Triển vọng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm
Theo bà Lam, lươn là loài thủy sản đặc sản, thịt bổ dưỡng, có lợi thế xuất khẩu cao.
Đặc biệt, người dân có thể tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, xây bể xi măng, bể bạt, can nhựa để thả nuôi.
Đồng thời, tùy theo điều kiện của mỗi hộ gia đình mà có thể nuôi theo hình thức công nghiệp (cho ăn 100% thức ăn công nghiệp); nuôi bán công nghiệp (50% thức ăn công nghiệp, 50% thức ăn tự nhiên) hay nuôi 100% thức ăn tươi sống.
Nói chung, dù nuôi theo hình thức nào, nếu người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đều mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Chị Trần Thị Ngọc Hân, ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Nuôi lươn theo hình thức công nghiệp luôn chủ động được thời gian, tránh lãng phí thức ăn và quản lý tốt môi trường nước nên mang lại hiệu quả khá cao.
Mặt khác, cách nuôi này có thể chủ động trong khâu phòng và điều trị bệnh cho lươn, kéo giảm tỷ lệ hao hụt xuống thấp (khoảng 20%), hạn chế nhiều rủi ro so với việc mua con giống trôi nổi ngoài chợ về nuôi thuần dưỡng kiếm lời”.
Vì thế, qua hơn 7 tháng chăm sóc, hiện mô hình nuôi lươn trên diện tích 30m2, với 1.500 con giống của chị Hân, ước tính cho năng suất khoảng 120kg lươn thương phẩm.
Tuy mới lần đầu nuôi thử nghiệm theo hình thức bán công nghiệp nhưng anh Nguyễn Chí Công, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp luôn áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi, cũng như cẩn thận trong việc phối trộn thức ăn cho lươn.
Nhờ vậy, sau hơn 8 tháng thả nuôi trong bể rộng 30m2, với hơn 1.500 con giống đang chuẩn bị xuất bán có thể cho năng suất trên 130kg lươn thương phẩm.
Theo ước tính của anh Công, với giá từ 90.000-180.000 đồng/kg (tùy loại) thì sau khi trừ đi các khoản chi phí sẽ cho lợi nhuận không dưới 8 triệu đồng.
Hiện giá lươn trên thị trường đang sụt giảm nên anh Công dự định sẽ kéo dài thêm thời gian thả nuôi, chờ giá tăng trở lại mới xuất bán.
“Trên thực tế, con giống được nhân tạo, khả năng kháng bệnh khá tốt, tốc độ phát triển nhanh nên người nuôi sẽ kéo giảm giá thành sản xuất xuống thấp, nâng cao lợi nhuận”, anh Công chia sẻ.
Ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: Hiện nay, phong trào nuôi lươn rộng khắp các tỉnh của vùng, riêng Hậu Giang mới nở rộ gần đây.
Trong đó, mô hình nuôi lươn trong bể bạt, vèo đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu người nuôi lưu ý trong việc chọn con giống, cách nuôi, phòng trị bệnh hợp lý thì hiệu quả mang lại đáng kể.
Mô hình này rất triển vọng, có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Chủ nhiệm dự án, cho hay: Hiện mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm bằng con giống nhân tạo đã khẳng định hiệu quả tích cực bước đầu.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và mở các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật thả nuôi, góp phần giúp cho các nông hộ ít đất canh tác trong tỉnh cải thiện sinh kế gia đình.
“Về lâu dài, chúng tôi khuyến khích người nuôi thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã, với mục đích hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, vốn, nhất là thiết lập quy trình chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm lươn đồng của tỉnh.
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Hậu Giang sẽ tăng cường mở rộng liên kết sản xuất, thăm dò thị trường, làm cầu nối để doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh đến thu mua, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người dân”, bà Lam khẳng định.
Dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng, giai đoạn 2014-2016”, sẽ tiến hành nuôi thử nghiệm 12 mô hình, trong đó, có 3 mô hình sản xuất giống bán nhân tạo và 9 mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng bằng con giống nhân tạo.
Các mô hình được triển khai thực hiện ở các huyện, thành phố trong tỉnh như Châu Thành, Vị Thủy, Vị Thanh.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, tại Quảng Bình, TTKNQG đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh”.
Những năm trở lại đây, cây na đã khẳng định được là một trong những loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao của huyện Chi Lăng, Lạn Sơn.
Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 đàn ong, rồi tự học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay, ông Phan Sỹ Quyền ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn - Nghệ An) thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nghề này.