Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người chủ trang trại chăn nuôi với giải thưởng Lương Định Của

Người chủ trang trại chăn nuôi với giải thưởng Lương Định Của
Ngày đăng: 29/06/2015

Bỏ phố về quê

Năm 2007, tốt nghiệp THPT, Nguyễn Minh Dương nhập ngũ trở thành lính thông tin đóng quân tại Hà Tây. Rời quân ngũ, chàng trai trẻ sinh năm 1989 khăn gói lên Hà Nội học nghề lái taxi và quyết bám trụ tại Thủ đô. “Như bao thanh niên nông thôn khác, tôi nghĩ Thủ đô rất dễ làm ăn, có thể là miền đất hứa. Tuy nhiên, 2 năm lăn lộn tại đây, lái xe đưa khách rong ruổi khắp các ngõ phố, tôi chợt nhận ra, đây rõ ràng không thể là nơi để tôi nuôi thân lâu dài. Sinh ra vốn quen với cây lúa, đàn gà, con lợn, nếu muốn ổn định cuộc sống, tôi chỉ có thể bắt đầu từ đây”, Dương cho biết. Thế là Dương trả xe, rời Thủ đô hoa lệ về quê.

“Khi đó, tôi vẫn nhớ như in lời bố tôi động viên, nhà mình có nghề, có đất, có ao, có vườn… sợ gì chết đói. Chỉ cần con chăm chỉ, việc gì cũng có thể thành. Tôi nghĩ, bố tôi nói vậy đúng quá. Ở quê, chả ai chết đói bởi ruộng đất nhiều. Nhưng để làm giàu, tôi cũng nản, bởi nhìn bố tôi đó, bao năm lăn lộn với ruộng nương, ao hồ mà có thấy giàu đâu”, Dương chia sẻ thật lòng. Vì “chưa thấy bố giàu”, Dương quyết định phải tìm một hướng đi mới, khác với bố. Bố của Dương cả đời gắn bó với nghiệp VAC, ông có 1 trang trại rộng 6ha chuyên nuôi lợn thịt và cá. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thu lại chưa cao. Năm 2011, Dương về nhà được ông chú họ, vốn là 1 “tay VAC” có tiếng của Xuân Trường động viên, mở hướng, Dương quyết định chuyển đối tượng chăn nuôi.

Dương bàn với bố, nuôi lợn thịt không được thì nuôi lợn siêu nạc. Nghĩ là làm, bố con Dương chuyển hướng làm ăn. Quyết tâm là thế nhưng đùng một cái thay đàn lợn, đàn cá đâu phải dễ, muốn làm được phải có vốn, có tiền. Không nản, gia đình Dương mỗi người một phía chạy đôn đáo đi “tìm vốn”. “Thời điểm năm 2011 mà vay gần 700 triệu đồng để làm ăn, em cũng lo lắm chứ. Nhưng không thể vì thế mà hạ quyết tâm xuống. Hơn nữa, đây là một kế hoạch được tính toán tỉ mỉ nên em không sợ”, Dương tự tin nói. Để “thay máu” con nuôi, Dương cùng với bố đã nghiên cứu rất kỹ thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, chịu khó đi nhiều nơi như Thái Bình, Hà Nam… học hỏi kinh nghiệm nuôi, gây giống lợn từ các chủ trại khác… rồi mới dám bắt tay vào làm.

Chắc chắn về kế hoạch lớn, Dương dồn tiền nuôi tới 400 con lợn siêu nạc. Đối với diện tích mặt nước ao, Dương cũng có những “cải cách” triệt để các loại cá. Theo đó, Dương chỉ nuôi các loại cá thịt truyền thống như trôi, trắm, chép, mè… thay vì nuôi tạp như bố Dương thường làm. Năm đầu tiên khởi nghiệp từ trang trại, chàng trai trẻ đã mạnh dạn thả tới 15 tấn cá thịt các loại. Vụ mùa 2012 kể từ khi bỏ phố về quê, chàng trai trẻ “trúng đậm” do lợn được giá, cá được mùa. Sau khi trừ chi phí, Dương thu lãi trên 700 triệu đồng. Mùa VAC đầu giúp Dương củng cố niềm tin để hoàn thành ước mơ lớn, là triệu phú VAC.

Hoàn thành ước mơ lợn đầy chuồng, cá đầy ao

Trúng mùa vụ đầu, Dương có vốn để tái sản xuất, đầu tư thêm các con nuôi khác. Với trên 700 triệu đồng tiền lãi, Dương bắt tay ngay vào xây chuồng trại nuôi lợn. Theo đó, Dương đầu tư vốn trên 1 tỷ đồng xây khu chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu nước, đặc biệt là dàn phun làm mát chuồng trại hiện đại. Hiện, Dương có 3 chuồng lợn, trong đó 2 chuồng dành để nuôi lợn thịt, diện tích 1.040m2, quy mô 350 - 400 con, 1 chuồng nuôi lợn nái, diện tích 390m2, sức chứa 50 con.

Ngoài ra, Dương cũng dành một phần vốn để đặt mua những con giống tốt nhất, phục vụ nhu cầu chăn nuôi... Cũng trong năm này Dương kết hợp nuôi thêm trâu thịt để bán. Ban đầu, Dương nuôi 15 con trâu thịt. Dưới ao, Dương thuê người nạo vét, múc ao, cải tạo bờ kè và thả khoảng 20 tấn cá thịt. Sử dụng mặt nước ao mát mẻ, tăng thêm nguồn thức ăn cho cá, Dương còn kết hợp trồng khoảng 5.000 cây chuối tây. Tuy nhiên, vụ mùa thứ 2, trang trại của Dương ít nhiều chịu tổn thất. Khi dịch lở mồm long móng bùng phát, 1 chuồng nuôi lợn của Dương bị nhiễm bệnh.

Nhanh chóng, Dương cùng gia đình tìm biện pháp xử lý, khống chế để dập tắt dịch, tránh lây lan cho bầy. Vì vậy, hạn chế đáng kể được thiệt hại. Trang trại của Dương do đó tiếp tục cho hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2014, nhận thấy nuôi trâu, trồng chuối không thu được nhiều lợi nhuận trong tình hình hiện tại, Dương lại xoay hướng làm ăn. “Em tính toán mãi, hạ quyết tâm tập trung vào những loại vật nuôi mà gia đình mình có thế mạnh nhất, tránh đầu tư dàn trải vừa mất thời gian chăm sóc, vừa không thu về hiệu quả kinh tế. Vì vậy, em chỉ nuôi cá thịt và lợn”. Thời điểm này, Dương vẫn duy trì đàn lợn nái 40 con, 200 lợn thịt, nuôi thêm khoảng 500 vịt. Dương vẫn áp dụng cách thức nuôi 20 tấn cá theo kiểu gối đầu, cá to xuất bán, con bé lớn lên là vừa.

Nhờ nhanh nhạy chuyển hướng kinh doanh kịp thời, năm 2014, tổng thu trang trại của Dương đạt trên 3 tỷ đồng. Trừ công sá, thức ăn cho cá, lợn, chi phí giống má…, Dương thu lãi 600 triệu đồng. Năm 2015, Dương đang “ôm” những kế hoạch lớn hơn. Dương mơ ước có thể xây được hệ thống chuồng trại nuôi lợn quy mô hơn. Nếu có tiền, Dương sẽ xây thêm chuồng để tách lợn đẻ và lợn thịt riêng. Như vậy, lợn đẻ sẽ được ở khu rộng rãi, thoáng mát, phòng được dịch bệnh, tiện cho việc chăm sóc, cho ăn.

Diện tích trang trại “khổng lồ”, khối lượng công việc lớn, trang trại VAC của Dương thường xuyên tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với thu nhập từ 2,8 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, Dương chia sẻ: “Ai đến hỏi han, học tập kinh nghiệm em đều sẵn lòng tiếp đón. Quý nhất là những bạn thanh niên trẻ như em tìm đến, bởi nhìn thấy họ, em thấy lại mình vài ba năm trước. Hăm hở, nhiệt huyết muốn làm giàu nhưng còn thiếu kinh nghiệm, thiếu những sự hỗ trợ, động viên về vốn, kỹ thuật…

Vì vậy, em giúp đỡ nhiệt tình, từ đó hy vọng tạo ra những động lực cho tuổi trẻ phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. Hỏi Dương có băn khoăn gì không, Dương cười: mong mỏi lớn nhất của em là các cấp, ngành có nhiều biện pháp, tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Quan trọng nhất là giúp chúng em được vay vốn. Bởi ai khi khởi nghiệp cũng nan giải về vốn, cũng cần kêu gọi giúp đỡ. Với thanh niên nông thôn, điều đó càng có ý nghĩa quyết định. Đất đai nhiều, con người thì cần cù chịu khó, nếu có thêm vốn, em tin nhiều thanh niên sẽ chọn con đường lập nghiệp như em. Chúng em sẽ không phải “ly nông bất ly hương”.

Thành công từ những người dám nghĩ, dám làm, biết chấp nhận khó khăn thử thách và tìm mọi cách để vượt qua nó. Từ một thanh niên lái taxi suốt ngày nay đây mai đó đến ông chủ trang trại, tỷ phú trẻ, giải thưởng vinh danh thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc, con đường đi của Nguyễn Minh Dương không phải là thiếu chông gai, thử thách. Nhưng vượt qua tất cả, ở trong Dương luôn tồn tại mãnh liệt khát vọng làm giàu, ý thức gắn bó với mảnh đất quê hương thôi thúc. Hy vọng rằng, thời gian tới tỷ phú VAC trẻ vẫn giữ được quyết tâm, nhiệt huyết đó để truyền lửa cho bao thanh niên khác.


Có thể bạn quan tâm

Hùng Vương nhảy vào chăn nuôi Hùng Vương nhảy vào chăn nuôi

Vốn là Cty XK cá tra hàng đầu Việt Nam, bỗng Cty CP Hùng Vương tuyên bố đi nuôi heo và làm cám.

16/10/2015
Nuôi bò lai hướng thịt năng suất cao Nuôi bò lai hướng thịt năng suất cao

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Lạng Giang triển khai mô hình lai tạo giống bò B.B.B tại xã Tân Hưng.

16/10/2015
Quản chặt sử dụng thuốc thú y, chế phẩm trong chăn nuôi Quản chặt sử dụng thuốc thú y, chế phẩm trong chăn nuôi

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị trực tiếp các chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương làm chặt chẽ hơn việc quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

16/10/2015
Khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi 200 ngàn tấn/năm Khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi 200 ngàn tấn/năm

Ngày 13-10, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh đã khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có công suất trên 200 ngàn tấn/năm tại Khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

16/10/2015
Nỗi lo tiêu rụng trái non Nỗi lo tiêu rụng trái non

Nhiều hộ trồng tiêu tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai khá lo lắng khi thấy các trụ tiêu trong vườn đang phát triển xanh tốt lại bị rụng từng chùm trái non. Có hộ cho rằng, đó là vì bệnh rụng sinh lý hoặc tiêu quá sai nên cây không đủ sức nuôi nên tự loại thải…

16/10/2015