Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người máu nuôi nai

Người máu nuôi nai
Ngày đăng: 05/05/2015

Nghề thú y dẫn chân anh đến không sót ngóc ngách nào trên huyện miền núi này.

Nhờ vậy anh phát hiện ra mô hình nuôi nai hiệu quả. Từ đó anh “mê” nai đến mất ăn mất ngủ, để bây giờ anh đang “hái” tiền từ nghề nuôi nai. Đó là anh Lê Thanh Long (SN 1965) ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).

Sướng hơn nuôi bò

Theo lời kể của anh Long, mặc dù công việc chính của anh là làm thú y viên, nhưng từ lâu anh đã lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Cách đây 10 năm, ngoài công việc đi chích thuốc chữa bệnh cho heo, phối tinh cho bò trên địa bàn, trong chuồng nhà anh Long luôn ổn định dăm ba chục con heo và nuôi thêm 4 con nhím.

Riêng chăn nuôi mỗi tháng gia đình anh Long kiếm chắc mẫm vài chục triệu đồng. Với nhiều nông dân, chuyện làm ăn như thế là ổn, nhưng với anh Long thì khác, anh luôn tìm tòi và luôn muốn “làm mới” chuyện làm ăn.

Năm 2007, một hôm, trong cuộc họp trực báo của ngành chuyên môn, anh tình cờ nghe chuyện nuôi nai thành công của một người bạn ở xã Ân Tín (cùng huyện Hoài Ân) và anh Long được biết ngày mai sẽ là ngày bạn anh cắt nhung nai.

Không bỏ lỡ cơ hội, anh liền có mặt. Hôm cắt nhung nai nhà bạn đông như ngày hội, nhiều người đến tham quan mô hình, đông nhất là người đến mua nhung. Hồi ấy, 1 kg nhung nai bạn anh bán được đến 22 triệu đồng.

Tìm hiểu thêm, anh Long biết chuyện nuôi nai không khó, hiệu quả kinh tế lại cao nên sau khi từ nhà bạn về, lòng anh Long luôn ôm ấp chuyện nuôi nai.

Thuyết phục mãi, bạn anh mới đồng ý bán lại 1 con nai đực còn tơ, chưa lên sừng, nặng khoảng 40 kg với giá 17 triệu đồng. Vào năm 2007, 17 triệu đồng là 1 tài sản của nông dân. Không nghĩ ngợi, không mặc cả, anh Long mua ngay. Khi con nai này cho thu hoạch lứa nhung đầu tiên, anh Long đã thu hồi được khoản tiền đầu tư mua nó.

“Tôi chưa thấy loại vật nuôi nào dễ nuôi như nai. Nó ăn hàng trăm thứ cỏ, lá, đến cả thân chuối chặt khúc chúng cũng xơi tuốt. Tôi thuê người trong làng hàng ngày lên rừng chặt lá cây về làm thức ăn cho nai. Khi bỏ lá rừng vào chuồng, nếu có lẫn lá cây độc, nai loại ra ngay, nhất định không ăn.

Đã là năm thứ 10 tôi nuôi nai nhưng chưa hề thấy chúng bị dịch bệnh gì nghiêm trọng. Nai chỉ thường mắc bệnh lở mồm long móng ở 4 móng chân, nhưng nếu phòng trừ tốt thì chẳng nguy hại gì. Chỉ cần cho ăn đúng bữa, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ là nai lớn ào ào”, anh Long cho biết.

Con nai đầu tiên cho hiệu quả trông thấy, qua năm sau (2008) anh Long mua thêm 1 cặp nai, con đực đã được 2 năm tuổi và con cái khoảng 40 kg tại trại giống Mân Nga ở phường Gềnh Ráng (TP Quy Nhơn) với giá 39 triệu đồng. Một năm sau, con đực cho thu hoạch nhung, còn con cái thực hiện được nhiệm vụ tăng đàn.

Theo anh Long, công đoạn khó nhất trong nghề nuôi nai là khi thu hoạch nhung. Bởi nai là loài vật rất nhát, nếu trong lúc khai thác nhung thao tác không đúng kỹ thuật, khiến nai sợ sệt vùng vẫy sẽ làm chúng bị chấn thương, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của nai.

Anh Long chia sẻ: “Khi khai thác nhung phải cho nai vào cái tó được xây kiên cố có song sắt, phải cần đến 7 - 8 thanh niên ép nai nằm xuống, giữ chặt, sau đó dùng cưa sắt đã sát trùng kỹ cưa sừng.

Sau khi sừng đã được cưa, cần phải ga-rô và dùng gạc y tế cầm máu vết thương cho nai. 1 tiếng sau phải tháo dây buộc ga-rô, nếu để lâu sẽ bị hư gốc sừng, nai không cho nhung được nữa”.

Gia trại nuôi nai của anh Lê Thanh Long được ngành chức năng “xếp thứ tự” là cơ sở nuôi nai thứ 7 được hình thành tại Bình Định, do ngành kiểm lâm quản lý và kiểm tra định kỳ. Mỗi khi anh Long xuất bán nai giống đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp chứng nhận và giấy kiểm dịch bài bản.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Long, 1 con nai cho thu hoạch nhung suốt 30 năm. 10 năm nay, năm nào anh Long cũng đều đều thu tiền từ bán nhung nai. Có người thu hoạch mỗi năm 2 lần trên 1 con nai, nhưng theo kinh nghiệm của anh Long thì thu hoạch như thế dễ làm hư nai, để dưỡng nai chỉ nên thu hoạch 1 lần/năm.

Nai con đẻ ra nuôi 2 năm sau là đã cho thu hoạch nhung, càng về sau, lượng nhung nai cho càng nhiều. Từ năm thứ tư, mỗi con nai đực có thể cho từ 1,2 kg nhung trở lên, đến năm thứ 6 lượng nhung nai cho còn cao hơn nữa.

“Chế độ ăn uống cũng góp phần trong việc nai cho nhung nhiều hay ít. Với con nai, càng đầu tư thì càng thu lãi cao”, anh Long nói.

Theo chia sẻ của anh, vì nai vốn là động vật hoang dã nên thức ăn “khoái khẩu” của nai là những loại lá cây rừng, cỏ chỉ để ăn phụ. Chế độ ăn của nai là 70% lá cây rừng và 30% cỏ, cho ăn xen, ngày cho ăn 2 lần.

Nai thích ăn vào ban đêm, nên bữa ăn đầu trong ngày cho ăn vào lúc 8 - 9 giờ sáng, đến chiều muộn cho ăn bữa tối vào đêm. Chế độ ăn của nai cần được tăng lên khi sừng nai đã già, sắp cho nhung. Lúc này, nai cần tiếp thêm các khoáng chất có trong bắp, đậu nành, đậu xanh, đậu đen...

Nhưng những loại thức ăn mang tính bồi dưỡng này không được cho ăn quá đà, chỉ cần 3 lạng/con/ngày để tránh nai bị lâm bệnh tiêu chảy.

“Nuôi 6 con nai tiêu tốn thức ăn chỉ bằng nuôi 2 con bò. Sức đề kháng của nai rất cao nên ít bị dịch bệnh. Hiện nay giá nhung nai luôn ổn định mức 15 triệu đồng/kg. Chi phí ít, thu nhập cao nên nghề nuôi nai đang được nhiều nhà nông rất thích”, anh Long khẳng định.

Từ 3 con nai ban đầu, đến nay, lũ nai ở nhà anh Long ngày càng tăng đàn. Trong suốt 10 năm theo nghề nuôi nai, năm nào khá nhất anh Long thu được tiền bán nhung 110 triệu đồng, năm ít nhất cũng gần 50 triệu đồng. Đó là chưa tính khoản thu từ xuất bán nai giống.

Anh Long nhớ lại: “Tôi bán nai nhiều lắm, tính không xuể, ai có nhu cầu nuôi là tôi bán ngay. Chỉ nhớ cặp nai 2 năm tuổi bán được nhiều tiền nhất là 65 triệu đồng vào năm. Sang năm 2014 tôi bán tiếp cặp khác nhỏ hơn với giá 55 triệu đồng.

Nai đực được tính giá cao hơn nai cái vì nó cho nhung, còn nai cái chỉ có sinh sản. Hiện số nai trong chuồng có 5 con đực đang thời kỳ cho thu hoạch và 1 con cái tháng 6 tới là bắt đầu sinh sản, nó sẽ tiếp tục làm tăng đàn cho chuồng nai của tôi”.

“Ngoài lấy nhung, mấy năm qua tôi còn cung cấp nai giống cho những người có nhu cầu. Mỗi khi bán nai giống cho ai tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm nuôi, khai thác nhung để người mới vào nghề đỡ lúng túng”, anh Long chia sẻ.

Nhung hươu, nai là 1 trong những sản vật quý do thiên nhiên ban tặng, có tác dụng đặc biệt với sức khỏe và cơ thể con người. Do đó, từ lâu nhung hươu, nai đã được đưa vào các bài thuốc Đông y như thành phần quan trọng để chữa nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng phải theo chỉ dẫn chứ không được dùng bừa bãi.


Có thể bạn quan tâm

Giá lúa gạo tăng Giá lúa gạo tăng

Sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp, giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL tăng từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, An Giang…

16/10/2015
Đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp Đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 32/CĐ-TW yêu cầu các tỉnh, TP, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất.

16/10/2015
Hồng quân cây chịu hạn cho kinh tế cao ở vùng núi Hồng quân cây chịu hạn cho kinh tế cao ở vùng núi

Hiện nay, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang vào mùa thu hoạch rộ Hồng quân núi. Nhờ cây hồng quân mà bà con quanh khu vực Núi dài, Núi Két, Núi Cấm có được nguồn thu nhập khá cao và giải quyết được công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động khi vào mùa thu hoạch.

16/10/2015
Tỷ phú cam sành Tỷ phú cam sành

Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lâm Thành Thắm, ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã thành công từ việc trồng loại cây có múi với nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

16/10/2015
Hết ruộng, nông dân vẫn thích vào hội Hết ruộng, nông dân vẫn thích vào hội

Mặc dù đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều nhưng hàng năm số hội viên ND kết nạp mới vẫn tăng. Có được điều này là do các cấp Hội ND trong quận đã nỗ lực xây dựng và triển khai các hoạt động sát sao, thiết thực với lợi ích của hội viên.

16/10/2015