Dầu Tiếng (Bình Dương) Nỗ Lực Đưa Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Ổn Định
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.
Phát huy thế mạnh
Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chăn nuôi chuyển dịch khá nhanh, tương ứng từ 1,77% năm 2005 lên 13,89% năm 2013. Với hình thức tổ chức chăn nuôi chủ yếu là trang trại hoặc hộ gia đình với quy mô vừa và lớn chiếm từ 70 - 80% tổng đàn là tiền đề vững chắc để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, Dầu Tiếng đã xây dựng mới 12 trang trại chăn nuôi gà quy mô 107.000 con và 8 trang trại chăn nuôi heo quy mô 9.850 con. Lũy kế đến nay toàn huyện có 74 trại nuôi gà với tổng đàn trên 590.000 con và 70 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn gần 77.970 con.
Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết bên cạnh việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2012-2015 và thực hiện Quy hoạch chăn nuôi đến năm 2020 của UBND tỉnh, huyện Dầu Tiếng đã hoàn thành lập Quy hoạch chi tiết chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến và xử lý môi trường huyện đến năm 2020. Thực hiện quy hoạch này, huyện sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Đưa tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi
Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào ngành chăn nuôi đã được các ngành, các cấp của huyện Dầu Tiếng hết sức quan tâm và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Cụ thể như các mô hình nuôi heo nhiều nạc, gia cầm siêu thịt, cải tạo đàn bò sữa, trồng cỏ cao sản… đã được nông dân mạnh dạn thực hiện.
Bên cạnh đó, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ từ con giống, chuồng trại, thức ăn, thú y và xử lý chất thải chăn nuôi với trang thiết bị hiện đại, quy mô lớn. Đặc biệt, chủ các trại nuôi gia công đã thiết kế chuồng nuôi kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ, giảm thiểu dịch bệnh và cho năng suất cao.
Ông Tống Văn Hướng, chủ trang trại nuôi gà lạnh ở xã Minh Hòa, cho biết nuôi gà lạnh chiếm ưu thế hơn so với nuôi gà thường. Trước đây (năm 2004) ông đã nuôi gà thường, nhưng do làm trại hở nên 4 năm sau 4 trại gà của gia đình với 16.000 con bị chết sạch. Từ khi nuôi gà lạnh với công nghệ cao, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn đã giúp ông giảm nhiều khoản chi phí. Hiện ông đang nuôi gà lạnh trên diện tích 6 ha.
“Nuôi gà lạnh dịch bệnh được giảm tối đa do mô hình khép kín; bên cạnh đó việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào bảo đảm nên rất tạo thuận lợi trong quá trình nuôi, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình hàng năm”, ông Hướng nhận xét.
Hình thức chăn nuôi trang trại đang phát triển nhanh ở huyện Dầu Tiếng. Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, khẳng định chăn nuôi ngày càng có vị trí quan trọng trong nông nghiệp cũng như nền kinh tế của huyện, góp phần mang lại thành công của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện; đồng thời tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống sản xuất cũng góp phần quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện, chính quyền xã Bản Liền và Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bắc Hà đã giải quyết xong tình trạng tư thương thu mua chè vàng tại xã Bản Liền.
Ông Đinh Công Thủ, GĐ HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cho biết: Mỗi năm HTX cung cấp 500.000 con ba ba và 5000 cua đinh giống, hàng trăm tấn sản phẩm cho thị trường khắp các tỉnh thành trên cả nước nhưng số lượng không đủ đáp ứng.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bươn chải nơi “đất khách quê người”, năm 2013 chị Bùi Thị Thu Nguyệt (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) quyết về quê hương lập nghiệp bằng việc nuôi gà ta thả vườn theo cách mới.
Tiếp tục với phương châm tạo lập giá trị chung cho cộng đồng mà FrieslandCampina Việt Nam đã thực hiện trong suốt 18 năm qua, công ty đã trao tặng 60 con bò giống (trị giá 600 triệu đồng) cho dự án “Ngân hàng Bò” – Dự án giúp người dân thoát nghèo do Trung Ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam sáng lập.
Qua nhiều năm trồng các loại cây như cao su, điều… anh Mai Ngọc Thủy ở xã Long Bình (Bù Gia Mập) quyết định chuyển sang trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu ở Bình Phước rất ít người trồng được. Sau 2 năm gầy dựng anh Thủy sở hữu trang trại trồng nấm linh chi thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.