Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Dân Nuôi Trồng Thủy Sản Trên Địa Bàn Huyện Cam Lâm Gặp Nhiều Khó Khăn

Người Dân Nuôi Trồng Thủy Sản Trên Địa Bàn Huyện Cam Lâm Gặp Nhiều Khó Khăn
Ngày đăng: 26/08/2013

Trên địa bàn huyện Cam Lâm hiện có 5 xã, thị trấn hoạt động nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 560 ha. Bà con chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú, cá các loại và trồng rong sụn.

Chính nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đã lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ trống ao đìa, số còn lại nuôi cầm chừng để duy trì nghề nuôi và hy vọng vào chính sách của Nhà nước

Vừa xuất bán lứa cá, ông Nguyễn Văn Tế ở xã Cam Thành Bắc đã than thở bởi vì không biết tìm đâu ra tiền để bù đắp vào số lỗ hơn 100 triệu. Giá cá chẽm xuống thấp, chỉ còn 49.000 đồng/kg trong thời gian gần đây khiến người nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm lao đao, trong khi chi phí đầu tư quá lớn. Ông Tế cũng cho biết, nếu hộ nào đi vay thì lỗ càng nặng hơn, nguy cơ phá sản là điều tất yếu.

Ông Tế tính toán: “Giống là 10 vạn, thu được 11 tấn, tỷ lệ cho ăn, đầu tư là 55 ngàn/con khi xuất, chưa tính tiền giống và tiền oxi. Vừa rồi bắt 11 tấn lỗ 110 triệu, tức là 10 triệu/tấn. Do cá xuất thấp quá, cá màu quá cao, cộng lại chi phí lỗ rất nhiều.”

Giá thức ăn cho cá đang tăng, nhưng điều khiến anh Đinh Công Thuận – một trong những hộ nuôi trồng thủy sản khá lâu năm tại Cam Lâm lo lắng là cá không còn lên ăn như mọi khi. Nếu cá có vấn đề thì chắc chắn anh Thuận trắng tay, vì bao nhiều tài sản của gia đình đều đổ vào ao cá này. Anh Thuận cho biết, nhiều hộ nuôi cá như anh đang có ý định bỏ nghề, vì nghề nuôi hiện rất khó, thị trường không ổn định, giá cá rớt liên tục, trong khi bà con đều đi vay vốn để duy trì hoạt động nuôi.

Anh Thuận cho hay: “Bà con ở đây không thả nữa, lỗ quá, vừa rồi ai cũng bắt một ô, còn một ô chưa bắt, lỗ cứ một tấn trên 10 triệu. Hiện tại tôi đang vay 200 triệu, lãi suất trả liên tục, cứ chờ giá bán cá có lên hay không. Không lên lỗ nữa.”

Lãnh đạo xã Cam Thành Bắc cho biết: tình hình nuôi trồng thủy sản của bà con trong 2 năm gần đây gặp nhiều trở ngại. Không chỉ người nuôi cá bị lỗ mà nhiều hộ nuôi tôm, trồng rong sụn cũng không còn vốn để tái sản xuất. Dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, giống không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Theo số liệu của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện, trong tổng số 560 ha nuôi trồng thủy sản, chỉ có khoảng 70% diện tích còn duy trì sản xuất ở mức độ cầm chừng, hy vọng vào may rủi. Nhiều địa phương đã giảm diện tích nuôi còn một nửa như ở xã Cam Hòa, Cam Hải Tây.

Ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc – huyện Cam Lâm cho biết: “Con giống địa phương không nắm được, có đạt chuẩn, bị bệnh hay không. Đầu ra cũng bị hạn chế bởi các tư thương, vấn đề là sau khi con giống thả xuống thì 10 đến 15 ngày là chết.”

Dẫu biết hoạt động nuôi đang gặp khó nhưng chính quyền địa phương không có cách nào giúp bà con, bởi lẽ, hiện quy hoạch vùng nuôi ở đây vẫn chưa thực hiện, chồng chéo với nhiều quy hoạch khác. Chính việc nuôi trồng gặp khó khăn đã gây sức ép lên đầm Thủy Triều - khi nhiều hộ nghỉ nuôi chuyển sang khai thác thủy sản, ổn định về kinh tế hơn.

Do vậy, địa phương cần có những chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình hiện nay, giúp bà con phát triển nghề nuôi, giải quyết được nhiều vấn đề mang tính kinh tế và xã hội.

Theo ông Nguyễn Trung Phường – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa – huyện Cam Lâm: “Liên tục trong nhiều năm thua lỗ nguồn vốn đã hụt hẫng, người dân không dám đầu tư. Muốn khắc phục thâm canh nuôi trồng, trong thời điểm thả nuôi nên có các lớp tập huấn, để nông dân mạnh dạn đầu tư”.

Đại diện phòng NN&PTNT huyện cho biết: trong những năm gần đây, huyện đã vận động bà con kiểm soát đầu vào, chuyển đổi vật nuôi, tập trung nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả như: nuôi ngao, cá dìa, hải sâm, sá sùng.

Nhưng thực tế cho thấy, việc nhân rộng mô hình đến bà con vẫn còn là khoảng cách khá xa. Bà con vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, do thiếu vốn, đầu ra không ổn định, việc kiểm soát nguồn nước còn hạn chế. Nếu những vấn đề này chưa được giải quyết thì nghề nuôi trồng thủy sản ở Cam Lâm sẽ vẫn tiếp tục không tìm được lối ra.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Cà Phê Ghép Ở Đắk Som (Đắk Nông) Hiệu Quả Từ Mô Hình Cà Phê Ghép Ở Đắk Som (Đắk Nông)

Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.

21/07/2014
Chu Kỳ Cho Trái Chu Kỳ Cho Trái "Đảo Lộn", Nông Sản Tết Nguy Cơ Khan Hàng

Trước tình hình thời tiết không thuận lợi kèm theo năm nhuận nên chu kỳ cho trái của một số loại trái cây phục vụ Tết Ất Mùi tại các nhà vườn ở ĐBSCL bị “đảo lộn”, dẫn đến năng suất và chất lượng bị ảnh hưởng, nguy cơ khan hiếm hàng để bán tết là rất cao.

06/12/2014
Hiệu Quả Nuôi Heo Rừng Hiệu Quả Nuôi Heo Rừng

Heo rừng là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, thức ăn dễ tìm; quy trình nuôi, cách chăm sóc cũng không quá khó nên mô hình này ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.

21/07/2014
Liên Kết Sản Xuất Giúp Giảm Chi Phí Nuôi Lợn Liên Kết Sản Xuất Giúp Giảm Chi Phí Nuôi Lợn

Nhà bà Ngoan vừa làm đại lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (TACN) và nuôi 30 lợn lái, 100 lợn thịt, với lợi nhuận mỗi năm 200 triệu đồng. “Hàng ngày, các hộ chăn nuôi trong thôn, trong xã thường phải đi mua TACN, thuốc thú y nên tiện thể tới luôn nhà tôi để trao đổi thông tin và kinh nghiệm làm ăn. Sau hơn 10 năm chăn nuôi, vợ chồng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm để trao đổi với bà con” - bà Ngoan cho biết.

06/12/2014
Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng” Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng”

Đến nay, việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng loại cây trồng này đồng thời đặt ra bài toán về “đầu ra” của sản phẩm. Huyện Lập Thạch xác định, để mở rộng thị trường thì điều quan trọng nhất và cần làm ngay lúc này chính là phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

21/07/2014