Người Trồng Mía Năm Nay Thấy Đắng Vì Các Chi Phí Đầu Tư Tăng Cao, Trong Khi Năng Suất, Giá Mía Thu Mua Lại Thấp

Niên vụ mía 2013 - 2014, tại Khánh Hòa đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch rộ. Song người trồng mía năm nay thấy "đắng" vì các chi phí đầu tư tăng cao, trong khi năng suất, giá mía thu mua lại thấp nên không có lãi mấy.
Chúng tôi về xã Ninh Tân, một trong những địa phương trồng mía lớn nhất TX Ninh Hòa, với diện tích lên đến hàng ngàn ha. Cũng như các địa phương trồng mía khác, những ngày này bà con nơi đây đã bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Nông dân Nguyễn Hùng Vân ở thôn Bắc, một người trồng mía nơi đây than vãn:
"Vụ mía năm ngoái gia đình tôi thu hoạch đạt năng suất trên 50 tấn/ha, với chữ đường trung bình 10 CCS, bán với giá 920 ngàn đ/tấn, sau khi trừ tất cả chi phí tôi lãi từ 18 - 20 triệu đ/ha. Còn vụ mía năm nay tôi thấy "đắng" lắm. 6 ha mía thu được gần 300 tấn, còn chữ đường chỉ đạt 9 CCS, bán với giá chỉ có 860 ngàn đ/tấn, sau khi trừ tất cả chi phí chỉ lãi 10 - 12 triệu đ/ha”.
Ông Vân còn cho biết, trồng mía 1 năm trời mà thu được chừng ấy thì quá thấp. Thế nhưng người trồng mía năm nay đều nhận thấy một nghịch lý là, các chi phí như phân bón, giống, công lao động… đều tăng cao.
Vậy mà giá mía nguyên liệu hiện nay lại thấp, thêm vào đó cây mía năm nay chữ đường đạt thấp, do thời tiết nắng nóng kéo dài gây bất lợi cho cây mía phát triển, tích tụ đường. Mặc dù hiện gia đình ông Vân còn 4 ha mía nữa chuẩn bị thu hoạch, thế nhưng ông cũng khẳng định khó có thể đạt với mức chữ đường như mong muốn, vì đây là những đám mía đã ăn 2 vụ, trồng trên sườn đồi.
Tương tự, gia đình anh Cao Văn Thắng ở thôn Trung hiện cũng đang gấp rút thu hoạch ruộng mía nhà mình đang thời kỳ chín tới. Anh Thắng cho biết, gia đình anh có tất cả 6 ha mía, đây là nguồn thu nhập chính hằng năm của gia đình. Nhờ cây mía mà những năm qua gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên những năm gần đây, việc trồng mía thu nhập giảm sút dần: Nếu như niên vụ 2011 - 2012, anh thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng/ha thì đến niên vụ 2012 - 2013 con số này chỉ còn khoảng 14-15 triệu đồng/ha. Còn vụ mía năm nay anh chỉ thu được từ 10 - 12 triệu đ/ha.
“Sở dĩ thu nhập trồng mía gia đình tôi giảm là do các chi phí đầu tư mỗi năm đều tăng cao, trong khi sản lượng, chữ đường, giá mía nguyên liệu lại giảm đi. Cụ thể, như vụ mía năm nay để đầu tư trồng 1 ha mía tơ anh phải mất khoảng 45 triệu đồng; còn mía gốc là 20 triệu đồng. Nhưng với giá mía nguyên liệu hiện nay chỉ 900 ngàn đ/tấn (10 CCS), mà năng suất mía nhà anh chỉ đạt khoảng 48 tấn/ha, chữ đường 9 CCS, thì làm sao có lãi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân: Toàn xã có 1.630 ha mía. Hiện bà con đã thu hoạch khoảng 30% diện tích. Với giá thu mua hiện nay, những hộ trồng mía gốc có thể hòa vốn hoặc có lãi ít, còn những hộ trồng mía tơ nếu năng suất chỉ đạt 50 tấn/ha thì sẽ thua lỗ trên dưới 10 triệu đ/ha. Nguyên nhân là vụ mía năm nay năng suất, chất lượng mía đều giảm so với mọi năm. Mặt khác, vụ mía năm nay bà con còn đối mặt với việc khan hiếm nhân công chặt mía. Hiện giá nhân công chặt mía từ 1.200 - 1.500 đ/bó tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.
Còn tại xã Ninh Sim, nhiều nông dân trồng mía đều lắc đầu buồn bã khi được hỏi về chuyện thu hoạch mía. Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Tuấn ở thôn Nông Trường thở dài ngao ngán: “Gia đình tôi có 4 ha mía. mía bị nhiễm sâu bệnh, cộng với thời tiết không thuận lợi nên năng suất mía chỉ đạt khoảng 47 tấn/ha, chữ đường 8 CCS, bán với giá 720 ngàn đ/tấn. Sau khi trừ chi phí, chỉ lãi khoảng 4 - 5 triệu đ/ha mía lưu gốc.
Bà Phan Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim cho biết, đúng là 2 niên vụ gần đây, hiệu quả từ cây mía mang lại thấp, khiến nhiều người trồng mía không còn mặn mà với cây mía. Nhiều người trồng mía đang mong muốn chuyển đổi cây trồng, nhưng không biết trồng cây gì cho phù hợp. Một số bà con sau khi thu hoạch mía xong đã chuyển sang trồng cây thuốc lá. Đây là loại cây trồng trước kia đã từng mang lại hiệu quả.
Tại huyện Cam Lâm, hiện các đồng mía ở các xã Cam Hiệp Nam, Cam hiệp Bắc, Cam Phước Tây…, bà con đang đồng loạt thu hoạch mía. Tuy nhiên theo nhiều bà con, năng suất, chữ đường cũng không cao, giá thu mua giảm nên người trồng mía chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.

Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) liên kết với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đề tài xây dựng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản vùng 6; Trường Đại học Cần Thơ cùng một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100 nông dân ở 5 xã cù lao và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ thuốc, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Thế nhưng, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Dịch bệnh cứ tái đi, tái lại làm cho nhà vườn bất an, thậm chí có nơi đã nản lòng và quyết định đốn bỏ đến gần 50% diện tích.

Tại các nhà vườn TX.Long Khánh, Xuân Lộc và Thống Nhất (Đồng Nai), giá chôm chôm hiện đã giảm từ 2-6 ngàn đồng/kg so với những ngày đầu tháng 6-2014. Cụ thể, giá chôm chôm thường bán tại vườn hiện chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg (giảm 2-3 ngàn đồng); chôm chôm giống Thái Lan và chôm chôm nhãn chỉ còn 10-12 ngàn đồng/kg (giảm 5-6 ngàn đồng/kg).