Người Phụ Nữ Giỏi Nuôi Ong
Không qua một lớp tập huấn kỹ thuật nào nhưng với lòng đam mê cùng nghị lực vươn lên làm giàu, chị Đinh Thị Bàn ở thôn Tiến Hóa 2, xã Hồng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) tự học và nuôi thành công hàng chục đàn ong mật. Đến nay, chị đã có 60 đàn ong, cho thu nhập khá.
Đến thôn Tiến Hóa 2, xã Hồng Hóa (Minh Hóa) hỏi nhà chị Đinh Thị Bàn được mọi người cho hay: "Cứ đi đến cuối thôn, nhìn phía trái đường thấy nhà nào có nhiều thùng ong nuôi trong vườn là nhà chị Bàn đấy". Khi tôi đến thì trong nhà đã có vài người khách đến mua mật đang nói chuyện rôm rả bên ấm chè xanh.
Hỏi về chuyện nuôi ong chị kể: Tháng 4 - 2011 chị đi lấy măng gặp một đàn ong rừng san đàn. Nhớ có lần nghe ai đó nói con ong chúa to và dài hơn con ong thợ, thế là chị tò mò tiến sát lại đàn ong nhìn kỹ. Khi phát hiện ra con chúa, chị liền nhẹ nhàng bắt được và lấy một sợi tóc buộc một cánh nó lại bỏ vào cái mũ tai bèo rồi treo mũ cạnh đó.
Đợi một lúc sau, cả đàn ong tập trung đậu kín con ong chúa và nằm gọn vào lòng mũ. Chị nhẹ nhàng đưa về nhà, lấy ván tự cưa đóng thành một cái thùng hình chữ nhật như một số nhà khác nuôi mà chị đã thấy. Chẳng biết con ong chọn chị hay chị có duyên với con ong mà trong năm đó đàn ong của chị đã san thành 3 đàn. Tiếp tục năm 2012 tăng lên 25 đàn và chị quay mật bán được hơn 10 triệu đồng.
Có lẽ nhờ "mát tay" mà năm 2013 này, số ong của chị Bàn đã tăng lên 60 đàn. Số lượng mật cũng đã bán được trên 20 triệu đồng. Sản phẩm mật ong của chị còn hơn 70 lít, trị giá tương đương 12 triệu đồng. Chị Bàn cho biết: Trong năm nay còn quay mật 2 lần nữa vào tháng 7 và tháng 8 âm lịch, mỗi lần quay đều đạt từ 45 - 50 lít.
Từ tháng 9 trở lên không lấy mật nữa mà để nó dự trữ qua mùa đông, ra giêng cho đến tháng 3 âm lịch. Đến tháng này, thời tiết có nắng ấm và ong có mật nhưng đây là thời kỳ ong san đàn mạnh nhất nên không lấy mật được. Đây là bí quyết tăng đàn nhanh mà chị Bàn tự rút ra.
Chị cho biết thêm: Tất cả số thùng đây đều do chị tự mua ván về cưa ra đóng lấy. Tuy không đẹp nhưng có lẽ nhờ có duyên với con ong nên sao nó cũng ở cả. Bữa đầu ong san đàn, chị lóng ngóng bắt cho được con chúa đưa vào thùng thì bị đốt sưng cả mặt mày. Sau khi mua mũ lưới, bao tay cao su mới khỏi bị ong đốt...
Nghề nuôi ong của chị Bàn là vậy. Biết rằng ở huyện Minh Hóa hiện có nhiều người nuôi ong, nhưng hầu hết là đàn ông trung niên, đã từng được đào tạo qua các lớp tập huấn kỹ thuật do các dự án mở. Duy nhất chỉ có chị Bàn là phụ nữ, lại chưa hề được học hành sơ qua các bí quyết nghề này. Từ khi có nghề mới, chị Bàn không đi lấy măng, hái nấm nữa mà hàng ngày ở nhà theo dõi chăm sóc các đàn ong.
Mới qua ba năm nuôi ong, thu nhập tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã cải thiện được đời sống của gia đình. Và cơ bản hơn đã đem lại cho chị Bàn một niềm tin vào hiệu quả của nghề mới.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 28-4, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp đánh giá lại đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Tháng 4, trời biển êm cũng là lúc hàng chục hộ ngư dân xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào mùa săn nhum ở vùng biển Sa Huỳnh thu về bạc triệu mỗi ngày.
Mới đây, về xã Sông Khoai (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) công tác, chúng tôi được đồng chí Dương Cao Thuỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức, vận động nhân dân xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi cá rô phi Cát Phú của HTX Đồng Tâm là điển hình.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh đã tiếp nhận 60.500 con cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (chiếm 60,5% tổng lượng chuyển giao).
Lịch thời vụ đã qua gần 2 tháng, nhưng hiện toàn tỉnh chỉ xuống giống vụ tôm mới chưa đạt 50% tổng diện tích. Ngoài các nguyên nhân do dịch bệnh, thiếu vốn, người nuôi tôm đang đối mặt với khó khăn khi tìm mua giống chất lượng để thả nuôi vụ mới.