Nguồn Cung Giảm, Giá Gia Cầm Tăng Mạnh

Sau nhiều tháng liên tục rớt giá, dịp này, giá gia cầm tăng cao, tiêu thụ thuận lợi. Nhiều chủ trang trại thấy tiếc vì không dự báo được thị trường đã giảm đàn quá nhiều hoặc bỏ trống chuồng trại.
Hoạt động mua bán gia cầm những ngày gần đây tại chợ Vôi (Lạng Giang) không còn sôi động do nguồn cung giảm.
Vừa mừng, vừa tiếc
Yên Thế là vùng chăn nuôi gà lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mấy tháng trước, gà giảm giá, khó tiêu thụ nên không ít hộ dân bán tống, bán tháo, thua lỗ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Từ tháng 5 trở lại đây, giá gà tăng trở lại, gà mía lai 65.000 - 70.000 đồng/kg, ri lai 75.000 - 80.000 đồng, cứ 1.000 con lãi 15-25 triệu đồng.
Theo ông Phạm Công Vân, Phó Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, thời điểm này toàn huyện có khoảng 3,6 triệu con gà, trong đó chỉ có hơn 800 nghìn con từ 2 tháng đến hơn 3 tháng tuổi, còn lại là dưới 1 tháng và 1-2 tháng. Người dân giờ mới tập trung tái đàn nên lượng gà thương phẩm đến kỳ xuất chuồng hiện không nhiều. Dự kiến, 2-3 tháng nữa nguồn cung mới tăng trở lại.
Khảo sát tại xã Đồng Tâm (Yên Thế) được biết, thời điểm này, tổng đàn gà toàn xã khoảng 70 nghìn con, giảm vài chục nghìn con so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Đỗ Danh Hải, thôn Đề Thám cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thường nuôi 5 nghìn con gà/lứa nhưng đầu năm nay thua lỗ nên giờ chỉ nuôi 3 nghìn con/lứa. Thời điểm này, đàn gà chưa đến lứa xuất chuồng, tôi không có hàng để bán dù giá tăng mạnh”.
Gia đình ông Phạm Đăng Nguyên, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp (Yên Thế) cũng đang tái đàn gà để mong bù lỗ mấy chục triệu đồng vào dịp đầu năm. Ông Nguyên chia sẻ: "Mấy tháng trước, nhà tôi có 2-3 nghìn con gà đến kỳ xuất chuồng, trầy trật mãi mới bán được. Nay ngày nào cũng có người đến tận nhà hỏi mua song đàn gà mới được 2 tháng nên tôi chưa bán”.
Tại các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, thời gian qua do giá gà xuống thấp nên nhiều hộ thu hẹp quy mô chăn nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng. Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Sơn 4, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: "Cuối năm ngoái, gia đình tôi nuôi 1.000 con gà thịt, lỗ khá nhiều. Nay giá gà tăng nhưng tôi vẫn không dám nuôi nhiều vì sợ đến khi xuất chuồng lại rớt giá”.
Tại một số chợ trên địa bàn TP Bắc Giang, nguồn cung gà dịp này giảm mạnh. Chị Mã Kim Hoa, kinh doanh tại chợ Hà Vị phản ánh: "Dịp trước, gà rẻ, mỗi ngày tôi dễ dàng mua buôn vài chục con gà ngon để sau đó bán lẻ. Thế nhưng, những ngày này, tôi đi 3-4 nơi mới mua được 3-5 con, giá 130 nghìn đồng/kg. Có khách hàng đặt mua nhiều cũng đành từ chối vì gom gà rất khó”.
Tái đàn hợp lý, bảo đảm nguồn cung
Nguồn cung gia cầm khan hiếm là do lâu nay người dân có thói quen chăn nuôi theo phong trào, được giá thì đua nhau vào đàn còn rớt giá lại giảm đàn quá mạnh. Nhiều hộ giảm tới 70-80% tổng đàn hoặc bỏ trống chuồng. Với giá gà như hiện nay, hộ nào duy trì thường xuyên, có gà bán thì trúng đậm, ngược lại hộ nào bỏ trống chuồng thì tiếc ngẩn ngơ.
Thị trường tiêu thụ gia cầm phục hồi, một số chủ trang trại cho biết đã "gỡ” lại số vốn thua lỗ từ đầu năm. Để tạo sức bật cho các hộ chăn nuôi tái đàn trở lại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, UBND huyện Yên Thế đang thực hiện Đề án chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAHP.
Theo đó, Đề án triển khai ở ba xã có tổng đàn gà lớn là: Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng. Riêng năm nay, UBND huyện đầu tư 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hỗ trợ 100 hộ mua gà giống ri lai và mía lai từ Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thuỵ Phương; thuốc thú y, hoá chất, men vi sinh để tiêu độc khử trùng và phòng bệnh. Một số hộ được hỗ trợ lò ấp và nuôi gà bố mẹ nhân giống. Ngoài ra, các hộ tham gia đề án còn được tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Để phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định, hạn chế thiệt hại về kinh tế, các hộ không nên nuôi gà ồ ạt mà cần liên kết sản xuất, trao đổi thông tin gắn với bao tiêu sản phẩm”.
Hiện nay, rút kinh nghiệm từ thực tế, một số hộ dân nuôi gà có kinh nghiệm đã thường xuyên duy trì chăn nuôi, tìm hiểu quy luật thị trường để giảm đàn vào những lúc nguồn cung dồi dào, tăng đàn hợp lý vào những lúc nhu cầu tiêu thụ cao.
"Do giá cả thị trường lên xuống thất thường nên tôi thường nuôi gối lứa. để lứa nọ bù lứa kia nếu không may bị thua lỗ. Cuối năm ngoái, nhà tôi lỗ vài chục triệu đồng nhưng vừa rồi bán lứa gà đã bù lại được" - Bà Thân Thị Nhiên, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế).
Có thể bạn quan tâm

“Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của hệ thống nuôi có trách nhiệm với tác động tối thiểu đến môi trường và xã hội. Với chứng nhận ASC, chúng tôi sẽ có thể chứng minh cho khách hàng của mình thấy trại nuôi của chúng tôi được quản lý một cách có trách nhiệm. Chứng nhận ASC mang lại những cơ hội mới.”- theo ông Ngô Quốc Tuấn, phó chủ tịch Quốc Việt.

Gia đình anh Phương có 4 người, gồm vợ chồng anh, con và mẹ già. Tuy ở phường nhưng đất của anh Phương cũng chỉ là đất nông nghiệp cằn cỗi không trồng được cây gì cho ra hồn. Tổng cộng anh có 1.600m2 đất, gồm nhà ở, vườn tạp, ao cá… Còn lại 320m2 anh làm chuồng nuôi heo.

Ngày 23/10, tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đến dự có ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia và hơn 350 đại biểu là cán bộ nông nghiệp, bà con nông dân của 13 tỉnh ĐBSCL.

Vợ chồng đều là viên chức nhà nước, nhưng gia đình anh Trương Công Định ở tổ 7, khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú - Bình Phước) lại thành công với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Giá bán chim giống 500 ngàn đồng/cặp, chim thịt 100 ngàn đồng/cặp, trừ chi phí gia đình anh Định thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Trước tình hình đó, những ngày qua, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống, khoanh vùng không để bệnh lây lan ra diện rộng.