Người nối gần những điều khác biệt
Tuyên truyền khéo
Vĩnh Hảo có hơn 1.000 hộ dân nhưng có đến 10 đồng bào dân tộc cùng sinh sống ở 12 thôn bản, trong đó có 3 thôn bản đặc biệt khó khăn. Năm 2007, anh Phú đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Hảo khi mới 28 tuổi. Hội ND xã đang có nhiều khó khăn như số hội viên ít ỏi, chi hội sinh hoạt èo uột, quỹ hội trống rỗng.
Hiểu rõ việc “có thực mới vực được đạo”, sau khi nhận chức “thủ lĩnh” Hội ND, anh Phú đã nghĩ ngay đến việc gây dựng quỹ hội. “Hội ND xã đã tiến hành rà soát lại danh sách hội viên, xóa tên các hội viên không tham gia sinh hoạt, đưa công tác quản lý hội viên chặt chẽ, tổ chức sinh hoạt đầy đủ và thường xuyên hơn. Rồi công tác tuyên truyền phải làm sao để có nhiều hội viên tự nguyện vào hội. Vẫn biết lúc ấy, thu hút được đông đảo hội viên là việc làm rất khó”- anh Phú chia sẻ.
"Theo tôi, cán bộ Hội ND phải hiểu được những khó khăn trong cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp có kế hoạch hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho bà con”.
Anh Nguyễn Văn Phú
Gần chục năm nay, anh Phú không ngại đường sá khó khăn để vào những thôn bản xa xôi nhất của Vĩnh Hảo tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các hoạt động công tác hội và phong trào ND. “Hơn 60% người dân nơi đây là dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Mông, Cờ Lao… Đối với bà con dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và sự hiểu biết còn nhiều hạn chế, để họ thay đổi cách nghĩ nếp làm, cán bộ phải khéo léo, sáng tạo.
Nội dung tuyên truyền không dài dòng, trừu tượng mà phải dẫn chứng cụ thể bà con mới hiểu được. Đơn cử như vận động bà con đưa cây, con giống mới vào sản xuất phải dẫn chứng cụ thể hộ dân nào trong xã đã thực hiện chuyển đổi, có thu nhập ra sao, cách làm của hội viên đó như thế nào… Chính tôi phải là người làm trước để bà con “tai nghe mắt thấy”- anh Phú nói.
Giúp hội viên xóa nghèo
Những năm qua, các hoạt động tuyên truyền của Hội ND xã Vĩnh Hảo luôn gắn liền với việc chăm lo lợi ích của hội viên. Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như trồng cam VietGAP, chè, keo... Hiểu rõ vốn làm ăn là “chìa khóa vàng” để ND thực sự bứt phá, với vai trò Chủ tịch Hội, anh Phú luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hộ tiếp cận các “kênh” vốn vay ưu đãi…
Hiện, Hội ND xã đang nhận ủy thác hơn 3,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 600 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ T.Ư Hội NDVN. Số vốn này đã trợ giúp đắc lực cho gần 300 hội viên, ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, hàng năm Hội ND phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con.
Cùng với việc phát triển kinh tế, Hội ND còn chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, như tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao… Hội viên nào ốm đau hay có việc hiếu, hỉ, luôn được Hội thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ kịp thời. Thấy rõ việc được quan tâm, chăm lo lợi ích, ND xã Vĩnh Hảo tham gia sinh hoạt hội ngày càng đông. Quỹ hội từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay anh Phú đã vận động hội viên gây quỹ được hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra còn hơn 30 triệu đồng do các chi hội 12 thôn bản trực tiếp quản lý để cho các hộ ND vay vốn phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Bỏ nuôi bò, ông Nguyễn Bá Đào (50 tuổi, trú xã Canh Vinh, huyện miền núi Vân Canh, Bình Định) chuyển hẳn sang nuôi hươu, nai lấy nhung. Nhờ “bí kíp” riêng, ông Đào có thu nhập 100 triệu đồng/ năm từ mô hình chăn nuôi này.
Chiều 24.7, tại Cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa, Phú Yên), Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) tổ chức hạ thủy, bàn giao tàu cá vỏ thép (số hiệu PY-99998) cho ngư dân Nguyễn Văn Chúng (thị trấn Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa).
Vào mùa mưa, nấm mối tự nhiên bắt đầu xuất hiện ở nhà vườn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, nước mặn xâm nhập nên lượng nấm mối rất ít, giá bán hơn 1 triệu đồng/kg nhưng có tiền chưa chắc đã mua được hàng.