Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người nuôi tôm điêu đứng

Người nuôi tôm điêu đứng
Ngày đăng: 22/05/2015

Thua lỗ... đủ đường

Cánh đồng tôm rộng hàng ngàn héc-ta ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) những ngày này vắng lặng lạ thường. Đi dọc các ấp Hòa Muôn, Nguyễn Văn Mặn,… không còn thấy cảnh người dân nhộn nhịp chăm sóc hay thu hoạch tôm như trước; hầu hết những chòi tôm im lìm, còn ruộng tôm thì trơ đáy dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa. Ông Lê Văn Khởi, ngụ ấp Hòa Muôn (xã Ngọc Tố), chua chát: “Tình hình nuôi tôm năm nay căng thẳng như sợi dây đàn khi giá liên tục rớt thê thảm.

Hiện tại tôm thẻ loại 100 con/kg thương lái thu mua chỉ còn 75.000 đồng/kg; loại 90 con/kg giá 80.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá 230.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 160.000- 180.000 đồng/kg… bình quân giảm từ 30.000-50.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2015. Trong khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh thì giá điện, thức ăn, thuốc thú y… đều tăng cao, khiến người nuôi tôm như ngồi trên lửa”. Không chỉ thua thiệt về giá, vụ này ông Khởi thả 5 công tôm thẻ chân trắng.

Dù chăm sóc theo đúng quy trình, nhưng ao tôm của ông chưa đầy 1 tháng tuổi đã xuất hiện dịch bệnh gan tụy làm chết tràn lan, thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Khoái, ngụ xã Ngọc Tố, thở dài: “Tui mới thả 2 ao tôm thẻ trên diện tích rộng khoảng 1ha. Lúc đầu tôm phát triển bình thường, nhưng sang tuần thứ hai là xuất hiện bệnh và chết rải rác. Chưa đầy tháng thì 2 ao tôm “đi toi hết”, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng”. Thống kê mới nhất của UBND xã Ngọc Tố cho thấy, những ngày qua nông dân trong xã thả giống được 247ha tôm thẻ theo dạng công nghiệp và bán công nghiệp; tuy nhiên, số diện tích thiệt hại lên đến khoảng 40%. Một tỷ lệ đáng báo động.

Ở Bến Tre, nhiều hộ nuôi tôm cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Lê Hoàng Vũ, ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại cho biết, giá tôm hiện giờ là thấp nhất so với nhiều năm qua. Tôm thẻ loại 100 con/kg thương lái mua chỉ 70.000-75.000 đồng/kg, tính ra từ bằng với thấp hơn chi phí giá thành nuôi. Đối với những hộ nuôi không đạt thì chi phí còn cao hơn và thua lỗ sẽ nặng hơn. Bà Trương Thị Ánh, ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận: “Người nuôi tôm đang hết sức lo lắng, bởi từ đầu năm tới nay giá cứ giảm liên tục. Mặt khác, rất nhiều nơi nông dân cứ thả giống xuống là bị chết la liệt, có hộ thả chỉ 10 ngày thì tôm chết mà không rõ nguyên nhân. Tình hình này kéo dài người nuôi sẽ trắng tay vì thua thiệt đủ đường”.

Mỏi mắt... chờ mưa !

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, giá tôm trong nước giảm mạnh là do sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ… phục hồi nên nguồn cung trên thị trường tăng lên, dẫn đến cạnh tranh đầu ra quyết liệt. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm trên thế giới giảm về lượng lẫn giá, khiến các nước xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Cụ thể, trong quý I/2015, xuất khẩu mặt hàng tôm của nước ta giảm trên 28% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo nhất là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản đều giảm mạnh việc nhập tôm của Việt Nam (Hoa Kỳ giảm hơn 55%, Nhật Bản giảm hơn 27%).

Ngoài ra, một số nước trên thế giới đưa ra các rào cản kỹ thuật làm trở ngại lớn cho việc xuất khẩu tôm. Trước tình hình trên, các ngành chuyên môn dự báo, 2015 sẽ là một năm đầy thách thức cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu con tôm gặp trở ngại thì chỉ tiêu xuất khẩu 8 tỉ USD về thủy sản trong năm 2015 sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, bởi tôm là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lưu ý, gần đây một số lô hàng xuất khẩu tôm bị các nước trả về; vì vậy các doanh nghiệp hết sức thận trọng về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại thị trường tiêu thụ đang yếu, giá giảm… vì thế không vội đẩy mạnh xuất khẩu, mà cần chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng để sẵn sàng tăng tốc khi thị trường khởi sắc trở lại trong thời gian tới.

Cũng do tác động giá tôm giảm và dịch bệnh tràn lan, nên nhiều địa phương ở ĐBSCL khuyến cáo nông dân tạm ngưng thả giống. Ông Lê Vũ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Con tôm là thế mạnh của xã, nhưng trong điều kiện bất lợi hiện nay nên xã tuyên truyền người dân tạm ngưng xuống giống. Lúc này thời tiết vẫn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao… nếu thả giống sẽ bị thiệt hại. Để giảm thiểu dịch bệnh thì phải chờ vài cơn mưa lớn xuất hiện, khi đó nhiệt độ mới hạ được”. Ở Sóc Trăng, ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, cho hay: “Sau đợt đầu thua trắng vì tôm chết trên diện rộng thì hầu hết người nuôi rất dè dặt không dám thả nữa bởi thời tiết còn bất lợi. Hiện chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành thủy sản theo dõi chặt diễn biến độ mặn, nắng nóng… Đồng thời chờ mưa xuống thì mới thả giống lại được nhằm tránh nguy cơ thiệt hại”.

Theo “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, vụ tôm nuôi hiện nay đã trễ hơn một tháng, song người nuôi cần bình tĩnh không nên tiếp tục thả giống lúc này, mà chờ thời điểm thuận lợi về thời tiết lẫn giá cả mới thả lại. Mặt khác, cần lưu ý việc tôm thẻ chân trắng gần đây bị thiệt lớn và giá giảm mạnh; trong khi giá tôm sú chỉ giảm nhẹ và ít bệnh hơn. Vì vậy, người nuôi cần suy nghĩ kỹ để chọn đối tượng nuôi phù hợp trong điều kiện khắc nghiệt như năm nay…


Có thể bạn quan tâm

Na Rì Phát Triển Đàn Gia Súc Na Rì Phát Triển Đàn Gia Súc

Cùng với đó, huyện cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân. Đó sẽ là điều kiện tốt cho ngành chăn nuôi của huyện ngày một phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân trên địa bàn.

17/12/2014
Chợ Đồn Tăng Cường Phòng, Chống Rét Cho Cây Trồng, Vật Nuôi Chợ Đồn Tăng Cường Phòng, Chống Rét Cho Cây Trồng, Vật Nuôi

Để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra...

17/12/2014
Chủ Động Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân Chủ Động Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.

17/12/2014
Bồi Dưỡng Kiến Thức Kinh Doanh Quy Mô Hộ Gia Đình Bồi Dưỡng Kiến Thức Kinh Doanh Quy Mô Hộ Gia Đình

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

17/12/2014
Dong Riềng Được Mùa, Được Giá Dong Riềng Được Mùa, Được Giá

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

17/12/2014