Người Trồng Lạc Giỏi Ở Thôn Quật Xá (Quảng Trị)
Bà con thôn Quật Xá, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) thường gọi ông Trần Văn Lương (65 tuổi) bằng cái tên trìu mến “Vua trồng lạc”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương. Tuy đang bận bịu với vụ mùa nhưng ông vẫn dành thời gian say sưa kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây lạc đạt năng suất, chất lượng cao. Một quy trình bài bản từ làm đất, chọn giống, bón phân cho đến chăm sóc lạc thời kỳ sinh trưởng, thu hoạch… ông đều thuộc nằm lòng.
Ông Lương cho biết, vào năm 1988, gia đình ông bắt đầu gieo vụ lạc đầu tiên trên diện tích 2 ha. Lúc bấy giờ, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, chọn giống sao cho chất lượng, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng và cách bón phân thế nào cho hợp lý thì ông vẫn chưa nắm tường tận. Thu hoạch vụ lạc đầu tiên, ông phấn khởi vì lạc được mùa. Tuy nhiên, do chưa nắm vững quy trình sản xuất nên chất lượng lạc kém, hạt lép và nhỏ khá nhiều, năng suất chỉ đạt khoảng 10 tạ/sào.
Từ những vụ mùa thất bại, ông Lương đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn phương pháp trồng lạc do các cơ quan chức năng huyện Cam Lộ tổ chức. Tất cả kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được ông mạnh dạn áp dụng vào đầu tư thâm canh lạc nên năng suất tăng lên 26 tạ/sào, thu nhập một vụ mùa khoảng 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Về kỹ thuật trồng lạc, ông Lương cho biết, quy trình đầu tiên khi bắt tay trồng lạc là phải làm đất thật tơi xốp. Sau đó là bón phân, đối với đất đã thuần thục thì cần đến 30 kg vôi, nên rải vôi 10 ngày trước khi gieo hạt. Khi gieo hạt phải đánh luống thật đều, hạt giống phải rải có mật độ hợp lý, trước đây, cứ 1m2 đất gieo 25 hạt nhưng hiện nay gieo theo kỹ thuật mới khoảng 40 đến 45 hạt/m2 cho từng khóm. Sau khi gieo được một thời gian, nên bón thêm phân nhằm làm cho cây phát triển tốt, cho củ nhiều hơn”.
Ông Lương cho biết thêm, yếu tố quyết định chất lượng và năng suất cây lạc chính là vôi và lân. Vôi cung cấp canxi, nếu thiếu hạt lạc sẽ bị lép, trái thối đen ở cuống. Trước đây, ông thường sử dụng giống lạc miền Nam để gieo nhưng vào năm 2011, thực hiện việc nhân giống lạc tại chỗ nên gia đình ông chủ động được nguồn giống chất lượng cao.
Với đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hầu như năm nào gia đình ông cũng bội thu lạc. Bên cạnh đó, nhằm cải thiện thu nhập, ông trồng thêm khoảng 20 sào sắn, 5 sào lúa, chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn. Thu nhập hàng năm của gia đình ông từ kinh tế vườn, trồng lạc, chăn nuôi trên 100 triệu đồng. Năm 2014 ông Lương được UBND huyện Cam Lộ tặng giấy khen “Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”.
Hiện nay, hướng tiêu thụ lạc đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ nông dân bị thương lái ép bán giá rẻ khiến người dân ở đây không mặn mà với nghề trồng lạc. Hiện toàn thôn Quật Xá có khoảng 280 hộ gia đình, nhưng chỉ còn khoảng 100 hộ theo nghề trồng lạc.
Ông Lương chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ bấp bênh nhưng đã là cây trồng truyền thống thì có thể thu hẹp diện tích trồng lạc chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn. Tôi thường vận động bà con trong thôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh đối với loại cây này nhằm tăng năng suất, chờ khi đầu ra ổn định hơn”.
Ông Phạm Phú Quốc, trưởng thôn Quật Xá cho biết: “Ông Lương là Bí thư chi bộ thôn, có hơn 30 năm tuổi Đảng. Về sản xuất nông nghiệp, ông Lương rất cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm. Ông Lương rất được bà con trong vùng tin tưởng và yêu mến”.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lê Văn Pho, ngụ ấp Tân Phú (Phú Thạnh, Tân Phú Đông, Tiền Giang), sau nhiều năm canh tác mấy công đất lúa năng suất thấp, anh đã mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm linh chi tại gia đình mình.
Chọn cành và khoanh vỏ: Chọn cành bánh tẻ đường kính 0,5-2 cm, có 2-3 ngạc ở giữa tán, tráng nắng để chiết cành sẽ nhanh ra rễ và chóng ra quả ổn định hơn các cành khác. Không chiết cành la, cành vóng, cành bị sâu bệnh sẽ lâu ra rễ, khi trồng sinh trưởng kém gây thiệt hại cho người trồng vườn.
Chồng mất cách đây 10 năm, một mình bươn chải nuôi con, chị Hương đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, với thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Nhiều năm qua, cây măng cụt được xem là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho trên 400 hộ nông dân ở cù lao Tân Qui, trong đó có gần 100 hộ có thu nhập từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Từ những mô hình của Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, những diêm dân ở huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn chỉ quen với việc làm muối nay đã bắt đầu biết nuôi tôm và họ tự tin về những kế hoạch của mình.