá là 1 con/100 m2 với cỡ cá 50 – 60 g/con.

+ Nuôi cá rô phi trong lồng lưới đặt trong ao tôm: Mật độ cá rô phi 10 con/m2 lồng, diện tích lồng khoảng 2% diện tích ao và nên thường xuyên vệ sinh lưới, để nước được trao đổi giữa ao nuôi và bên trong lồng.

+ Nuôi cá rô phi trong ao lắng, ao chứa nước cấp cho ao nuôi tôm: Mật độ cá rô phi 4 – 5 con/m2; không cho cá ăn trong suốt quá trình nuôi.

+ Nuôi tôm luân canh với cá rô phi: Nhằm cải thiện đáy ao, giảm chất thải, khí độc và giảm sử dụng thuốc, hóa chất, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi vụ sau.

Lưu ý: Không được nuôi tôm ghép với cá chép, vì tôm là thức ăn ưa thích của cá chép. Nếu thả cùng với nhau, tôm sẽ bị cá chép tiêu diệt, gây thiệt hại về kinh tế.

Tôm – cua

Nếu đang có ao nuôi tôm sú, nên thả thêm cua vào làm đối tượng nuôi chung. Để thành công với mô hình nuôi tôm – cua kết hợp, người nuôi cần lưu ý một số điểm sau đây.

Thời điểm thả cua trong ao tôm: Nếu nuôi từ cua bột (cua hạt tiêu, tương ứng cua 1 – 2 ở trại giống) thì thả cùng lúc với tôm. Nhưng cua phải được ương trong vèo khoảng 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm sú. Vèo ương nên đặt ngay trong ao tôm. Mật độ thả từ 1 – 1,5 con/m2. Nếu nuôi từ cua hạt dưa, thì giống cua được thả sau khi thả giống tôm 7 – 10 ngày. Mật độ thả khoảng 1 con/m2. Nếu nuôi từ cua hạt me, thì thả giống cua sau khi thả giống tôm 15 – 20 ngày. Mật độ thả khoảng 0,5 con/m2

Tôm sú thả nuôi theo hình thức này là 12 – 15 con/m2. Trong ao nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng. Ao nuôi có hệ thống gờ nổi bên trong, hay ao được đào rãnh xung quanh có gò ở giữa, để cua có thể đào các hốc, hang trú ẩn. Cung cấp các chà cây làm chỗ ẩn nấp cho cua.

Tôm – sò

Để thả nuôi thêm sò, cần đảm bảo các điều kiện sau: Ao nuôi không được có rong sống dưới đáy, do sò không sống được trong môi trường có rong. Thời điểm thích hợp để thả sò từ tháng 4 – 7 dương lịch. Chọn sò huyết giống loại 500 – 800 con/kg là phù hợp, vừa giảm thất thoát trong quá trình nuôi lại nhanh cho thu hoạch. Mật độ thả sò huyết cỡ 500 – 1.000 con/kg nuôi với mật độ 80 – 100 con/m2, (thả 1 – 2 đợt/năm); tôm sú mật độ 1 – 1,5 con/m2, cỡ giống từ PL12 – 15 (có thể thả 3 – 4 đợt/vụ/năm, mỗi đợt cách nhau 1,5 – 2 tháng); cá rô phi mật độ 0,6 – 1 con/m2 (1 đợt/năm). Lưu ý: thả tôm giống đợt 4 sau khi thả sò huyết 1 tháng.

Chăm sóc, quản lý và thu hoạch

Nguồn nước và chất lượng nước: Nguồn nước phải đảm bảo các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi.

Phải cho tôm, cua, cá ăn đầy đủ, vì nếu thiếu thức ăn chúng dễ cạnh tranh hoặc tấn công lẫn nhau.

Định kỳ 15 ngày tiến hành kiểm tra sinh học để biết tỷ lệ sống, tốc độ phát triển, sản lượng tôm, cua, cá hiện có trong ao nuôi, từ đó mới có cơ sở để quản lý thức ăn được tốt.

Hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi, môi trường ao nuôi. Định kỳ bón các loại vôi CaCO3, Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường, phòng bệnh cho đối tượng nuôi.

Thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất sử dụng trong NTTS, phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của nhà sản xuất; phải ghi chép và lưu giữ toàn bộ hồ sơ các lần sử dụng thuốc hoặc hóa chất cho các ao nuôi của mình.


Có thể bạn quan tâm

Tiêu chuẩn ao nuôi tôm và xử lý ao nuôi khi tôm bị bệnh Tiêu chuẩn ao nuôi tôm và xử lý ao nuôi khi tôm bị bệnh

Tôm nuôi được 2 tháng, tôm có hiện tượng bỏ ăn, chất thải của tôm có màu trắng trên nhá hoặc nổi trên mặt nước, dọc bờ ao. Có phải tôm bị bệnh phân trắng?

05/07/2021
Lưu ý sử dụng thuốc, hóa chất trong thủy sản Lưu ý sử dụng thuốc, hóa chất trong thủy sản

Các phương pháp sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản? Các loại hóa chất thường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và công dụng?

05/07/2021
Giải bài toán nguyên liệu thức ăn thủy sản Giải bài toán nguyên liệu thức ăn thủy sản

Là quốc gia nông nghiệp, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản với giá trị lên tới hàng tỷ USD

05/07/2021