Giải bài toán nguyên liệu thức ăn thủy sản
Được coi là quốc gia nông nghiệp, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản với giá trị lên tới hàng tỷ USD. Nghịch lý này đã khiến cho giá thức ăn liên tục biến động, gây thiệt hại không nhỏ cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người nuôi.
Người nuôi chật vật khi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng mạnh Ảnh: LHV
Giá nguyên liệu tăng mạnh
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, giá nguyên liệu năm 2021 tăng cao so với năm 2020. Cụ thể biên độ giá một số nguyên liệu từ tháng 1 – 2/2021 như: bột cá, bã nành, bột thịt gà, bắp, sắn lát… tăng 21,18% so cùng kỳ năm 2020. Giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Cụ thể giá ngô hạt, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4/2021 tại CBOT (Chicago Board of Trade) tương ứng là 249 – 258 USD/tấn, 557 – 565,5 USD/tấn và 465,7 – 469,5 USD/tấn. Lý do được cho là chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước…
Theo Cục Chăn nuôi, một số nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam như bắp, bã đậu nành – là hai loại nguyên liệu chiếm tỷ lệ chính trong thức ăn thủy sản đã tăng gần gấp đôi. Điều này dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn thủy sản đều đã tăng giá bán so với trước đây. Cụ thể, đầu tháng 5/2021, Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã tiếp tục tăng giá thêm 250 – 300 đồng/kg cho sản phẩm cá tra giống, cá lóc, cá thát lát, ếch; tăng 400 – 500 đồng/kg cho sản phẩm cá có vảy. Nhãn hàng C.P cũng đã tăng thêm 1.500 đồng/kg đối với thức ăn tôm, tăng 400 – 500 đồng/kg thức ăn cho các loại: cá rô đồng, cá tra, cá chép, cá lóc, ếch, cá thát lát; tăng 600 đồng/kg áp dụng cho cá rô phi, điêu hồng và tăng 700 đồng/kg áp dụng cho cá giống. Đối với nhãn hàng Grobest Industrial cũng thông báo đến khách hàng tăng 1.200 đồng/kg đối với thức ăn nuôi tôm. Nhãn hàng Tongwei Việt Nam cũng tăng giá bán đối với thức ăn nuôi tôm thêm từ 1.200 – 1.400 đồng/kg.
Phụ thuộc nhập khẩu
Một thực tế là dù giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới tăng cao do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng để phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn buộc phải nhập khẩu, chưa chủ động sản xuất được. Mỗi năm Việt Nam đang phải nhập một lượng nguyên liệu rất lớn, với giá trị lên đến hàng tỷ USD để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có nhiều loại nguyên nhiên liệu như: bắp, đậu nành, bột cá, mỡ động vật…, chúng ta hoàn toàn có khả năng tự sản xuất trong nước. Do còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên chúng ta rất khó kiểm soát giá cả các loại thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, quá trình nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất thức ăn trải qua rất nhiều trung gian, nên thức ăn đến tay người tiêu dùng giá sẽ cao.
Trong quý I/2021, tổng lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đã nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD; tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Trong đó, đứng đầu là thị trường Argentina tăng tới 11,2% so cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh 466%; từ EU tăng 105%. Giá nguyên liệu thường chiếm khoảng 80 – 85% trong tổng giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản. Việc phải nhập khẩu ồ ạt nguyên liệu giá cao, đã khiến các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước liên tục tăng giá bán từ đầu năm tới nay.
Tự chủ nguyên liệu trong nước
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, với giá bã đậu nành đã tăng 38,6%, bột thịt gà tăng hơn 25,4%, bắp tăng gần 16%, sắn lát tăng 13,4%, dầu cá nước ngọt tăng 26,3%, cám gạo nguyên dầu tăng 12%, lecithin tăng 36,7%…, thì việc giá thức ăn thủy sản tăng là điều dễ hiểu. Lý giải việc nhiều nhà máy Việt Nam vẫn có thói quen nhập khẩu bột cá về sản xuất thức ăn thủy sản, một chuyên gia cho biết: “Các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị liên doanh với nước ngoài vẫn nhập khẩu bột cá, mặc dù giá cũng tương đương với bột cá trong nước, nhưng bột cá nhập khẩu thường có các chứng nhận quốc tế, đảm bảo tốt về truy xuất nguồn gốc”. Hiện nay, các nhà máy sản xuất thức ăn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước.
Tuy nhiên, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới (năm 2020), việc phải nhập khẩu nhiều nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản là điều cần phải đánh giá, sớm tìm ra hướng khắc phục.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Để phát triển ổn định ngành thủy sản, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nhằm tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Phải giảm các đại lý trung gian, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong NTTS”. Giá thức ăn chăn nuôi quyết định 65 – 70% giá thành, nên phải có các hệ thống giải pháp, làm sao duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, thủy sản. Vừa qua, Bộ đã chỉ đạo các nhà máy thức ăn chăn nuôi: Dù giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao như vậy, nhưng giá thức ăn hỗn hợp bán ra chỉ tăng 10 – 15% để hỗ trợ người nuôi.
Trước vấn đề giá nguyên liệu ngày một leo thang, nhiều doanh nghiệp thức ăn đã chủ động tìm giải pháp thích ứng. Như chia sẻ của đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, kinh nghiệm của doanh nghiệp là chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng “ăn đong” trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng. Khâu logistisc cần trơn tru hơn, giảm chi phí vận chuyển, thời gian bốc xếp theo hàng rời. Trên thực tế trong nước cũng có nhiều nguyên liệu phục vụ chăn nuôi như phụ phẩm chế biến cá, tôm…, nên tận dụng chứ không nên quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Còn theo đại diện Công ty CP Gò Đàng, nếu chủ động sản xuất được nguyên liệu như thức ăn chăn nuôi trong nước, thì không bị ảnh hưởng nhiều khi giá thức ăn tăng cao. Bản thân doanh nghiệp nhờ chủ động được giống, thức ăn nên kiểm soát được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh. Về nguồn vốn đầu tư để chủ động nguồn nguyên liệu, các công ty trong nước có thể bắt tay, hợp tác, liên kết, liên doanh với nhau để cùng làm và sẽ làm được.
Việc giảm chi phí đầu vào trong đó giảm chi phí thức ăn, sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp có thêm lợi nhuận để đầu tư, phát triển sản xuất. Theo đó, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước, mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu (Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ…), để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Với Bộ Tài chính, kiến nghị cần chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; đồng thời bố trí ngân sách ưu tiên và đơn giản hóa quy trình, thủ tục, để đảm bảo cho việc thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Thức ăn vi sinh thế hệ mới giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa dịch bệnh và lớn nhanh
Tôm nuôi được 2 tháng, tôm có hiện tượng bỏ ăn, chất thải của tôm có màu trắng trên nhá hoặc nổi trên mặt nước, dọc bờ ao. Có phải tôm bị bệnh phân trắng?
Các phương pháp sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản? Các loại hóa chất thường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và công dụng?