Người nuôi tôm, cá tra vẫn chưa hết khó
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10/2015, giá các loại nguyên liệu này chưa có dấu hiệu tăng trở lại nên người nuôi phải chịu lỗ, diện tích và sản lượng nuôi đều giảm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng Anh, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay doanh nghiệp chỉ thu mua cá tra nguyên liệu cỡ 800 gam/con và cỡ 1,5 - 1,6 kg/con, còn những ao cá không nằm trong hai cỡ cá này thì doanh nghiệp không mua.
Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 800 gam/con được doanh nghiệp thu mua với giá 19.700 đồng/kg; còn cá tra loại 1,5 - 1,6 kg/con chỉ có giá 18.500 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 23.500 - 24.500 đồng/kg hồi đầu năm.
“Mấy tháng nay, ai cũng hi vọng giá cá tra cuối năm sẽ tăng trở lại như mọi năm nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng nên cho ăn cầm chừng kéo dài thời gian nuôi chờ giá.
Tuy nhiên, đến nay thì giá cá không những không tăng mà còn nằm ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nên bắt buộc phải bán cá dù phải chịu lỗ nặng do không đủ sức cầm cự, bởi thức ăn cho cá tra hàng ngày phải tốn hàng chục triệu đồng.
Đa số các ao nuôi cá tra sắp thu hoạch hiện nay đều kéo dài trên 1 năm thay vì chỉ 6 - 8 tháng như trước đây.
Điều khó khăn khác hiện nay là chỉ các hộ nuôi có cá đạt cỡ và có “mối quen” thì mới bán cá được, còn bình thường thì cũng khó bán cá”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở huyện Cai Lậy, đối với những nông dân nuôi cá tra có vốn có thể mua thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản trực tiếp từ các nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc, hộ ương giống; cộng với quản lý chặt chẽ, kỹ thuật nuôi tốt thì giá thành nuôi cá tra chỉ khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg do được chiết khấu lại như đối với đại lý; còn đối với những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, mua thức ăn nợ đại lý, trả tiền chậm thì giá thành nuôi cá có thể lên tới hơn 23.000 đồng/kg.
Hơn nửa, đối với cá tra nguyên liệu cỡ 1,5 - 1,6 kg/con thì giá thành nuôi cá còn cao hơn do thời gian nuôi kéo dài hơn, tốc độ lớn của cá trên 01kg/con cũng chậm lại.
Do đó, với giá cá tra trên thị trường hiện nay thì nông dân nuôi cá có thể lỗ lên đến 1,3 tỷ đồng/ha (năng suất 300 tấn/ha).
Chính vì tình trạng thua lỗ hiện nay mà một số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ đã bỏ ao hay tính chuyện ngừng nuôi sau khi thu hoạch cá.
Chẳng hạn như ông Trần Thanh Hồng Hải có 01 ao nuôi cá tra 3.000m2 ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đã bỏ ao nuôi cá tra lên Tp Hồ Chí Minh mở quán ăn sau khi thu hoạch khoảng 100 tấn cá tra với giá bán chỉ 20.000 đồng/kg hồi tháng 6 vừa qua.
Còn ông Đoàn Văn Thanh, có ao nuôi cá tra cùng ở xã Tân Phong cũng đang tạm ngừng thả nuôi chờ khi diễn biến giá cá tra tốt hơn mới tính đến chuyện thả giống cho vụ cá mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg.
Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp thay vì tự đầu tư nuôi.
Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm nay của các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn giữ vững, ước đạt 946 ngàn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó Đồng Tháp hiện có khoảng 80% hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi liên kết, đạt 245.255 tấn (tăng 3,5%).
Từ đầu năm đến nay, giá tôm luôn ở mức thấp, người nuôi lãi rất ít, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó hiện người nuôi tôm không đầu tư nuôi lớn mà chủ yếu nuôi cầm chừng, mục đích là để giữ vùng nuôi của mình hoạt động và bảo quản trang thiết bị giảm hư hỏng.
Người nuôi tôm đang hi vọng vào dịp cuối năm giá sẽ tăng do các nhà máy tăng cường chế biến để cung cấp theo đơn đặt hàng của các nước nhập khẩu phục vụ Noel và năm mới.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thả nuôi tôm trái vụ nên người nuôi cũng thả nuôi với mật độ thấp để giảm rủi ro về thời tiết, dịch bệnh.
Đồng thời, thời gian gần đây các mô hình nuôi tôm quảng canh đã thể hiện tính hiệu quả nhờ giảm áp lực lên môi trường nuôi và tiết kiệm chi phí thức ăn, nhiều hộ đã nuôi tôm trở lại với đối tượng nuôi truyền thống là tôm sú.
Trong đó, diện tích nuôi tôm sú ước đạt 577.843 ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 215.799 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như: Cà Mau giảm 11,5%, Bến Tre giảm 8,9%.
Diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 82.034 ha, giảm 3,9% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 250.897 tấn, giảm 4,2%.
Trong đó, Trà Vinh diện tích giảm 10%, sản lượng giảm 11,2%; Bạc Liêu diện tích giảm 33,3%, sản lượng giảm 6,6%, Kiên Giang diện tích giảm 7,9%, sản lượng giảm 27%.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, huyện Thông Nông có những chính sách hỗ trợ nhân dân thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm tiến tới sản xuất hàng hoá, trong đó, việc triển khai đồng bộ Chương trình 30a của Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi bò sinh sản góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tính đến thời điểm này, vùng tôm Hải Lạng (Tiên Yên - Quảng Ninh) đã có gần 300ha nuôi tôm sú của trên 100 hộ nuôi bị mắc bệnh và thiệt hại nặng. Như vậy đây là năm thứ 2 liên tiếp vùng nuôi tôm Hải Lạng “dính” dịch bệnh.
Việc nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp Sao Mai ra đời là mắc xích quan trọng trong việc khép kín chuỗi nuôi trồng và chế biến cá tra, basa xuất khẩu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Đồng Tháp, mô hình nuôi tôm càng xanh đóng vai trò quan trọng thứ hai sau cá tra trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Tận dụng lợi thế thiên nhiên, tỉnh xác định sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong mùa lũ là mô hình phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, mô hình nuôi cá rô phi đạt hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.