Người nuôi cá bống tượng, cá chình gặp khó sau hạn
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện toàn tỉnh đã có trên 10.000ha diện tích cá nuôi bị thiệt hại nặng do khô hạn. Trong đó, thiệt hại 100% gần 1.000ha, trên 70% khoảng 4.000ha và từ 50 - 70% khoảng 4.500ha. Theo đó, những nơi có tỷ lệ thiệt hại nặng tập trung tại các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước, TP. Cà Mau; đối tượng nuôi bị thiệt hại chủ yếu là cá bống tượng, cá chình…
Tại xã Tân Thành (TP. Cà Mau), nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề nuôi cá bống tượng, cá chình, địa phương hiện có 240ha mặt nước nuôi cá chình, cá bống tượng, tình trạng khô hạn vừa xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, trọng lượng cá trên hầu hết các ao nuôi. Ông Hồng Khương, Ấp 4, cho biết gia đình đã gắn bó với nghề nuôi cá chình, cá bống tượng mấy mươi năm nhưng chưa bao giờ gặp phải khó khăn như năm nay. Dù ngay từ tháng 2 âm lịch, trước tình trạng lượng nước trong các ao cá xuống thấp, để tập trung nước cho gần 1.000 con cá chình, cá bống tượng còn trong các ao, gia đình ông Khương đã phải dồn 12 ao lại còn 4 ao, nhưng hiện lượng nước cung cấp cho cá vẫn thiếu. Gia đình phải “treo” 16 ao trong tổng số 20 ao nuôi cá vì thiếu nước.
Bên cạnh khó khăn do thiếu nước, người nuôi cá bống tượng, cá chình ở Tân Thành còn thêm nỗi lo về việc dịch bệnh ở cá. Ông Tạ Hoàng Phước, cán bộ phụ trách khuyến nông - khuyến ngư xã: “Hiện nay, tại những nơi tiếp giáp với các tuyến sông lớn diễn ra tình trạng xâm nhập mặn, khiến cá nổi ghẻ hoặc nổ mắt, gây thiệt hại lớn cho nông dân”.
Ông Hồng Khương cho biết thêm: “Nếu thời tiết thuận lợi như mọi năm, với lượng cá như vậy, thu hoạch sẽ có lãi hàng trăm triệu đồng. Nhưng hiện nay, lợi dụng tình hình khó khăn của bà con, thương lái bắt đầu ép giá. Hiện giá chỉ bằng 50% so với các năm trước”.
Theo khảo sát thị trường, nếu như thời điểm này năm ngoái, giá cá chình loại 1 và loại 2 từ 350 - 550 ngàn đồng/kg thì nay giảm chỉ còn khoảng 120 -150 ngàn đồng/kg. Hiện tại, trong tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, chế biến các loại cá này. Vì thế, từ bấy lâu nay, phương thức tiêu thụ chủ yếu vẫn là các thương lái từ nhiều nơi đến thu mua trực tiếp trong dân. Do đó, tùy vào tình hình từng năm mà thương lái đưa ra mức giá mua khác nhau, dĩ nhiên nông dân luôn là người phải chịu nhiều thiệt thòi.
Thế nên, người nuôi cá chình, cá bống tượng hiện phải đứng trước hai lựa chọn, một là tiếp tục duy trì các ao cá để chờ giá và chờ mưa xuống; hai là bán đi để tránh thua lỗ ngày một nặng thêm. Nhưng “bỏ thì thương mà vương thì tội” vì hiện giá cá thịt bán ra cũng chỉ bằng cá giống. Do đó, dù có bán, nhiều hộ cũng cầm chắc “trắng tay”, còn nếu giữ lại thì không có nước ngọt bổ sung, bên cạnh đó là nguy cơ cá bị dịch bệnh là không hề nhỏ.
Ông Trương Tấn Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành: “Ngoài động viên, địa phương khuyến cáo bà con giảm diện tích nuôi năm nay và cần dự phòng ao tích nước để châm nước cho ao cá. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị nạo vét các kênh nội đồng để tích trữ lượng nước mưa, dự phòng cho nuôi cá mùa hạn. Trước khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để cứu lấy các ao cá nuôi, người nuôi cần chủ động tìm phương cách che chắn giảm nhiệt cho cá, đồng thời cung cấp lượng nước đủ cho sự phát triển của cá”.
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 20.6, "Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi" đã đến thăm hỏi, chia sẻ với chủ tàu cá mang số hiệu QNg 95821 TS, bị Trung Quốc tông bể mạn khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 16.6 vừa qua.
Việc thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng do thương lái Trung Quốc sang tranh mua đã đặt hàng loạt doanh nghiệp trong nước vào tình thế vô cùng khó khăn.
Nông dân ở các vùng tôm, bên cạnh phát triển nghề nuôi tôm, nếu biết cách canh tác nương theo sinh thái mặn - lợ theo mùa bằng những loại cây - con phù hợp, có thể làm giàu khi tận dụng được lợi thế “trời ban” cho đất Cà Mau mà ít địa phương nào trong vùng có được.