Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Đặc biệt là bước sang những tháng đầu năm 2014, diện tích ao đầm nuôi tôm công nghiệp của huyện tăng hơn 50% (khoảng 153 ha) so với năm 2013, nâng tổng số hiện nay toàn huyện có hơn 435 ha.
Việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp một cách quá nóng đã kéo theo nhiều hệ luỵ, nhất là thiếu điện phục vụ sản xuất và kiểm soát môi trường gặp khó khăn.
Xã Phong Lạc là địa phương có diện tích ao đầm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện, với hơn 205 ha, kế đến là các xã: Lợi An, Phong Điền, Khánh Bình và thị trấn Trần Văn Thời.
Hiện tôm thẻ chân trắng là đối tượng được người dân thả nuôi nhiều nhất, do năng suất đạt khá cao, từ 6,5-7 tấn/ha và thời gian thực hiện một vụ nuôi tương đối ngắn, khoảng 2,5-3 tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, cho hay, gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp ở xã Phong Lạc phát triển nhanh do năng suất tôm nuôi đạt khá, giá tôm tương đối cao.
Thấy được hiệu quả từ nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng nên hiện nay nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Có hộ quy hoạch mới cùng một lúc 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích hơn 2 ha.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp một cách tự phát, không theo quy hoạch với tốc độ khá nhanh như thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ luỵ. Trong đó, tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất và việc kiểm soát môi trường là những vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng, cuối năm 2013, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã tăng đột biến, do đó việc sử dụng điện phục vụ sản xuất của người dân là hết sức khó khăn. Mặc dù ngành điện và các ngành liên quan tiến hành khảo sát, nâng công suất các trạm điện ở những vùng nuôi tôm tập trung nhưng vẫn không bảo đảm. Tình trạng quá tải dẫn đến cầu dao tự động tự cắt xảy ra thường xuyên.
Ngoài việc thiếu điện phục vụ sản xuất, vấn đề môi trường cũng đáng quan tâm. Ông Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, cho biết: “Cuối năm 2013, khu vực xung quanh chỗ tôi ở chỉ có 10 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng bước sang năm 2014, số hộ nuôi tôm tăng lên 75 hộ. Đáng lo ngại là một số bà con không thấy được trước hậu quả, khi tôm bị dịch bệnh không xử lý một cách triệt để mà xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng đến những hộ xung quanh”.
Nuôi tôm công nghiệp là mô hình mang lại lợi nhuận cao, nhưng mức độ rủi ro cũng không kém. Để vụ nuôi được thành công phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật, môi trường… Vì vậy, các ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ người dân trong quá trình nuôi, nhất là kiểm soát chặt chẽ về môi trường và tăng cường hệ thống điện phục vụ sản xuất.
Về phía người dân cũng cần xem xét, việc mở rộng diện tích nuôi tôm phải theo quy hoạch của ngành chuyên môn. Có như vậy, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung mới được duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đồi núi, chỉ phù hợp trồng rừng. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh luôn chú trọng công tác trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Nhiều năm đam mê với cá cảnh, kỹ sư công nghệ thông tin Lê Văn Huệ “chinh phục” rất nhiều loài cá cảnh khó tính để cung cấp cho thị trường. Cá cảnh của anh không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan…

Bộ Tài chính cho biết theo kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất, nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì 4 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm 5,8%, doanh thu giảm 10,6%, tồn kho 685.000 tấn, trong đó urê tồn 138.000 tấn, NPK tồn kho 279.000 tấn…

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế có tiếng là đất rau má vì ở đây có diện tích trồng rau má lớn nhất cả nước với hơn 40 hecta, mang lại thu nhập cao và ổn định cho hơn 200 hộ dân. “Ông tổ” của nghề trồng rau má tại Quảng Thọ chính là ông Cao Quảng Thiện.

Từng là một trong những xã khó khăn của huyện Tam Nông, nhưng những năm qua, với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội của xã Quang Húc đã có sự tăng trưởng khá.