Ngư Dân Được Mùa Cá Nục
Những ngày gần đây, ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận liên tiếp được mùa cá nục. Hiện giá cá nục đang ở mức khá cao và ổn định đã giúp nhiều chủ tàu thu lãi hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Buổi sáng, tại Cảng cá Đá Bạc, TP. Cam Ranh, nhiều chuyến tàu cập cảng mang theo hàng tấn cá nục suôn loại nhỏ. Ngay sau khi vận chuyển lên cảng, cá được đưa lên xe đông lạnh chở đi tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh.
Theo ngư dân Nguyễn Văn May, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, từ khoảng giữa tháng 8 đến nay, nhiều chủ tàu trúng đậm cá nục, có chuyến biển lãi hàng chục triệu đồng. Phần lớn sản lượng cá nục đánh bắt được là loại cá nục suôn, con nhỏ. Hiện giá cá nục được bán tại Cảng Đá Bạc dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, tùy loại.
Được mùa cá nục, Cảng cá Đá Bạc trở lên nhộn nhịp hơn trước. Các chủ vựa cá mang theo phương tiện đến tận cảng thu mua. Cá nục được đưa lên cầu cảng đến đâu có xe chuyên chở mang đi tiêu thụ đến đó. Theo nhiều chủ vựa, giá các loại hải sản thời gian vừa qua có xu hướng tăng và ổn định. Cá nục cũng nằm trong số này. Một phần cá nục được mang ra các chợ đầu mối để tiêu thụ, còn phần lớn cung cấp cho các cơ sở chế biến nước mắm.
Cùng chung niềm vui, tại Cảng cá Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, ngoài ngư dân Khánh Hòa còn có nhiều ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên... cũng đưa tàu cập cảng mang theo hàng tấn cá nục, cá hố. Tuy nhiên, cá nục được tập kết ở Cảng cá Vĩnh Lương chủ yếu là cá nục gai loại to, được thương lái thu gom rồi bán lại cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, một phần xuất bán đi các tỉnh khác.
Ông Lê Thế Hải, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Vĩnh Lương cho biết, lúc cao điểm, có nhiều chuyến tàu đánh bắt được hàng chục tấn cá nục, cá hố cập cảng cùng lúc khiến cảng cá quá tải. Nhiều chủ tàu đã phải tìm bến, cảng cá khác neo đậu để đưa cá lên bờ bán cho kịp. Tuy cá nục đánh bắt được nhiều nhưng vẫn bán được giá cao. Hiện nay, giá cá nục gai bán tại cảng khoảng 25.000 đồng/kg.
Không giấu được niềm vui sau chuyến đi đánh bắt cá nục về, ngư dân Lê Thành Tâm, trú xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, bày tỏ: “10 ngày qua, nhiều chủ tàu thường xuyên đến vùng biển, cách TP. Nha Trang khoảng 30 hải lý về phía Đông để đánh bắt cá nục.
Nhiều đêm sản lượng đánh bắt được có khi lên đến hơn 10 tấn. Đêm nào không gặp nhiều luồng cá thì cũng đánh bắt được hơn 5 tấn cá nục. Với giá cá khá cao như hiện nay, mỗi chuyến ra khơi (một ngày đêm), sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng, các bạn ghe thu nhập khoảng 2 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa đánh bắt cá nục thường diễn ra từ tháng 7 đến cuối năm. So với năm ngoái, mùa cá nục năm nay đến muộn hơn khoảng một tháng. Tuy vậy, sản lượng cá nục đánh bắt được lại nhiều hơn các năm trước. Một chuyến đi đánh bắt cá nục thường bắt đầu từ chiều ngày hôm trước. Chủ tàu chỉ đánh bắt cá nục trong đêm rồi trở về đất liền vào sáng hôm sau.
Trong thời gian này, nhiều chủ tàu cũng trúng đậm cá hố. Hiện cá hố loại nhỏ được bán với giá trên 20.000 đồng/kg, loại lớn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu bán được từ 70.000 đồng/kg trở lên; loại từ 0,5kg/con trở lên bán được hơn 80.000 đồng/kg. Được biết, thương lái thu mua loại cá này thường để xuất bán sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng Đề án tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi sang thị trường Nhật Bản. Theo đề án, Bình Định sẽ xây dựng 2 đội tàu với quy mô khoảng 10 tàu tại TP. Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn.
Trong nhiều năm qua, thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này liên tục năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD và trở thành một trong bốn quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.
Số lượng đàn gia súc của tỉnh Yên Bái liên tục giảm qua từng năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong những nguyên nhân đó là do bãi chăn thả bị thu hẹp, nguồn thức ăn cho đàn gia súc hạn chế. Vì vậy, muốn tăng đàn, phát triển chăn nuôi, trước mắt cần khắc phục tình trạng thiếu bãi chăn thả.
Tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra: Giá tôm lại giảm mạnh khiến những nông dân nuôi tôm sắp bước vào giai đoạn thu hoạch lo lắng.
Tôm tích là loài thủy sản nước mặn đặc trưng ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau), thế nhưng mô hình nuôi tôm tích lại rất mới mẻ đối với người dân nơi đây. Anh Thái Trọng Tín, ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới là người tiên phong nuôi thử nghiệm đem lại hiệu quả cao mô hình kinh tế này.