Người trồng sắn thiệt hại nặng vì rệp sáp bột hồng
Lây lan nhanh
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại trên 152ha sắn, tỉ lệ hại từ 0,1 đến 90% cây, giai đoạn cây con - phát triển thân lá. Trong đó, các huyện Đồng Xuân bị gây hại 66ha, Sông Hinh 63ha, Tuy An 4,5ha, Phú Hòa 2,5ha, Tây Hòa 3ha, Sơn Hòa 7,9ha, TX Sông Cầu 5ha...
Trước đó, đầu tháng 5, rệp sáp bột hồng gây hại 60ha sắn tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An và TX Sông Cầu, nay lây lan ra các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Sơn Hòa. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết 152ha sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại là diện tích nông dân trồng gần đường, cán bộ ngành Nông nghiệp đi khảo sát phát hiện được. Đối với diện tích nông dân trồng trong vùng hẻo lánh thì chưa thống kê được. Điều đáng lo là năm nay rệp sáp bột hồng xuất hiện vào thời điểm sắn còn non và vào mùa nắng, nên khả năng lây lan nhanh.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, đầu tháng 3 vừa qua, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại 0,8ha sắn ở các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh. Đến nay, rệp sáp bột hồng lây lan gây hại 66ha ở các vùng trồng sắn của xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2. Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm ngoái, tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại cuối tháng 9; lúc đó đang bước vào mùa mưa, mà đặc điểm của rệp sáp bột hồng là mùa mưa chúng tự chết. Còn hiện nay, chúng xuất hiện đầu mùa nắng nên khả năng lây lan nhanh. Hơn nữa, năm ngoái thời điểm đó, sắn đã cho củ, còn năm nay sắn non nên khả năng mất trắng năng suất rất lớn.
Còn tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu, năm nay lần đầu tiên người dân “chứng kiến” rệp sáp bột hồng gây hại sắn. Tại vùng trồng sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cây sắn trồng 3 tháng tuổi nhưng cao không quá 3 gang tay người lớn.
Thiệt hại tiền tỉ
Dọc theo tuyến đường qua các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Bar, Ea Bá (huyện Sông Hinh), nhiều diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại còi cọc, chậm phát triển. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, hiện rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết các vùng trồng sắn trong huyện.
Còn tại xã An Hải (huyện Tuy An), đây là năm thứ hai người trồng sắn thiệt hại do rệp sáp bột hồng gây hại. Ông Biện Văn Xuân ở xã An Hải, trồng 5 sào sắn đều bị rệp sáp bột hồng làm cho còi cọc, kém phát triển nên phải tiêu hủy hết số diện tích. “Sắn tôi trồng vùng gò đồi gần nhà, hai năm liền sắn bị nhổ, đốt và tiêu hủy toàn bộ nên tôi phủi tay, thiệt hại không sao kể hết”, ông Xuân nói.
Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, nếu sắn phát triển bình thường đến vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi 20 đến 25 triệu đồng/ha. Như vậy với số diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại với trên 152ha, người trồng sắn bị thiệt hại hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung, cho biết: Nông dân khi làm đất trồng sắn cần phải triệt để tàn dư cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trồng sắn với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn phát triển khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu rệp, đồng thời luân canh cây sắn với các cây trồng khác như đậu, lúa nước… để giảm nguy cơ xuất hiện rệp sáp bột hồng. Cũng theo ông Hạ, khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, địa phương cần vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng làm giống trong vụ trồng mới.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 21-2, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2013-2014 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các Trung tâm giống, một số công ty chuyên cung ứng giống, cùng nông dân các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất giống lúa ở vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ…
Sinh năm 1976, tại thôn Đồng Ý, trong một gia đình có đông anh em, sau khi học xong phổ thông, Nguyễn Văn Hào ở nhà phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Năm 1999 anh lập gia đình, được bố mẹ cho một mảnh đất, hai vợ chồng anh xin ra ở riêng.
Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, từ vị trí thứ 6 năm 2009 lên vị trí thứ 4 năm 2013. Dẫu vậy, đây không hẳn là tín hiệu vui.
Thêm một sản phẩm trong loạt 7 chủng loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang là sầu riêng Ngũ Hiệp vừa được Ban quản lý dự án QSEAP tỉnh này trao chứng nhận VietGAP.
Ngày 24-3, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (BCĐ NTM) tổ chức sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ ngành và 19 tỉnh thành trong 3 khu vực tham dự hội nghị.