Người Dân Vĩnh Long Ồ Ạt Trồng Cam
Giá cao, lợi nhuận nhiều nên thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã ồ ạt lên liếp để trồng cam. Giờ đây, huyện Trà Ôn đã đứng đầu về diện tích cam trong tỉnh. Tuy nhiên, theo ngành chức năng của địa phương, cách trồng của người dân chưa bền vững.
Bỏ lúa trồng cam
"Tôi có 8.000m2 trồng cam, trong đó 3.000m2 thuê của người khác. Tôi thuê đất trồng cam vì lợi nhuận khá hấp dẫn, với diện tích trên, giá bán cam khoảng 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Tôi đang tìm thuê đất ruộng để tiếp tục lên liếp trồng cam" – ông Nguyễn Văn Hưng, ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, cho biết. Còn ông Phan Văn Thịnh, ngụ cùng ấp Giồng Gòn, trồng cam có quy mô lớn hơn ông Hưng.
Ông Thịnh nói: "Ban đầu trồng 1ha có lời cao, tôi đã thuê thêm 1ha nữa để trồng. Rất nhiều hộ dân trong ấp này đã bỏ cây lúa, cây ăn trái khác để chuyển sang trồng cam. Hiện trên 90% diện tích của ấp là trồng cam".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ấp Giồng Gòn, nhiều ấp khác thuộc xã Thuận Thới, dù lúa đang trong giai đoạn mạ, người dân đào bỏ để lên liếp trồng cam. Trong số này, có diện tích do chính chủ đất trồng hoặc người dân nơi khác đến thuê với giá 4 triệu đồng/công/năm, thời hạn trả lại đất là 5 năm.
Với giá này người dân có ít vốn, chưa có kỹ thuật trồng cam sẵn sàng cho thuê vì trồng lúa không thể đạt được lợi nhuận bằng với số tiền cho thuê đất!.
Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thuận Thới, cho biết: "Diện tích nông nghiệp của xã khoảng 881ha, diện tích trồng cam sành là 574ha trong đó đã có khoảng 300ha là người dân trồng tự phát. Do thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ đua nhau trồng và xã khó ngăn cản".
Phong trào trồng cam giờ nở rộ ra nhiều xã trên địa bàn huyện Trà Ôn. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch xã Hựu Thành, nhiều hộ trồng tự phát, bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương. Nguyên nhân người dân chuyển trồng lúa sang trồng cam chủ yếu vì lợi nhuận cao, khoảng 200-300 triệu đồng/1.000m2/năm. Có nhiều hộ lời 1-2 tỉ đồng là chuyện thường.
Nhiều rủi ro
Tuy bước đầu, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cam đã mang lại lợi nhuận cao cho người trồng nhưng các ngành chức năng địa phương cho rằng, cách trồng của người dân sẽ không duy trì được hiệu quả lâu dài.
Các vườn cam trồng rất dày, có hộ trồng trên 1.000 cây/1.000m2 trong khi đó ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ trồng từ 200-300 cây/1.000m2. Theo lý giải của người dân, việc trồng dày sẽ giúp cho cam phát triển nhanh (gốc ít ánh sáng nên luôn có độ ẩm, cành và nhánh mau vượt), nếu phối hợp với các kỹ thuật bón phân, thuốc kích thích thì sẽ cho trái sớm.
Ông Đặng Văn Chính, ngụ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Hựu Thành, cho biết: "Trồng dày và các biện pháp kích thích sẽ giúp cây cho trái sớm. Theo đó, cam trồng 2 năm sẽ bắt đầu thu hoạch. Với cách trồng này thì sau 2 hoặc 3 vụ thu hoạch thì cây chết vì kiệt sức, tính bền vững không có".
Mặc dù nhiều người dân biết trồng cam quá dày sẽ nhiều rủi ro và gặp trở ngại về sau khi cung vượt cầu. Tuy giá cam đang tăng nhưng không bền vững.
Thêm vào đó, người dân vẫn chưa xử lý hiệu quả các bệnh trên cam, đặc biệt là bệnh thối rễ, khi xuất hiện bệnh này, người dân chỉ biết đốn bỏ cây. Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, nói: "Từ năm 2013 đến nay, 2 xã Thuận Thới và Hựu Thành diện tích trồng cam tăng rất nhanh.
Trong đó xã Thuận Thới tăng khoảng 90ha, Hựu Thành tăng khoảng 80ha, nâng tổng diện tích cam toàn huyện lên trên 9.300ha. Việc người dân trồng cam tự phát, theo phong trào nhưng xã không thể cấm.
Không riêng huyện Trà Ôn mà huyện Cầu Kè cũng xảy ra tình trạng này". Về định hướng trong thời gian tới đối với cây cam trên địa bàn huyện, theo ông Ngân, đất Trà Ôn rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái, trong đó có cam sành.
Về lâu dài, xã sẽ quy hoạch cụ thể vùng trồng cam theo Đề án tái cơ cấu cây trồng của tỉnh, vận động, hướng dẫn bà con trồng mô hình điểm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP (khoảng cách giữa các cây xa, năm thứ 3 hoặc năm 4 sau khi trồng mới cho thu hoạch, ít sử dụng thuốc hóa học…) và nhân rộng ra sau đó, tiến tới xây dựng thương hiệu.
Để phát triển bền vững, nhà vườn trồng cam nơi đây rất cần sự tiếp sức của các viện, trường và các ngành có liên quan có sự phối hợp nghiên cứu thuốc trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cam.
Có thể bạn quan tâm
1. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp Bệnh ở cá cũng như bệnh ở các động vật thuỷ sản khác xảy ra là do sự tương tác giữa vật chủ có tính mẫn cảm với bệnh, trong điều kiện môi trường không thuận lợi, cùng với sinh vật gây bệnh có sẵn trong môi trường cũng như cơ thể cá. Do vậy, động vật thuỷ sản chỉ bị bệnh khi 3 yếu tố sau đồng thời xảy ra:
Gần đây, mô hình nuôi cá trong ruộng lúa được nông dân nhiều địa phương áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Xin giới thiệu một số kỹ thuật khi áp dụng mô hình này.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm (QCVN 01 - 80: 2011/BNNPTNT), cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống (QCVN 01 - 81: 2011/BNNPTNT).
Để tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản nuôi, nhất là trong mùa hè nắng nóng hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt, người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường nuôi cho phù hợp với nhu cầu sinh thái của vật nuôi và ổn định trong suốt vụ nuôi, cụ thể như sau:
Qua tìm hiểu cán bộ Hội nông dân xã Khám Lạng, huyện Lục Nam chúng tôi được biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Biên, chị Dương Thị Hằng là một điển hình chăn nuôi giỏi với mô hình tổng hợp như nuôi lợn thịt, chim bồ câu, chăn gà lôi, nuôi giun quế mỗi mô hình đều đã đem lại nguồn thu lợi lớn cho vợ chồng anh chị. Nhưng không vì thế khát vọng vươn lên làm giàu luôn thường trực trong anh đã đưa anh nghĩ đến việc nuôi cua đồng thương phẩm.