Ngư Dân Bình Chánh Trúng Đậm Mùa Mực Ở Trường Sa
Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên ai nấy cũng phấn khởi.
Bình quân, sau gần 3 tháng bám biển ở quần đảo Trường Sa mỗi tàu câu được 30 tấn mực khô, có tàu đạt 34 đến 37 tấn, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/tàu. “Mấy tuần đầu ra khơi, tụi tui đâu dám thả thúng câu mực, vì ảnh hưởng không khí lạnh, sóng dội liên hồi, loạng quạng là úp thúng như chơi.
Khi trời êm, biển lặng mực nhiều vô kể; thả mồi xuống là dính câu, kéo đến mỏi tay thì thôi. Lúc đó tụi tui mừng lắm, thức cả đêm mà không buồn ngủ”. Đó là lời bộc bạch của anh Nguyễn Thanh Tịnh, ở xóm Quang Minh, thôn Bình An Nội thuyền viên tàu QNg 95514TS.
Đang bận bịu vận chuyển lương thực xuống tàu để chuẩn bị ra khơi chuyến biển thứ 2 nhưng anh vẫn vui vẻ trò chuyện khi chúng tôi hỏi về mùa câu mực của ngư dân địa phương. Anh Tịnh cho biết chuyến biển vừa rồi, anh câu được 1,2 tấn, bán được 90 triệu đồng; trừ tổn phí, còn lại 60 triệu đồng.
Nói đến giá cả, anh chép miệng tiếc nuối vì lúc đó anh bán chỉ 75.000 đồng/kg, nếu để đến hôm nay giá mực tăng lên 80.000/kg thì kiếm thêm gần chục triệu đồng nữa. Dù tiếc nhưng anh cũng rất phấn khởi vì giá mực hiện nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, sau hơn 2 năm tụt giảm.
Anh Nguyễn Thành Trung, thuyền viên tàu QNg 95514TS cũng cho biết: Hơn 2 năm qua giá mực khô liên tục sụt giảm, có khi giảm hơn nửa so với trước đó, nhiều chuyến biển tàu thuyền ra khơi không đủ tổn phí.
Vì vậy khi giá mực tăng 30% (bằng thời điểm cuối năm 2011) sẽ giúp nhiều ngư dân có thêm động lực để bám biển và cải thiện thu nhập cho gia đình. Cũng theo anh Trung, giá mực tăng thì mới động viên được ngư dân ra khơi, mới bù lại nỗi cơ cực, vất vả của nghề câu mực khơi ở Trường Sa.
Bởi khi ra khơi, tất cả các ngư dân bắt đầu công việc từ 5 giờ chiều để thả thúng câu đến 4 giờ sáng tàu vớt thúng. Vừa lên tàu phải tranh thủ xẻ mực phơi cho kịp nắng. Có hôm câu được nhiều, khoảng vài tạ mực tươi thì xẻ phơi đến hơn 12 giờ, đôi khi chưa kịp ăn trưa và nghỉ ngơi lại khẩn trương đi trở mực, chuẩn bị cho lần xuống thúng tiếp theo.
Anh Võ Minh Hiền, chủ tàu QNg 85221TS công suất 380 CV ở thôn Mỹ Tân phấn khởi cho biết: Tàu ra khơi vào cuối tháng 2.2014, sau 3 tháng bám biển, tàu vừa về bến cách đấy mấy hôm, đạt sản lượng trên 30 tấn, bán được 2,4 tỷ đồng. Tàu anh có 27 lao động; trong đó có 24 thuyền viên chính, 1 chủ tàu và 2 người tài lọt. Người câu đạt sản lượng cao nhất gần 1,4 tấn và thấp nhất 1,2 tấn; sau khi trừ tổn phí mỗi bạn chài còn được khoảng từ 70 đến 85 triệu đồng; còn anh là chủ tàu được hơn 300 triệu đồng.
Cũng theo anh Hiền, muốn câu được nhiều mực các tàu thuyền ở đây phải đi đến vùng biển quần đảo Trường Sa, cách bờ hàng trăm hải lý; đồng thời người thuyền trưởng phải thức trắng cả đêm lẫn ngày để điều khiển con tàu đi đúng hướng, dò tìm những nơi có nhiều mực để câu.
Nếu tính thời gian tàu chạy phải mất 3 ngày, 3 đêm mới đến nơi. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 2 tháng đến 3 tháng mới vào bờ một lần, tổng chi phí lương thực, dầu mỡ trên 300 triệu đồng. Vì vậy mỗi chuyến ra khơi, tàu phải khai thác được 20 tấn mực khô trở lên mới có dư giả. “Mấy năm trước, tàu ra khơi chuyến nào về cũng chỉ đủ tổn, nếu kiếm được vài chục triệu, sau khi trừ tổn phí là mừng lắm rồi.
Năm nay mực nhiều, lại được giá chắc ngư dân ở đây bám trụ mãi với quần đảo Trường Sa mà thôi, khi nào hết nhiên liệu mới vào bờ”, anh Hiền nói.
Ông Nguyễn Thành Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết: Địa phương có 103 chiếc tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 57 chiếc (chủ yếu ở thôn Mỹ Tân) hành nghề câu mực khơi xuất khẩu. 5 tháng đầu năm nay, ngư dân xã Bình Chánh đã khai thác được 1.450 tấn mực khô, giá trị ước đạt gần 110 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm giá trị khai thác hải sản ở xã chiếm từ 65 đến 70% so với tổng giá trị kinh tế trên các lĩnh vực. Chuyến biển vừa qua, tàu nào ra khơi cũng đều trúng đậm, mực đầy ắp khoang thuyền.
Vì vậy về đến bờ các chủ tàu tranh thủ bán mực, mua lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Mực được mùa, được giá đã giúp ngư dân có thêm động lực để tiếp tục vươn ra khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm
Theo ước tính của Infofish, khối lượng nhập khẩu tôm toàn cầu tăng thêm khoảng 5 - 6% trong vòng nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, với xu hướng giá ổn định.
Năm 2014, lượng mưa ít hơn nhiều so với trung bình năm trước, mùa mưa kết thúc sớm nên một số hồ chứa, công trình thủy lợi không đủ nước phục vụ trong mùa khô 2015. Do đó, các địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo nước tưới và “né” hạn vào cuối vụ cho cây trồng của người dân.
Huyện Krông Nô có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp và điều kiện về nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất cây lương thực, chủ yếu là lúa, ngô, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 123.000 tấn. Vì vậy, hiện địa phương này được tỉnh chọn là vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa trọng điểm của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014-2015, toàn huyện sẽ gieo trồng 900 ha cây trồng các loại; trong đó, chủ lực vẫn là ngô, lúa. Hiện nay, chính quyền và người dân các xã, thị trấn đang tích cực triển khai các giải pháp cần thiết để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, kịp thời và phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra trong vụ.
Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản chủ trì, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tiến hành lấy 3 mẫu rau (hành hoa, cải ngồng, cà pháo) tại 3 cơ sở sản xuất rau xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đang trong thời điểm thu hoạch; 7 mẫu củ, quả (hành tây khô, tỏi khô, cà rốt, lê, táo tàu, hồng và quít) tại 5 đại lý, cửa hàng kinh doanh - đầu mối nhập và phân phối hàng củ, quả tươi trên địa bàn phường Tân Thanh và Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV.