Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả tôm bị mềm vỏ sau mưa
Sau những đợt mưa kéo dài, tôm thường bị mềm vỏ. Tình trạng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị thương phẩm của tôm mà còn gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Nguyên nhân tôm bị mềm vỏ
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm bị mềm vỏ, tuy nhiên, vào mùa mưa bão, tôm bị mềm vỏ có thể do các nguyên nhân sau:
- Thay đổi đột ngột của môi trường nước: Khi trời mưa, lượng nước mưa đổ vào ao nuôi làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường như độ mặn, pH và nhiệt độ nước. Tôm là loài nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, đặc biệt là độ mặn và pH. Sự thay đổi này có thể làm tôm bị sốc, dẫn đến hiện tượng mềm vỏ.
- Thiếu canxi và khoáng chất: Mưa lớn kéo dài có thể làm loãng nước ao, giảm nồng độ các khoáng chất cần thiết như canxi, magiê – những yếu tố quan trọng giúp tôm lột xác và hình thành vỏ mới. Khi thiếu canxi, vỏ tôm trở nên mềm và không đủ cứng cáp để bảo vệ cơ thể.
- Ô nhiễm môi trường nước: Nước mưa có thể cuốn theo các chất bẩn, hóa chất từ ruộng đồng xung quanh chảy vào ao nuôi, gây ô nhiễm nước. Nước ô nhiễm không chỉ gây stress cho tôm mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng, gây ra tình trạng mềm vỏ.
Dấu hiệu tôm bị mềm vỏ sau mưa
Một số dấu hiệu để nhận biết tôm bị mềm vỏ như: vỏ tôm mềm, mỏng, kèm theo đó là màu sẫm, nhăn nheo và gồ ghề. Nhiều phụ bộ của tôm bị mòn và đứt. Tôm hoạt động yếu và có thể bắt gặp tình trạng chết rải rác trong ao,…
Xử lý
Khi phát hiện tôm bị mềm vỏ, cần thực hiện các giải pháp sau:
– Đo độ kiềm trong ao nuôi tôm, nếu độ kiềm trong ao < 120 mg CaCO/lit thì cần tạt vôi và Dolomite để tăng kiềm.
– Bổ sung khoáng canxi và phốt pho cho tôm, bao gồm cả tạt và trộn vào thức ăn.
– Sử dụng men vi sinh đường ruột bổ sung vào thức ăn khi cho tôm ăn để tôm hấp thu tối đa dưỡng chất.
– Đồng thời, bổ sung vi sinh xử lý nước để loại bỏ các chất ô nhiễm cũng như mầm bệnh có thể gây hại cho tôm. Cùng đó, kiểm tra khí độc và đánh vi sinh xử lý khí độc để khử và phòng ngừa khí độc xuất hiện trong ao, tránh hiện tượng tôm rớt cục thịt.
– Xi phông đáy ao để loại bỏ bùn bã ở dưới đáy và các chất ô nhiễm tầng đáy.
Phòng ngừa
Kiểm tra hệ thống ao nuôi: Gia cố bờ ao, cống thoát nước. Rải vôi quanh bờ để chống phèn trôi xuống ao làm thay đổi pH. Chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để khi gặp sự cố có thể xử lý liền.
Có kế hoạch điều tiết nước: Trước khi mưa lớn cần lấy đầy nước mặn vào trong ao. Trong khi mưa cần tránh các hoạt động xáo trộn tầng nước để hạn chế nước mưa ảnh hưởng đến tôm.
Thu tỉa: Đối với những ao nuôi gần đến kỳ thu hoạch thì nên thu tỉa một phần, thu tôm lớn trước khi mưa lũ về, còn những con chưa đủ kích cỡ thì đảm bảo môi trường và sức đề kháng để hạn chế nước mưa ảnh hưởng đến tôm, giúp tôm vượt qua biến động thời tiết. Cho tôm ăn thức ăn có đạm cao, bổ sung thêm Vitamin C, tinh chất tỏi để tăng đề kháng tôm.
Xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả: Đảm bảo rằng ao có hệ thống thoát nước hiệu quả để kiểm soát lượng nước đổ vào từ mưa. Hệ thống thoát nước cần được thiết kế để tránh ngập lụt và đảm bảo rằng lượng nước trong ao luôn ổn định.
Nuôi tôm trong nhà bạt: Nếu có điều kiện, người nuôi nên áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà bạt. Đây là mô hình nuôi tôm tiên tiến được áp dụng rộng rãi thay vì nuôi tôm trong ao như trước đây. Giải pháp này không những đơn giản mà còn đem lại hiệu quả cao, giúp tôm lớn nhanh, tránh được dịch bệnh, dễ kiểm soát và tăng hiệu quả kinh doanh rõ rệt. Bạt che ao để bảo vệ ao khỏi mưa trực tiếp. Bạt che có thể giúp giảm thiểu lượng nước mưa trực tiếp rơi vào ao và giữ cho chất lượng nước trong ao ổn định hơn.
Kiểm soát chất lượng nước: Thực hiện kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao để đảm bảo rằng các chỉ số như hàm lượng ôxy hòa tan, pH, amoniac, nitrit và nitrat đều trong mức cho phép. Điều này giúp giảm nguy cơ tác động tiêu cực từ nước mưa vào môi trường sống của tôm.
Vào mùa mưa, do mưa kéo dài nhiều ngày nên kiềm và pH thường xuyên bị kéo tụt, chính là điều kiện kích thích tôm lột xác mà không cứng vỏ được. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra để bảo đảm độ kiềm từ 120 – 150 ppm, lưu ý rằng trong mùa mưa hiện tượng độ kiềm tụt đột ngột là rất phổ biến, vì vậy, cần nâng độ kiềm cao hơn mức bình thường đề phòng độ kiềm bị giảm sâu. Sử dụng các loại vôi để nâng cao hệ đệm CO32-.Đồng thời sử dụng sản phẩm khoáng giúp nâng kiềm và cứng vỏ tôm.
Vận hành hệ thống lọc và tuần hoàn nước: Người nuôi cần đảm bảo hệ thống lọc và tuần hoàn nước trong ao hoạt động hiệu quả. Sử dụng bơm và hệ thống lọc để loại bỏ chất cặn và tăng cường khả năng tái tạo nước trong ao.
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý: Trong quá trình nuôi, cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho tôm, đặc biệt là trong thời gian tôm lột xác để giúp tôm nhanh hình thành lớp vỏ mới và cứng vỏ nhanh hơn. Tạm thời ngừng cho ăn trong giai đoạn mưa lũ. Đối với hình thức nuôi tôm trong nhà bạt vẫn cho ăn tuy nhiên, cần cắt giảm 30 – 50% lượng thức ăn so với bình thường.
Sau khi xảy ra mưa nhiều, cần xả bớt nước tầng mặt, giảm lượng nước trong ao, chạy quạt nước, sục khí để giảm sự phân tầng trong ao nuôi thâm canh, từ đó hạn chế nước mưa ảnh hưởng đến tôm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2023, toàn tỉnh có 1.856 hộ nuôi tôm công nghệ cao.
Trong quá trình khôi phục sản xuất thủy sản sau thiên tai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt để giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.
Trong bối cảnh bão lũ kéo dài, sức khỏe thủy sản nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, các loại tôm, cá, nhuyễn thể dễ mắc bệnh hơn do biến đổi môi trường.