Hợp tác để phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghệ cao
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2023, toàn tỉnh có 1.856 hộ nuôi tôm công nghệ cao, với 4.142 lượt ao, gần 1.100ha, hơn 07 tỷ con giống. Trong 08 tháng năm 2024, diện tích 1.801,9ha, gần 03 tỷ con giống. Tình hình nuôi thủy sản cơ bản được kiểm soát; sản lượng thủy sản đạt cao hơn cùng kỳ… đặc biệt, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tiếp tục tăng về diện tích và sản lượng.
Sản lượng thủy sản 08 tháng năm 2024 đạt 162.349 tấn, đạt 66,29% kế hoạch, tăng 4.400 tấn so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi 130.268 tấn, đạt 67,71% kế hoạch, khai thác 32.081 tấn, đạt 60,74% kế hoạch. Ngoài diện tích nuôi truyền thống, thì nuôi tôm công nghệ cao phát triển khả quan. Đặc biệt, hiện có 270 hộ, hơn 128ha được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi (Duyên Hải 151 hộ, 82,706ha; thị xã Duyên Hải 34 hộ, 22,588ha, Cầu Ngang 84 hộ, 22,436ha, Châu Thành 01 hộ, 0,31ha).
Nhìn lại quá trình phát triển ngành thủy sản của tỉnh, người dân bắt đầu nuôi tôm từ đầu năm 1990, thời gian đầu chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đến năm 2000, sau khi Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh cùng với sự ra đời của mạng lưới hậu cần dịch vụ như: giống, thức ăn, thuốc hóa chất, thu mua, chế biến… thì nuôi thâm canh tôm sú bắt đầu phát triển.
Qua gần 25 năm phát triển, với quyết tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân, đến nay nuôi tôm nước lợ đang phát triển theo xu thế chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều công trình điện, giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp, cải thiện, mạng lưới hậu cần dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu; các hình thức được cập nhật tiến bộ kỹ thuật; quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ kiểm soát đầu vào, đầu ra… nên diện tích, sản lượng và giá trị đều tăng từng năm, góp phần nâng thu nhập bình quân, đời sống kinh tế người dân nông thôn.
Riêng phong trào nuôi tôm công nghệ cao hình thành và phát triển từ năm 2017, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, diện tích 145ha, năng suất từ 35 – 40 tấn/ha/vụ. Đến năm 2023, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt 1.100ha, sản lượng 35.438 tấn, chiếm 39,4% so với sản lượng tôm nước lợ, chiếm 46,3% so với sản lượng tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt khoảng 45 – 60 tấn/ha/vụ (tăng 10 – 20 tấn/ha/vụ so với năm 2017) với những kết quả đạt được về năng suất, sản lượng cũng như kinh tế, nuôi tôm công nghệ cao ngày càng có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư… Hiện nay, hình thức nuôi chủ yếu tôm thẻ chân trắng thâm canh 02 – 03 giai đoạn kết hợp hầm biogas xử lý môi trường; siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trên bể nổi, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà kính.
Song song với những thuận lợi, hiện ngành tôm của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: hạ tầng giao thông, thủy lợi,… phục vụ nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào như chất lượng và giá giống, thức ăn thuốc, các chế phẩm chưa ổn định, quy hoạch diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh chưa đồng bộ. Môi trường nuôi một số nơi ô nhiễm, xuất hiện dịch bệnh khó xử lý. Công tác tổ chức liên kết sản xuất chậm phát triển, thiếu chặt chẽ; các dịch vụ hậu cần còn hạn chế, chi phí cao…
Với quyết tâm đưa ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản là mục tiêu, nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 23/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, hiện đại và bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”… trong 05 năm (2019 – 2023) về ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, có 23 hộ nuôi tôm được chứng nhận sản xuất tốt (VietGAP và tương đương) diện tích 07ha.
Hiện trên địa bàn tỉnh, thức ăn nuôi tôm chủ yếu được cung cấp từ các công ty ngoài tỉnh: CP, Grobest, GroMax, Long Thăng, Thăng Long, TongWei, UP, Tomboy, Hải Đại, Việt Hoa… khoảng 150 công ty thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học đang hoạt động và cung ứng đủ nhu cầu vật tư.
Nuôi tôm công nghệ cao, cần hợp tác để phát triển bền vững là mục tiêu mà tỉnh đang tập trung thực hiện, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản, nhằm đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 08-NQ/TU; hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông sản chủ lực của tỉnh, có sự tham gia hợp tác, liên kết của các thành phần kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập của người sản xuất; xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa của tỉnh.
Có thể thấy, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Tỉnh định hướng phát triển nuôi tôm thâm canh mật độ cao trong thời gian tới trên cơ sở phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND, ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh). Đến năm 2025, phát triển điện tích nuôi tôm nước lợ 34.249ha (siêu thâm canh 2.000ha), sản lượng đạt 171,88 nghìn tấn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Năm 2030, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 34,249ha (nuôi thâm canh mật độ cao đạt 3.617ha). Sản lượng ước đạt 286.330 tấn (siêu thâm canh 162.000 tấn). Năm 2050, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 36.620ha (trong đó, siêu thâm canh mật độ cao 6.323ha). Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 392.580 tấn (siêu thâm canh 280.000 tấn).
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu quan trọng, hiệu quả tương ứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mật độ cao, cần hợp tác để phát triển bền vững; tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng: khuyến khích doanh nghiệp quan tâm chế biến sâu, tận dụng tối đa công suất của nhà máy tạo các sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng, phù hợp với thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi tôm; liên doanh, liên kết để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào ngành tôm nước lợ của tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học… gắn với các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất. Phối hợp các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM đầu mối quan trọng về logistics, chế biến, xuất khẩu thủy sản phía Nam cũng như cả nước, nhưng vẫn đang thiếu một trung tâm thủy sản thực sự.
Người nuôi tôm Hà Tĩnh đang tăng cường áp dụng các biện pháp ổn định môi trường ao nuôi và tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh sau đợt mưa lớn vừa qua.
Nuôi cá đồng thay lúa vụ 3 cho hiệu quả kinh tế cao, Sóc Trăng định hướng phát triển nguồn lợi, liên kết chuỗi giá trị cá đồng ở các địa phương vùng trũng.