Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên lúa
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Cần Thơ vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ”.
Nông dân trao đổi kinh nghiệm phòng trừ rầy nâu, VL-LXL
Theo đánh giá của Cục BVTV, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) có thể gây hại rất lớn. Trong giai đoạn từ 2006 - 2008 đối tượng rầy nâu đã gây hại nghiêm trọng và phát tán thành dịch tại các tỉnh phía Nam. Thực tế, diện tích lúa giai đoạn này bị nhiễm rầy nâu lên tới 1,5 triệu ha và bị bệnh LXL trên 300.000ha. Chỉ tính riêng 5 năm, từ 2006 - 2010 ước có khoảng 37.800ha lúa phải tiêu hủy do bệnh VL-LXL, gây tổn thất trên 2 triệu tấn lúa.
Khoảng 10 năm qua, dịch rầy nâu và bệnh VL-LXL được kiểm soát tốt, liên tục bị đẩy lùi qua các vụ mùa. Tuy nhiên, trong vụ HT 2017 rầy nâu và bệnh VL-LXL tái phát, mật độ rầy nâu trên đồng tăng, có một số diện tích bị cháy cục bộ, mức độ phân bố bệnh VL-LXL khá rộng từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Đông Nam Bộ.
Tại Hậu Giang vụ lúa ĐX 2016 - 2017, chỉ có hơn 1.600ha lúa bị rầy nâu gây hại và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, vụ HT 2017, diện tích bị rầy nâu hoành hành tăng đột biến lên hơn 5.100ha. Đặc biệt, vụ TĐ 2017, tính đến thời điểm này, mặc dù chỉ mới xuống giống khoảng 23.900ha, nhưng đã có gần 6.300ha nhiễm rầy nâu, trong đó có 2.100ha mật số tập trung rất cao từ 3.000 - 14.000 con/m2.
Nông dân cần hết sức cảnh giác với rầy nâu vụ thu đông
Tại Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã ghi nhận khoảng 27.700ha lúa nhiễm rầy nâu (chiếm 26,4% diện tích gieo trồng). TP Cần Thơ cũng có ít nhất 3.300ha lúa bị nhiễm dịch hại, cao hơn 2.700ha so với cùng kỳ vụ HT 2016.
Tỉnh có “sở đoản” về cây lúa như Cà Mau, với hơn 35.000ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, năm 2016 cũng có hơn 3.800ha lúa nhiễm rầy nâu, bằng gần 50% diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nặng nhất vào năm 2007.
Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm KNQG cho biết, chỉ riêng vụ HT 2017 đã có hơn 300.000ha lúa nhiễm rầy nâu, trên 8.000ha lúa bị bệnh VL-LXL tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Dự báo vụ lúa TĐ này rầy nâu sẽ di trú với số lượng lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao nếu không kịp thời phòng tránh.
Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm KNQG phát biểu tại diễn đàn
Nói về giải pháp, ông Khởi cho rằng, cần xác định thời vụ xuống giống thích hợp trên cơ sở điều kiện của từng vùng từng địa phương. Phải dựa vào kết quả máy đèn để xác định rầy nâu trên đồng và tiến hành xuống giống. Chọn những giống chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL để đưa vào cơ cấu. Cần xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy. Đảm bảo vụ cách vụ từ 20 - 30 ngày, sạ thưa, đảm bảo mức từ 80 - 100 kg/ha. Điều tiết nước hợp lý, hạn chế bón đạm. Thường xuyên thăm đồng, khoanh vùng rầy nâu, nếu mật độ trên 2.000 con phải phun thuốc kịp thời, đồng loạt và tập trung cho cả vùng.
“Cơ quan chức năng các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời. Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về rầy nâu, bệnh VL-LXL giúp bà con nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh”, ông Khởi nói.
+ Nông dân Hà Văn Phơ ở phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, Cần Thơ: "Biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh rầy nâu là tuân thủ đúng lịch thời vụ cơ quan chức năng khuyến cáo, xuống giống đồng loạt.
Nhiều bà con thấy có rầy là mang thuốc hóa học phun trừ, diệt cả thiên địch mà chưa chắc đã diệt được đối tượng gây hại, làm tổn hại sức khỏe và môi trường. Khi nào cần xử lý thuốc nên dùng thuốc sinh học. Khi rầy về sớm, số lượng nhiều thì bơm nước vào ruộng cho ngập đọt lúa, đến đêm xả bớt dần để cây trồng không bị ngạt và rầy nâu sẽ tự đi".
+ TS Hồ Văn Chiến, nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam: "Rầy nâu là mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả. Ngoài việc trực tiếp gây bệnh chúng còn là đối tượng môi giới truyền bệnh siêu vi khuẩn.
Đặc biệt, chúng còn có khả năng sống trên chính những giống lúa kháng, dần thích nghi và làm giống kháng trở thành giống nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, rầy nâu sống chính ở phần thân và gốc của cây lúa nên giải pháp xịt thuốc không mang lại hiệu quả cao. Từ đó dịch hại do đối tượng này gây ra rất dễ bùng phát trên diện rộng. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là phòng bệnh, nên tận dụng thiên địch để trị".
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký công văn về việc phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL hại lúa gửi UBND các tỉnh thành phía Nam. Theo đó, các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan ban, ngành chuyên môn, cấp cơ sở thực hiện nghiêm các nội dung sau:
Chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Cử cán bộ kỹ thuật bám sát ruộng đồng, nắm chắc tình hình dịch hại rầy nâu, bệnh VL-LXL. Hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu hủy cây lúa bị bệnh.
Củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú; tiếp tục lấy mẫu rầy gửi các đơn vị chuyên môn phân tích xác định nguồn bệnh.
Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời tình hình diễn biến của bệnh VL-LXL và biện pháp phòng tránh đến người dân...
Có thể bạn quan tâm
Các Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho biết, từ sau vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017 đến nay lúa tăng giá ở mức cao.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước (Tiền Giang) trước đây vốn chỉ thích hợp với với những cây trồng truyền thống như khóm, khoai mỡ, tràm