Người nuôi ong tháo chạy vì nông tặc
Những người nuôi ong ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi các trại ong của họ bị phá, các tủ nuôi bị xịt thuốc diệt côn trùng khiến ong chết. Nhiều người nuôi ong vì muốn yên thân đã phải tháo chạy khỏi những địa bàn này vì không muốn đối mặt nguy cơ sạt nghiệp.
Diệt ong vì hại mùa màng (?)
Nghề nuôi ong lâu nay chưa phát triển ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Con ong không phải là hình ảnh thân thiện với nhiều nông dân, nhất là dân ở đồng bằng. Nên một ngày tự dưng phải sống chung với hàng trăm đàn ong bay vo ve, ai cũng sợ. Có rất nhiều lý do để dân địa phương tàn phá các trại ong. Tại xã Tam Sơn (Núi Thành, Quảng Nam), cho rằng ong phá hoại mùa màng nên trong tháng 7.2015, nhiều người đã đập phá các trại nuôi ong trên địa bàn.
Ông Lê Lộc Quân - trưởng nhóm nuôi ong mật thuộc Công ty CP Ong mật TP.HCM, người vừa đưa ong đến lập trại tại Tam Sơn, thở vắn than dài: Tôi không hiểu vì sao mà dân địa phương lại xông vào trại chúng tôi đập phá, xịt thuộc vào các tủ ong và xua đuổi chúng tôi đi. Chính quyền không can thiệp kịp. Không còn sự lựa chọn nào khác nên chúng tôi đành phải di chuyển hơn 1.300 đàn ong đi nơi khác. Việc phải ra đi đột ngột thế này khiến chúng tôi bị thiệt hại tới 100 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng - một người dân tham gia phá trại ong thì lại giải thích: Mấy năm trước làm chi có chuyện lúa, đậu, ngô bị mất mùa. Nhưng từ khi có trại ong chuyển về địa phương, ong bám hút hết nhụy, phấn trên cây, từ đó cây không thụ phấn, không cho hạt. Riêng vụ lúa năm nay, cây nào trổ cũng lép hạt. “Không phải vì con ong thì vì cái chi? Do đó, chúng tôi không thể để trại ong tồn tại được. Còn trại ong thì chúng tôi còn đói” - ông Hùng khẳng định chắc nịch.
Trước thực trạng mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa người nuôi ong và người dân địa phương, ông Huỳnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với người dân. Đại diện của sở đã lý giải một cách khoa học về sự không liên quan giữa việc xuất hiện của trại ong và tình trạng mất mùa, thậm chí còn cho rằng ong là loài côn trùng có lợi cho sự thụ phấn của cây trồng. Thế nhưng ngần đó cũng chưa đủ để người dân địa phương tin tưởng.
Ông Hùng cho biết, không chỉ phá trại nuôi ong, hầu như ngày nào người dân địa phương cũng kéo đến trụ sở UBND xã gây áp lực với chính quyền. “Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách yêu cầu các chủ trại nuôi ong chuyển đàn đi nơi khác, dù biết điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ trại nuôi ong”- ông Hùng nói.
Chính quyền thiếu quyết liệt
Tại Quảng Ngãi - địa phương lân cận của Quảng Nam, tình trạng người dân địa phương tàn phá các trại nuôi ong cũng đã diễn từ 2 năm nay. Một chủ trại ong quê ở Bình Phước, đang nuôi ong lấy mật ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, cho hay: Vào giữa tháng 7.2015, khi đưa đàn ong đến khu rừng gần ruộng lúa và cây màu ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, tôi bị người dân ở đây xua đuổi. Lý do mà người dân địa phương đưa ra là ong sẽ gây hại cho lúa, hoa màu. Tôi đã phải nhờ cán bộ địa phương đến giải thích, nhưng người dân vẫn không đồng ý. Thế nhưng tôi không thể ngờ rằng, tối 18.7, hàng chục người dân địa phương đã xông vào trại ong của tôi, dùng cây đập phá và sử dụng bình hóa chất diệt côn trùng xịt chết toàn bộ đàn ong... Thiệt hại ban đầu ước tính cũng phải hàng chục triệu đồng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với một số trại ong ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Anh Tùng - một người tham gia phá trại ong ở xã Nghĩa Lâm bức xúc nói: Cứ trông thấy năm bảy chục con ong cùng bu đậu dày đặc trên một cây lúa thì ai mà không sợ? Chưa biết thế nào nhưng thấy ở Quảng Nam, người dân cũng dị ứng với ong nên chúng tôi cũng dị ứng lắm.
Chưa biết tốt xấu, lợi hại ra sao, nhưng cứ thấy ong bu dày đặc lên lúa và hoa màu - như tâm sự của anh Tùng - là người dân địa phương thấy nóng mặt, rủ nhau đi đập phá các trại ong. Trong 2 năm qua, có trên 10 chủ trại ong từ nơi khác đưa đàn đến Quảng Ngãi nuôi để lấy mật đã bị người dân tấn công, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Dù bức xúc thế nhưng vì lo sợ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, nhiều chủ trại ong đành ngậm đắng nuốt cay lẳng lặng đưa đàn ong đi nơi khác.
Thậm chí đến cán bộ xã thấy ong bu dày cây cối cũng lo, nên đã chủ động vận động chủ trại nuôi di dời để tránh gây bức xúc cho người dân.
Trong lúc đó, dù các chuyên gia, cán bộ nói đi nói lại về lợi ích của nuôi ong, về việc ong không gây hại cho mùa màng... nhưng tình trạng dân địa phương phá các trại nuôi ong vẫn liên tục xảy ra. Thiệt hại trong mỗi vụ đập phá từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng nhưng chưa có ai bị xử lý. Chủ tịch UBND các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn và Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết, chính quyền đã họp dân và giải thích, thế nhưng người dân vẫn không đồng ý cho trại ong tồn tại.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho rằng, những người nuôi ong cũng có phần sai trong chuyện này, vì đặt trại ong trên địa bàn mà không thông qua chính quyền địa phương và không làm tốt công tác quan hệ, tuyên truyền với người dân. Bên cạnh đó, do phần lớn người nuôi ong từ địa phương khác đến nên thường không được chính quyền can thiệp, bảo vệ đúng mức.
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia Petrushina Tatiana đã 3 năm cắm chốt ở VN để trợ giúp việc nuôi cá tầm. Chị là người được tặng danh hiệu “Người nuôi cá nhân dân” do đích thân tổng thống Nga trực tiếp ký.
4 mô hình trình diễn giống lúa lai là GS9 có diện tích 15 ha tại thành phố Bắc Ninh, XL có diện tích 5 ha tại thị xã Từ Sơn, Bio 404 có diện tích 2 ha tại các huyện Thuận Thành, Tiên Du và giống VT 505 có diện tích 0,4 ha tại huyện Quế Võ
Nhiều người bất bình bởi phải thuê lại chính đất của mình, hoặc DN không có năng lực tài chính vẫn đi xí đất để làm KCN. Chính quyền biết những điều ấy nhưng vẫn mặc kệ.
Những năm trước đây, trạm Khuyến nông Củ Chi đã triển khai nhiều mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa, nhân giống và chuyển giao giống mới như OM 4900, OM 576, OM 6162
Nông dân TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đang tất bật thu hoạch lúa ĐX trong niềm vui trúng mùa. Năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, cá biệt có địa phương đạt 6 tấn, cao hơn năm trước từ 0,5- 0,7 tấn/ha.