Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Dân Vĩnh Long Ồ Ạt Trồng Cam

Người Dân Vĩnh Long Ồ Ạt Trồng Cam
Publish date: Friday. August 1st, 2014

Giá cao, lợi nhuận nhiều nên thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã ồ ạt lên liếp để trồng cam. Giờ đây, huyện Trà Ôn đã đứng đầu về diện tích cam trong tỉnh. Tuy nhiên, theo ngành chức năng của địa phương, cách trồng của người dân chưa bền vững.

Bỏ lúa trồng cam

"Tôi có 8.000m2 trồng cam, trong đó 3.000m2 thuê của người khác. Tôi thuê đất trồng cam vì lợi nhuận khá hấp dẫn, với diện tích trên, giá bán cam khoảng 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lời khoảng 200 triệu đồng.

Tôi đang tìm thuê đất ruộng để tiếp tục lên liếp trồng cam" – ông Nguyễn Văn Hưng, ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, cho biết. Còn ông Phan Văn Thịnh, ngụ cùng ấp Giồng Gòn, trồng cam có quy mô lớn hơn ông Hưng.

Ông Thịnh nói: "Ban đầu trồng 1ha có lời cao, tôi đã thuê thêm 1ha nữa để trồng. Rất nhiều hộ dân trong ấp này đã bỏ cây lúa, cây ăn trái khác để chuyển sang trồng cam. Hiện trên 90% diện tích của ấp là trồng cam".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ấp Giồng Gòn, nhiều ấp khác thuộc xã Thuận Thới, dù lúa đang trong giai đoạn mạ, người dân đào bỏ để lên liếp trồng cam. Trong số này, có diện tích do chính chủ đất trồng hoặc người dân nơi khác đến thuê với giá 4 triệu đồng/công/năm, thời hạn trả lại đất là 5 năm.

Với giá này người dân có ít vốn, chưa có kỹ thuật trồng cam sẵn sàng cho thuê vì trồng lúa không thể đạt được lợi nhuận bằng với số tiền cho thuê đất!.

Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thuận Thới, cho biết: "Diện tích nông nghiệp của xã khoảng 881ha, diện tích trồng cam sành là 574ha trong đó đã có khoảng 300ha là người dân trồng tự phát. Do thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ đua nhau trồng và xã khó ngăn cản".

Phong trào trồng cam giờ nở rộ ra nhiều xã trên địa bàn huyện Trà Ôn. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch xã Hựu Thành, nhiều hộ trồng tự phát, bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương. Nguyên nhân người dân chuyển trồng lúa sang trồng cam chủ yếu vì lợi nhuận cao, khoảng 200-300 triệu đồng/1.000m2/năm. Có nhiều hộ lời 1-2 tỉ đồng là chuyện thường.

Nhiều rủi ro

Tuy bước đầu, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cam đã mang lại lợi nhuận cao cho người trồng nhưng các ngành chức năng địa phương cho rằng, cách trồng của người dân sẽ không duy trì được hiệu quả lâu dài.

Các vườn cam trồng rất dày, có hộ trồng trên 1.000 cây/1.000m2 trong khi đó ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ trồng từ 200-300 cây/1.000m2. Theo lý giải của người dân, việc trồng dày sẽ giúp cho cam phát triển nhanh (gốc ít ánh sáng nên luôn có độ ẩm, cành và nhánh mau vượt), nếu phối hợp với các kỹ thuật bón phân, thuốc kích thích thì sẽ cho trái sớm.

Ông Đặng Văn Chính, ngụ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Hựu Thành, cho biết: "Trồng dày và các biện pháp kích thích sẽ giúp cây cho trái sớm. Theo đó, cam trồng 2 năm sẽ bắt đầu thu hoạch. Với cách trồng này thì sau 2 hoặc 3 vụ thu hoạch thì cây chết vì kiệt sức, tính bền vững không có".

Mặc dù nhiều người dân biết trồng cam quá dày sẽ nhiều rủi ro và gặp trở ngại về sau khi cung vượt cầu. Tuy giá cam đang tăng nhưng không bền vững.

Thêm vào đó, người dân vẫn chưa xử lý hiệu quả các bệnh trên cam, đặc biệt là bệnh thối rễ, khi xuất hiện bệnh này, người dân chỉ biết đốn bỏ cây. Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, nói: "Từ năm 2013 đến nay, 2 xã Thuận Thới và Hựu Thành diện tích trồng cam tăng rất nhanh.

Trong đó xã Thuận Thới tăng khoảng 90ha, Hựu Thành tăng khoảng 80ha, nâng tổng diện tích cam toàn huyện lên trên 9.300ha. Việc người dân trồng cam tự phát, theo phong trào nhưng xã không thể cấm.

 Không riêng huyện Trà Ôn mà huyện Cầu Kè cũng xảy ra tình trạng này". Về định hướng trong thời gian tới đối với cây cam trên địa bàn huyện, theo ông Ngân, đất Trà Ôn rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái, trong đó có cam sành.

Về lâu dài, xã sẽ quy hoạch cụ thể vùng trồng cam theo Đề án tái cơ cấu cây trồng của tỉnh, vận động, hướng dẫn bà con trồng mô hình điểm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP (khoảng cách giữa các cây xa, năm thứ 3 hoặc năm 4 sau khi trồng mới cho thu hoạch, ít sử dụng thuốc hóa học…) và nhân rộng ra sau đó, tiến tới xây dựng thương hiệu.

Để phát triển bền vững, nhà vườn trồng cam nơi đây rất cần sự tiếp sức của các viện, trường và các ngành có liên quan có sự phối hợp nghiên cứu thuốc trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cam.


Related news

Trồng Rau Muống Lấy Hạt, Lợi Nhuận 4,5 Triệu Đồng/công Ở Hiệp Xương (An Giang) Trồng Rau Muống Lấy Hạt, Lợi Nhuận 4,5 Triệu Đồng/công Ở Hiệp Xương (An Giang)

Nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân - An Giang) đang vào vụ thu hoạch rau muống lấy hạt. Các hộ trồng cho biết, hiện nay giá mỗi ký hạt rau muống khoảng 40.000 đồng, năng suất đạt 320 kg/công, trừ chi phí, nông dân thu lãi 4,5 triệu đồng/công. Hạt rau muống chủ yếu được bạn hàng từ các chợ Châu Ma, Vàm Xáng (Châu Phú), Chợ Vàm (Phú Tân) đến tận nơi thu mua.

Wednesday. February 27th, 2013
Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Lươn Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Lươn

Mới 23 tuổi nhưng Nguyễn Ngọc Phú đã là chủ một trang trại nuôi lươn tại huyện Củ Chi, TP.HCM với lợi nhuận hơn 12 triệu đồng mỗi tháng. Ðây là mô hình nuôi lươn trong bể xi măng lần đầu được thử nghiệm thành công tại huyện Củ Chi.

Thursday. February 28th, 2013
Điều Tươi Giá Cao Khiến Doanh Nghiệp Gặp Nhiều Rủi Ro Điều Tươi Giá Cao Khiến Doanh Nghiệp Gặp Nhiều Rủi Ro

Nhiều DN đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn lưu kho đợi giá tăng mới bán thì nhiều rủi ro

Friday. March 1st, 2013
Tập Trung Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Ngay Từ Đầu Vụ Ở Bắc Ninh Tập Trung Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Ngay Từ Đầu Vụ Ở Bắc Ninh

Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng, vì vậy thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chuẩn bị các điều kiện về ao nuôi, con giống, thức ăn nhằm phát triển chăn nuôi thủy sản ngay từ đầu vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Saturday. March 2nd, 2013
Thành Lập Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam Thành Lập Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam

Ngày 2-3, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, đại diện các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tham dự đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Monday. March 4th, 2013