Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Lúa Ở Hậu Giang Gặp Khó

Người Trồng Lúa Ở Hậu Giang Gặp Khó
Ngày đăng: 28/09/2014

Với tình hình thời tiết bất lợi do mưa nhiều trong những ngày qua và kết hợp với triều cường dâng cao đã làm cho không ít diện tích lúa Thu đông của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn thu hoạch bị ngập sâu, đổ ngã. Từ đó, làm cho công tác thu hoạch gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá, đầu ra hạt lúa thêm bấp bênh.

Hiện tại, nông dân ở các địa phương như huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, TP.Vị Thanh,… đang bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm vụ lúa Thu đông.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị tâm lý là cắt lúa trong thời điểm này thường bị mưa nhiều, lúa bị đổ ngã làm chi phí tăng và bị thương lái ép giá khi thu hoạch là điều khó tránh khỏi. Bà Lê Thị Ánh Huyền, ở ấp Vĩnh Hiếu, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “Mới tuần trước, thương lái đặt cọc 7 công lúa của tôi với giá 4.750 đồng/kg (giống OM 4218), chưa kịp hết mừng thì bị dính mấy trận mưa liên tiếp làm cho lúa bị sập và phải nằm nước mấy ngày liền.

Thấy lúa vậy, gia đình lo sợ thương lái ép giá nhưng vẫn không khỏi. Bởi, đến ngày thu hoạch, thương lái đã hạ giá thu mua xuống còn có 3.200 đồng/kg, không đồng ý với giá này nên đành đem lúa về phơi để trữ lại chờ giá lên, vì nếu bán sẽ không có lợi nhuận, thậm chí còn bị lỗ vốn đầu tư”.

Theo bà con nông dân, những ngày qua, có thời điểm nhiều ngày liền, khi mặt trời mới xuất hiện và máy cắt chưa kịp xuống ruộng thì mưa đã dồn dập đến. Nóng ruột khi thấy lúa mình bị đổ ngã và quá ngày thu hoạch nên không ít hộ đành chạy tìm người thu hoạch bằng tay thay cho máy gặt đập liên hợp, từ đó, dẫn đến chi phí thu hoạch tăng cao.

Nếu thu hoạch bằng máy cắt, giá chỉ dao động từ 300.000 - 320.000 đồng/công; còn thu hoạch bằng thủ công thì giá lên đến khoảng 800.000 đồng/công, bao gồm: tiền cắt, trâu kéo, máy suốt. Ngoài việc phải thuê giá công cắt cao, những hộ thu hoạch lúa bằng tay còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Hiện tại, đa phần thương lái chỉ mua lúa thu hoạch bằng máy, với giá dao động từ 4.400 - 4.500 đồng/kg (giống IR 50404) và 4.700 - 4.900 đồng/kg (lúa hạt dài); còn lúa cắt tay thì thương lái hầu như không mua, nếu có cũng chỉ 3.500 - 3.800 đồng/kg.

Do giá bán thấp nên có không ít hộ chọn giải pháp đem lúa về sấy hoặc phơi để trữ lại chờ giá lên. Tuy nhiên, công việc này cũng gặp nhiều trở ngại, vì các lò sấy lúa hiện nay đều quá tải, nếu không đặt trước thì phải nằm chờ vài ngày, lúa sẽ bị ẩm vàng, rất khó bán.

Trường hợp đem về phơi thì cũng không mấy khả quan vì thời tiết nắng, mưa thất thường, đó là chưa kể đến những hộ không có điều kiện sân bãi.

Đang cào lúa ra phơi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở phường V, TP.Vị Thanh, chia sẻ: “Tranh thủ chút nắng lên, tôi đem lúa ra phơi để kịp chạy mộng. Không phải gia đình có điều kiện dư dả mà do giá lúa cắt tay quá thấp nên đành đem về phơi để trữ lại chờ giá lên chút nào đỡ chút đó, mặc dù vẫn còn nhiều khoản chi phí đang chờ thanh toán”.

Trước tình hình thu hoạch lúa trong điều kiện khó khăn về thời tiết, triều cường dâng, thương lái ép giá,… ngành chức năng khuyến cáo người dân không vội vàng bán lúa ở thời điểm này để tránh bị ép giá, giảm lợi nhuận. Đặc biệt, những hộ thu hoạch lúa bằng tay, nếu thật sự cần thiết thì bán một ít để trả tiền vật tư nông nghiệp, còn lại nên sấy hoặc phơi khô trữ lại.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn mà nông dân gặp phải là phần lớn lúa bán ra phải thông qua thương lái, nông dân không có điều kiện, phương tiện bán trực tiếp với nhà máy, doanh nghiệp.

Trong khi đó, gần đây thương lái không chịu mua lúa khô nên sản lượng lúa khô trữ lại từ vụ trước cũng khó bán. Theo các thương lái, họ thích mua lúa tươi về tự phơi, sấy theo ý thích, hơn nữa lúa tươi mua giá thấp, cho lợi nhuận cao hơn lúa khô.

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên có nhiều diện tích lúa Thu đông trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, nhưng tỷ lệ thiệt hại không lớn nên các địa phương không có báo cáo lên ngành chức năng.

Tuy nhiên, hiện bà con chỉ mới vào đầu vụ thu hoạch (khoảng 10.000/50.000ha), dự kiến vào trung tuần tháng 10 tới sẽ thu hoạch rộ và đây cũng là thời điểm của đỉnh lũ năm nay. Do đó, các địa phương, nhất là những khu vực chưa có đê bao khép kín cần có những kế hoạch ứng phó ngay từ đầu nhằm giảm thiệt hại cho người dân…


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ mô hình trồng chuối già cấy mô Hiệu quả từ mô hình trồng chuối già cấy mô

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2014, Hội Nông dân (HND) xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trồng chuối già cấy mô. Qua gần 1 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.

17/04/2015
Nắng hạn, cây ăn trái rụng lá, khô bông Nắng hạn, cây ăn trái rụng lá, khô bông

Từ đầu tháng 3 đến nay nắng hạn đến sớm khiến đất trong các nhà vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước. Theo nhận định của bà con nông dân, nắng hạn sẽ làm cho nhà vườn giảm năng suất trái cây mùa hè này và ảnh hưởng đến năng suất một số cây công nghiệp cho thu hoạch trong mùa khô.

17/04/2015
Giàu lên nhờ trồng cam Giàu lên nhờ trồng cam

Những giống cam nổi tiếng xứ Bắc như: cam sành Bố Hạ, cam Đường Canh, quýt vàng Lạng Sơn… đã đem về quả ngọt cho người dân Sơn Lang khi chỉ với hơn 600 gốc cam, mỗi năm đem về cho chủ nhân bạc tỷ.

17/04/2015
Kiếm 1 tỷ/ngày từ phân bò Kiếm 1 tỷ/ngày từ phân bò

Với 300.000 con bò thịt và bò sữa, theo tính toán, “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò.

17/04/2015
Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng FITES đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” tại huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Khuyến nông trung ương năm 2014.

18/04/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.