Người thương binh làm giàu nhờ bưởi da xanh
Ở ấp 4, hỏi vườn bưởi ông Đặng, ai cũng biết.
Vườn bưởi da xanh diện tích 5.000m2 hiện đang cho trái, mang về thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình ông.
Trước đây, ít ai nghĩ vùng đất phèn và thường xuyên bị nước mặn đe dọa như xã Vĩnh Viễn lại có thể trồng được cây bưởi da xanh đem lại hiệu quả cao như thế.
Tuy nhiên, với bản chất của người lính, dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nên giờ đây ông đã thành công với mô hình này.
Ông Đặng tâm sự: “Sống trong thời kháng chiến, mình hiểu thấu nỗi khó khăn, cơ cực, nên khi hòa bình, tôi cố gắng lắm.
Lúc đầu làm ruộng, nhưng làm hoài mà không đủ trang trải cuộc sống.
Thế là lại lên liếp trồng mía, trồng dừa, được vài vụ thấy không ổn lắm, nên tôi chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Tính trung bình 1 gốc khi cho trái, bán khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Năm rồi mình cũng kiếm được khoảng 170 triệu đồng”.
Để có được kết quả như hôm nay, ông Đặng khá gian nan trong học tập kinh nghiệm và tìm kiếm cây trồng phù hợp trên vùng đất lắm khó khăn này.
Nhưng rồi sự nỗ lực đã được đền đáp, cây bưởi gắn bó với miền đất này từ đó.
Vùng đất phèn mặn Vĩnh Viễn lại có thêm một giống cây đặc sản, cho thu nhập ổn định, nhờ giá bán khá cao.
“Tôi cũng hướng dẫn bà con để cùng làm vườn phát triển kinh tế, còn cây lúa thấy bấp bênh quá.
Bà con ở đây hễ ai muốn trồng cây bưởi da xanh, tôi sẵn sàng giúp đỡ thôi, từ việc chọn cây giống đến chuyện chăm sóc cây bưởi luôn.
Tôi cũng rất muốn bà con mình ai cũng có cuộc sống no ấm, nên không có giấu nghề gì đâu”.
Dù đã bước qua tuổi 65, nhưng ông Đặng vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ, ông vẫn hàng ngày hăng say lao động sản xuất, chăm sóc vườn bưởi của gia đình.
Để giảm chi phí trong quá trình thực hiện mô hình này, ông Đặng trồng xen các loại rau và gừng dưới tán bưởi.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông luôn quan tâm vận động anh em hội viên đoàn kết, hỗ trợ phát triển sản xuất để cùng nhau xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Hoàng Thinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Viễn, nhận xét: “Chúng tôi khuyến khích hội viên cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái như cam xoàn, bưởi da xanh.
Ông Đặng là một hội viên tiêu biểu của xã này.
Tới đây, tôi sẽ có hướng nhân rộng trong hội viên Cựu Chiến binh xã bằng việc tổ chức tham quan thực tế tại các mô hình, qua đó có sự trao đổi, rút kinh nghiệm để cùng nhau làm ăn tốt hơn nữa”.
Chiến tranh đã qua đi và những cựu chiến binh như ông Đặng vẫn miệt mài chiến đấu với cái nghèo để vươn lên, không chỉ làm giàu cho mình, mà còn giúp đỡ nhiều đồng đội, cùng người dân khác…
Có thể bạn quan tâm
Những năm trở lại đây, cây na đã khẳng định được là một trong những loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao của huyện Chi Lăng, Lạn Sơn.
Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 đàn ong, rồi tự học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay, ông Phan Sỹ Quyền ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn - Nghệ An) thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nghề này.
Sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm bằng con giống nhân tạo, thuộc dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng, giai đoạn 2014-2016”, do bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hậu Giang, làm chủ nhiệm đã khẳng định được hiệu quả tích cực bước đầu, hứa hẹn nhiều triển vọng.