Mê hồn trận giống cây hồ tiêu
Là chủ một trại cây giống khá lớn ở tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai nhưng anh H. chưa từng trải qua bất cứ một lớp đào tạo hay tập huấn nào liên quan đến kỹ thuật ươm cây giống. Xuất thân là thợ cơ khí nhưng do làm ăn không hanh thông, anh cùng vợ chuyển hướng qua sản xuất cây giống. Tất cả số vốn nghề có được nhờ học hỏi qua mấy người đi trước, rồi họ chỉ kinh nghiệm lại cho. Khu vườn ươm nhà anh ươm đủ các loại cây giống, từ hồ tiêu, cà phê, keo, tràm, bời lời…
“Năm nay tôi ươm hơn 1 vạn bầu tiêu. Thời tiết khắc nghiệt quá nên tiêu lên không đẹp lắm. Với lại, hồi đầu vụ ươm nhà nào cũng đổ xô đi lùng mua tiêu lươn khiến giá tiêu lươn bị đẩy lên cao ngất, nhiều nhà vườn còn cắt cả dây tiêu non để bán nên mình đem về ươm chết nhiều”-anh H. cho biết.
Sát bên vườn ươm của hộ ông T. cũng trưng biển quảng cáo trại ươm giống hoành tráng với nhiều loại cây giống phổ biến kèm theo lời cam kết uy tín, chất lượng… nhưng khi hỏi chủ vườn, ông T. thừa nhận chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo nào về nghiệp vụ kỹ thuật sản xuất cây giống. Cơ sở của ông thậm chí còn chưa có cả giấy phép đăng ký kinh doanh. “Ở đây bà con chủ yếu làm theo kinh nghiệm, người đi trước bày cho người đi sau, chứ có ai học trường lớp ra đâu. Vậy mà bao năm nay họ vẫn làm, người ta vẫn kéo đến mua. Uy tín là nhờ thế”-ông T. phân trần.
Theo ông T., anh H., để làm cây tiêu giống hay bất cứ loại cây giống nào khác đều không khó. Chỉ cần trộn đất với phân chuồng, thêm ít phân vi sinh rồi đóng bầu và tưới liên tục nhiều lần cho nước thấm đều hết đất trong bầu. Nếu cà phê thì ươm cho nảy mầm rồi nhổ lên, đặt vào bầu. Hồ tiêu thì mua dây lươn về, chọn vùng mắt phù hợp rồi giâm vào bầu đất. “Cái khó của nghề ươm tiêu giống là điều chỉnh độ ẩm phù hợp, chế độ chăm sóc sao cho mầm tiêu phát triển xanh tốt, mập mạp; rễ tiêu ra đều, khỏe. Cái đó cứ quan sát hàng ngày và tự điều chỉnh. Dây tiêu lươn thì về huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông… vùng nào cũng có để cắt”-ông T. nói.
Hậu quả khôn lường
Cây giống là yếu tố tác động đầu tiên đến sự thành bại của nhà nông trong việc đầu tư. Với cây hồ tiêu, loại cây có thể đem lại nguồn thu bạc tỷ mỗi ha trong một năm nhưng cũng có thể biến người giàu thành con nợ chỉ sau vài đợt đổ bệnh. Vài năm gần đây, do nhu cầu tiêu giống quá cao nên không ít cơ sở sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, ươm các dây giống không đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nông dân. Trong khi, sự ràng buộc giữa người mua-người bán hầu hết chỉ là những thỏa thuận bằng miệng, nếu xảy ra sự cố cũng rất khó lấy căn cứ xác định để yêu cầu trách nhiệm vì hồ tiêu vốn là loại cây quá nhạy cảm. Lúc ấy, tiền đã giao, “được ăn lỗ chịu”, người nông dân chỉ biết trông chờ vào may rủi…
“Người “tay mơ” mới trồng tiêu hay bị đánh lừa vì chỉ biết căn cứ theo hình thức bên ngoài của cây tiêu giống, tức là cây mầm lá xanh tốt, ngọn mập mạp, nhìn khỏe khoắn là được. Người tinh ý hơn thì chọn cây có rễ khỏe khoắn, vì với cây tiêu bộ rễ rất quan trọng. Nhưng cả hai thứ này, người ươm tiêu giống đều có thể dùng “chiêu” như thuốc kích thích, phân bón lá mạnh tay để tạo ra”-ông T. cho biết.
Anh Lâm-một người dân ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai) chia sẻ rằng, trước đây bạn anh từng mua phải giống tiêu “rởm” từ các xe ô tô chở về trung tâm thị trấn Ia Kha để bán. Tiêu giống nhìn rất xanh tốt, rễ lộ ra xung quanh bầu ươm. Nhìn đẹp mắt, anh bạn này mua về nhưng chưa kịp đem ra vườn trồng, toàn bộ số tiêu giống đã chết sạch. Khi mở các bầu ươm ra thì thấy có hạt bắp lẫn trong đất. Thì ra bắp được chủ nhân bẻ mầm và nhét vào bầu ươm tiêu để bộ rễ phát triển, giả làm rễ tiêu ăn ra. Đến khi phát hiện ra sự thật thì chiếc xe bán cây giống đã không một lần quay trở lại, cả chục triệu đồng tiền giống của gia đình anh này đi tong.
Để phân biệt được giống tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh hay Phú Quốc cũng là điều không nhiều người làm được, vì dây tiêu giống non rất khó phân biệt, chỉ những người làm tiêu quen mới nhận biết được, người mới thì chỉ nghe theo lời người bán thôi. “Với lại, khi chọn mua tiêu giống cũng… hên xui lắm, nếu nhà vườn ươm kỹ tính, cẩn thận chọn dây lươn trong những vườn tiêu khỏe mạnh, sạch mầm bệnh thì sau này người trồng được nhờ, còn không thì ngược lại”-anh H. cho hay.
“Nếu tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con để ươm cây giống cho đảm bảo kỹ thuật và hiệu quả thì tốt quá đi chớ. Bà con tui cũng mong được mở lớp tập huấn để học hỏi thêm, khỏi phải mày mò và không lo bị phạt khi có ngành chức năng đến kiểm tra”-anh H. nói.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm quảng canh cải tiến theo mô hình cánh đồng tôm lớn đang được nhân rộng ở huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả cao.
Với ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu, nông dân Lê Hữu Mông ở khu 4, phường Long Thủy (TX. Phước Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình nuôi rắn hổ trâu (hổ vằn). Với 40 con rắn bố mẹ, trên 200 rắn con, hàng trăm quả trứng rắn và trên 60 rắn nước, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Quế Trà Bồng là một trong những đặc sản được xác lập kỷ lục Châu Á. Thế nhưng, giai đoạn 2008 - 2011, nhiều địa phương ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) “quay lưng” với cây quế để trồng các cây lâm nghiệp khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Những năm gần đây, nhờ các chính sách 30a, 135 của Chính phủ, Trà Bồng từng bước vực dậy và phát triển cây quế...
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, thời gian qua, xã Nâm N’đir (Krông Nô) đã tập trung xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, xen canh các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao.
Chưa bao giờ giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL lại dao động ở mức thấp kéo dài như hiện nay, làm người nuôi thua lỗ không còn khả năng tiếp tục sản xuấtù. Còn doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao bởi giá xuất thấp, bị nhiều nước dựng rào cản kỹ thuật gây khó mở rộng thị trường.