Ngư Dân Thừa Thiên - Huế Khó Tiếp Cận Vốn Phát Triển Thủy Sản
Phần lớn ngư dân tại địa phương đều chưa biết các tiếp cận nguồn vốn vay như thế nào.
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ngư dân kỳ vọng có thêm điều kiện để đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay hầu hết ngư dân vẫn còn băn khoăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, ông Ngô Đức Tâm, ngư dân ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để bám ngư trường dài ngày và đánh bắt hiệu quả thì phải đầu tư đóng tàu công suất lớn. Hai năm trước, ông Tâm đã mạnh dạn vay vốn nâng cấp công suất tàu cá lên trên 200 CV. Bây giờ ông Ngô Đức Tâm rất vui khi chủ trương mới đã tạo điều kiện cho bà con vươn khơi xa.
“Hiện nay tàu thuyền của bà con ngư dân đã có sẵn, nguyện vọng của ngư dân ở đây muốn vay vốn để sửa chữa lại tàu cho vững chắc hơn hoặc là mua máy tàu có công suất lớn hơn, mạnh hơn để ra khơi”, ông Tâm cho biết.
Theo kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế được phân bổ đóng mới 45 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, công suất từ 400 CV trở lên. Nhưng, hiện nay người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Lê Giáp, ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hầu hết ngư dân đều muốn nắm bắt cơ hội này để đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, nhưng hiện nay ngư dân đều không biết tiếp cận nguồn vốn vay như thế nào.
“Ngư dân mong muốn Chi cục thủy sản cho ngư dân biết rõ hơn về quy trình, thủ tục hoàn thiện hồ sơ để đăng ký vay vốn. Hiện nay ngư dân không biết vay vốn ở chỗ nào, cơ quan nào cấp phát hồ sơ…”, ông Giáp cho hay.
Đến thời điểm này, đã có 92 hộ ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng ký đóng mới và nâng cấp cải hoán tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Thế nhưng, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có danh sách chính thức các hộ được xét duyệt vay vốn. Ngoài ra, điều kiện và quy định trong việc thẩm định cho vay của các ngân hàng thương mại khiến nhiều ngư dân không mặn mà.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, khi nghe thông tin có chính sách hỗ trợ, ngư dân đều háo hức trước cơ hội phát triển. Tuy nhiên, Sở có trách nhiệm lực chọn được đối tượng có năng lực để đóng mới, cải hoán phù hợp với khả năng tài chính, khả năng, kinh nghiệm sản xuất có đáp ứng nhu cầu hay không.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn từ Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng chính quyền các địa phương giúp đỡ người dân dễ dàng vốn vay, tránh trình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương và ngân hàng.
Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay tỉnh đã chỉ đạo làm thế nào để người dân khi tiếp cận các nguồn vốn vay chỉ cần một bộ hồ sơ thủ tục, tránh trình trạng Hội đồng thẩm định của xã của huyện làm rồi chuyển qua ngân hàng thì chưa thống nhất.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng cùng tham gia với Hội đồng thẩm định của xã, của huyện ngay từ khâu ban đầu, để khi UBND tỉnh ký danh mục cho các hộ dân tham gia thì ngân hàng đảm bảo giải ngân được ngay”, ông Lưu khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Do mưa to, nhiều hoa màu tại Quảng Nam bị ngập sâu trong nước. Sáng 14-9, nhiều người dân phải dầm mưa ra ruộng thu hoạch nông sản trong không khí tất bật, lo lắng đan xen.
Ngày 14.9, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành thanh tra về bảo vệ môi trường, đất đai và xây dựng; thanh tra thực tế hiện trường các khu vực sản xuất, tiến hành lấy mẫu và trưng cầu giám định (nếu có) tại 22 cơ sở hoạt động tại Khu chế biến hải sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành.
Gần nửa tháng nay, hơn 100ha lúa vụ mùa 2015 của bà con nông dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bước vào giai đoạn trổ bông mà không kết được hạt.
Để giúp nông dân cải tạo vườn xoài 3 mùa mưa chất lượng thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Định Quán chủ động phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ xây dựng dự án nghiên cứu khoa học.
Từ khi điện lưới quốc gia xuyên biển được kéo ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng kéo điện ra đồng phục vụ sản xuất hành tỏi.