Thoát nghèo nhờ biết trồng thâm canh chuối tiêu hồng
Từ trước đến nay hộ dân các xã đồng bào dân tộc huyện Đakrông dọc quốc lộ 14 trồng chuối theo hình thức tự phát, không theo một quy trình nào, trồng với mật độ khá dày khoảng 4.000 - 5.000 cây/ha, phương thức canh tác chủ yếu “nhờ trời”, năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng với diện tích 1 ha (2.200 cây) tại gia đình ông Hồ Văn Tia người đồng bào dân tộc Pa cô, ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện Đakrông. Đây là đề tài khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”. Sau 2 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt kinh tế lẫn xã hội.
Ông Hồ Tất Huấn - Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị khẳng định: “Qua quá trình triển khai chính quyền địa phương nhận thấy chuối tiêu hồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền núi phía tây Quảng Trị nói chung và xã A Ngo nói riêng. Hộ gia đình triển khai mô hình đã thoát nghèo và có thể khẳng định rằng thoát nghèo một cách bền vững để tiến tới hộ khá, hộ giàu của xã” ông Huấn nói.
Để đảm bảo độ đồng nhất và chất lượng, đề tài sử dụng giống theo phương pháp nuôi cấy mô. Giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô khi trồng đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn 10 TCN 530:2002, chiều cao 25-35cm, đường kính thân 10-15mm, 4-7 lá thật. Kỹ sư Lê Thị Tú - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, chủ nhiệm Đề tài cho biết, đề tài được bố trí thí nghiệm các công thức về mật độ 2000 - 2500- 2778 cây/ha (tương ứng khoảng cách trồng 2,5m x 2m; 2m x 2m; 1,8m x 2m) và 3 công thức phân bón khác nhau để theo dõi. Các công đoạn chăm sóc sau trồng như bón phân, tỉa chồi, bẻ bắp, bao buồng, phòng trừ sâu bệnh được cán bộ kỹ thuật tận tay hướng dẫn hộ thực hiện.
Quá trình triển khai cho thấy, giống chuối nuôi cấy mô cây đồng đều, sạch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, sau 11-13 tháng trồng là cho thu hoạch. Kết quả sản phẩm sản phẩm chuối tại mô hình đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Test mẫu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (quả chuối chín) các chỉ tiêu như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng như: chì Pd, Cadimi Cd, các vi sinh vật Ecoli, Salmonella đều ở mức an toàn.
Anh Hồ Văn Tia, chủ mô hình cho biết, từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023, gia đình anh tiến hành thu hoạch chuối theo các lô thiết kế mật độ khác nhau. Năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha, trọng lượng buồng trung bình 20 kg/buồng. Trong đó công thức đạt năng suất cao nhất là 43,5 tấn/ha ở mật độ 2.000 cây/ha, (2,5m x 2m) và lượng phân bón 240N:65P:480K; thấp nhất là 35 tấn/ha ở công thức 2.778 cây/ha.
“Trước đây gia đình tôi cũng trồng chuối bản địa, do không biết chăm sóc chuối lùn không phát triển. Khu vườn này chỉ trồng một ít đất còn lại bỏ hoang, bữa nay có khuyến nông đầu tư trồng chuối thì thấy chuối đẹp, nải tốt, buồng dài. Giá bán 3.000 – 4.000 đồng/kg, tương đương 100.000 đồng/buồng thu mua tại vườn, lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha. Tôi vui và mừng lắm, xung quanh đây ai cũng đến hỏi, muốn về làm theo tôi”, anh Tia vui vẻ nói.
Sang vụ thứ 2 năm nay, cây chuối tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt đối với công thức mật độ 2000 cây/ha (2,5m x 2m), chiều cao cây từ 2,2-2,9 m, số lá: 7-11 lá, buồng chuối sai nải hơn, từ 8-11 nải, số quả/nải: 120-130 quả/nải. Về cơ bản, chuối không có đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm. Chỉ xuất hiện bệnh đốm lá nhẹ và đã được phòng trị tốt. Hiện nay, hộ dân bắt đầu thu hoạch chuối với năng suất dự kiến cao hơn vụ thứ nhất.
Trong quá trình triển khai đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tiến hành lấy cây chuối làm vật liệu đầu dòng cho công tác nuôi cấy mô. Cây được chọn lấy mẫu là những chồi con có chiều cao không quá 1m, cây khỏe, không bị sâu bệnh. Đây là cơ sở để tiến tới sản xuất giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về giống cho nông dân trong và ngoài địa bàn huyện Đakrông.
Ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cho biết “Qua kiểm tra có thể khẳng định rằng mô hình chuối tiêu hồng ở xã A Ngo rất thành công, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trong thời gian tới Sở Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỗ trợ nhân rộng mô hình này”.
Việc triển khai mô hình trên cơ sở tác động đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó yếu tố quan trọng là phân bón, mật độ trồng, từ đó từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối trên địa bàn huyện.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị - ông Trần Cẩn cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo nhóm cán bộ thực hiện đề tài bám sát triển khai theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu về sinh trưởng, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất theo đúng quy trình kỹ thuật, nội dung và thuyết minh đề tài đề ra. Từ đó, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh để nhân ra diện rộng.
Ông Trần Cẩn cho biết thêm, từ kết quả đề tài khoa học, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng và chuyển giao mô hình trồng chuối lùn bản địa bằng giống nuôi cấy mô với quy mô 3 ha, có 6 hộ tham gia, là đồng bào dân tộc Pa cô. Trong kế hoạch năm 2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ nhân rộng ra 6 ha cho 7 xã dọc quốc lộ 14, từ đó từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối trên địa bàn huyện, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp thu mua và chế biến.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng triển khai mô hình “Trồng cỏ giống mới (Pakchong) và chế biến thức ăn thô xanh.
Cải tiến thành công mô hình nuôi lươn không giá thể trong bể xi măng bằng công nghệ nước xả tràn, anh Trần Tấn Giang.
Trong những năm gần đây lĩnh vực Chăn nuôi, Thủy sản đã có những sự chuyển dịch đáng kể về quy mô cũng như các đối tượng nuôi.