Người nuôi cá lồng bè méo mặt vì hiếm người mua
Cụ thể, toàn xã Duy Ninh có hơn 25 hộ dân nuôi cá lồng bè với khoảng 38.000 con, gồm các loại cá như cá vược, cá hồng, rô phi… Mặc dù năm nay năng suất thu được tương đối cao, tuy nhiên đầu ra lại rất khó khăn đang khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ bị thua lỗ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết, với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi của địa phương, xã đã vận động nhân dân sinh sống dọc sông Kiến Giang thí điểm mô hình nuôi cá lồng nhằm tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xã cũng đã có hỗ trợ về mặt lồng bè, bên cạnh đó huyện Quảng Ninh hỗ trợ các hộ nuôi về con giống, thế nhưng hiện tại cá lồng bè của địa phương đang vấp phải tình trạng không thể tiêu thụ được.
“Đây là năm thứ 3 triển khai nuôi các lồng trên địa bàn xã, toàn xã hiện nay có 25 hộ nuôi cá, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Phú Vinh và Phú Ninh.
Đã đến thời kỳ xuất bán nhưng lại đang rất bí về đầu ra, mặc dù sản lượng thu được năm nay cũng khá cao, cũng vì do dư âm của môi trường biển bị ô nhiễm khiến người dân ngại ăn cá nên việc bán cá lồng cũng vì thế mà ảnh hưởng theo”, ông Cảnh cho hay.
Việc không thể tiêu thụ cá đã khiến nhiều người nuôi cá lồng rơi vào tình cảnh nuôi không được, bán cũng không xong, trong khi mùa mưa, lũ đang đến gần khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ mất trắng.
Mặc dù năng suất thu được tương đối cao, tuy nhiên đầu ra lại rất khó khăn đang khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ bị thua lỗ
Chị Phạm Thị Dương, một hộ nuôi ca lồng bè tại thôn Phú Vinh đã đầu tư gần 100 triệu đồng để nuôi cá, thế nhưng hiện việc tiêu thụ cá lại không hề dễ dàng.
“Gia đình tôi có thả gần 2.000 con, chủ yếu là cá hồng và cá vược, như năm ngoái thì còn bán được 130 – 140/1 kg, nhưng năm nay thì cực kỳ khó bán, không có lái thu mua, mà đưa ra chợ cũng không được nổi 70 ngàn/1 kg nữa.
Giờ cũng đang thả nuôi thế chứ cũng chưa biết làm răng, bán được con nào hay con đó vậy”.
chị Dương buồn rầu nói.
Tại địa bàn xã Duy Ninh, Phú Vinh và Phú Ninh là hai thôn sống chủ yếu sống nhờ sông và không có đất nông nghiệp, do vậy việc cá không thể tiêu thụ được đang khiến nhiều hộ dân trở nên khốn đốn.
“Đất nông nghiệp thì không có, dân ở đây sống chủ yếu nhờ bám sông, bám nước mà giờ nuôi cá rồi lại không bán được, không biết làm gì nữa, như năm ngoái tôi bán hai tháng là hết và có lãi, nhưng năm nay đang nuôi ở lồng chứ chẳng ai mua, nếu mưa lũ nữa là mất hết”, chị Trần Thị Ngọc Ánh chia sẻ.
Cũng vì không có lái thu mua nên nhiều hộ nuôi cá đã phải chở cá đi khắp nơi, hy vọng có thể bán được một phần nào đó để lấy lại vốn, nhưng cũng không khả quan hơn.
Người nuôi cá lồng đang rơi vào tình cảnh nuôi không được, bán cũng không xong
“Nhà tôi thả hơn 3.000 con, bỏ biết bao nhiêu tiền rồi mà giờ lại không bán được cá, có bán thì giá cũng rất thấp, tôi cũng cố gắng chạy chợ, ra tận TP Đồng Hới để bán nhưng cũng không ăn thua, mang đi rồi lại mang về thả vô lồng lại, cứ đà này chắc tôi bỏ nuôi thôi”, anh Phạm Thanh Nhàn buồn bã nói.
Trước tình trạng cá không thể tiêu thụ dù năng suất khá cáo, nhiều hộ nuôi cá lồng tại xã Duy Ninh mong muốn các cơ quan, ban ngành sẽ có những biện pháp để tháo gỡ những khó khăn cho người dân.
Đồng thời có những chính sách hỗ trợ một phần cho các gia đình đang có lồng nuôi cá trên địa bàn.
Ngoài ra các ngành chức năng cũng sớm có biện pháp kiểm tra, kiểm định chất lượng cá và môi trường nuôi, nhằm xác định chất lượng và thông báo rộng rãi để người dân có thể yên tâm sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ NNPTNT, mỗi năm ngành tôm xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, trong khi đó trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ.
Nông dân miền Tây đang kỳ vọng lũ sẽ tràn đồng để cung cấp phù sa, có nước vệ sinh đồng ruộng và phát triển nuôi trồng thủy sản sau 3 năm vắng mùa nước nổi quen thuộc.